19/05/2018 1:23 AM
Dù vốn đầu tư cho 43 dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư mới giải ngân được một nửa nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ lập kế hoạch thanh tra tình hình sử dụng vốn ngân sách dư ở các dự án này.

Dự án cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 1 qua Tây Nguyên bằng vốn ngân sách gồm 45 dự án thành phần. Ảnh: Bộ GTVT

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở một số bộ, trong đó có Bộ GTVT đang ngưng trệ một cách đáng báo động trong khi cơn “khát” vốn vẫn không ngừng tăng ở nhiều dự án. Đó là một nghịch lý tại thời điểm này.

Ngày 16-5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với ba bộ chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2018. Trong số này có Bộ GTVT. Mục đích là nhằm tháo gỡ khó khăn cho các bộ vì vốn đầu tư công từ ngân sách hoặc nguồn gốc ngân sách chậm giải ngân, đưa vào nền kinh tế cũng gây thiệt hại do các nguồn vốn đi vay như trái phiếu Chính phủ, vốn ODA đều phải trả nợ gốc và lãi.

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn ba bộ (Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được giải ngân 303 ngàn tỉ đồng, chiếm trên 25% tổng vốn đầu tư công của cả nước. Riêng kế hoạch năm 2018 thì lượng giải ngân chiếm khoảng trên 10% con số nêu trên. Do đó, việc chậm giải ngân của ba bộ, nhất là Bộ GTVT có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước. Song hiện nay, cả ba đều giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Cụ thể, Bộ GTVT được giao vốn kế hoạch năm 2018 là hơn 21.229 tỉ đồng nhưng hết tháng 4 mới giải ngân được 32,9%. Trong khi hai năm qua, hầu như ít có dự án lớn được khởi công và các dự án BOT đều ngưng trệ vì các hệ lụy của nó (BOT cũng cần vốn đầu tư công của Nhà nước để giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng - PV).

Hiện tại, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ GTVT còn 43 dự án sử dụng vốn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nhưng đến nay mới giao được 55% vốn kế hoạch. Việc giao phần vốn còn lại vẫn đặt trên bàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi về lý thuyết, quá trình phân bổ (trên giấy), Bộ GTVT đã được phân bổ hết và nay chỉ còn 10% nguồn vốn dự phòng trung hạn.

Một trong những nguyên nhân là Bộ GTVT mới giao được vốn cho 22/43 dự án sau gần 1 năm được giao vốn. Nhiều dự án BOT khác như nâng cấp cải tạo Quốc lộ 30 và một số dự án BOT khác dưới hình thức nâng cấp, cải tạo nay đã buộc phải tạm dừng theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ GTVT muốn mua lại các dự án này bằng vốn ngân sách đầu tư công (trung và dài hạn) nhưng chưa có cơ sở pháp lý. Việc cải tạo, nâng cấp đường lăn, sân đỗ ở các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất muốn trông chờ nguồn vốn này cũng chưa được phê duyệt.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân khách quan là rất lớn với các quy định chưa phù hợp thực tiễn ở 11 luật, hơn 100 nghị định của Chính phủ về đầu tư, xây dựng (làm ảnh hưởng tới quyết toán công trình dự án, điều chỉnh các nguồn vốn, thủ tục thẩm định phức tạp, không rõ ràng).

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT gửi báo cáo riêng về việc triển khai Nghị quyết số 99 của Quốc hội về sử dụng vốn dư từ mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh về tình hình triển khai các dự án, số giao vốn, số giải ngân, ai là chủ đầu tư, ai quản lý và xác định trách nhiệm cá nhân để báo cáo lãnh đạo Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc thẩm định nguồn vốn cho bộ, địa phương; bổ sung vốn còn thiếu cho các bộ trong kế hoạch trung hạn để thực hiện dự án dở dang của Bộ GTVT. Đồng thời, ông Huệ cũng giao Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, khảo sát, lập kế hoạch thanh tra toàn diện 43 dự án sử dụng vốn dư từ mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh của Bộ GTVT.

Lan Nhi (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.