21/07/2011 12:39 AM
Tín dụng cho bất động sản (BĐS) vẫn phải có tăng trưởng. Đặc biệt, tín dụng cho từng phân khúc BĐS sẽ phải có điều chỉnh - ông Nguyễn Hồng Quân - Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông báo tại buổi sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm của ngành.

Do ảnh hưởng từ bối cảnh chung của kinh tế thế giới cũng như chủ quan trong nội tại, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm cả nước gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã có Nghị quyết 02 và 11 về ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính tài khóa và tín dụng phải thắt chặt.


Theo vị Bộ trưởng, nửa đầu năm GDP cả nước tăng 5,57% - chưa bằng chỉ tiêu Quốc hội đề ra. 6 tháng còn lại nếu chung sức, quyết liệt hơn nữa, GDP phải tăng trên 6% thì hy vọng mới đạt con số tăng trưởng 6% cả năm.


Các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng, BĐS hiện ghi nhận hiệu quả và tốc độ tăng trưởng sụt kém hơn cùng kỳ các năm trước. Trước đây tăng trưởng thường trên 20%, thì hiện tại chỉ trên 10%, tức là trên mức bình quân chung của cả nước.


Tình hình 6 tháng cuối năm, chủ trương của Chính phủ vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, nên theo ông Nguyễn Hồng Quân, chính sách tiền tệ, tín dụng chắc chưa có thay đổi nhiều. Song điều này không có nghĩa là không có sự điều chỉnh tín dụng linh hoạt hơn.


Sẽ điều chỉnh tín dụng cho từng phân khúc BĐS


Sẽ điều chỉnh tín dụng cho từng phân khúc BĐS.


Bằng chứng là, sau khi Bộ Xây dựng có văn bản hôm 27/6, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế và phương thức điều chỉnh phù hợp tín dụng, tập trung cho hoạt động sản xuất, tạo lập phát triển hạ tầng cấp thiết, đến nay, lãnh đạo hai cơ quan đầu ngành đã có sự làm việc, thống nhất trong phiên họp Chính phủ.


Ông Nguyễn Hồng Quân cho biết, việc mọi người trước đây vẫn nói tổng dư nợ tín dụng cho BĐS giảm, là không đúng, chưa chính xác. Vừa rồi Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nêu quan điểm, vẫn phải có tăng trưởng tín dụng BĐS: năm ngoái, mức tăng trưởng là 23% lớn quá, năm nay con số tăng trưởng tín dụng này không quá 20%.


Ngoài ra, sơ kết tình hình tín dụng vào BĐS 6 tháng đầu năm cho thấy nổi lên bất cập như một số khoản mục, dự án thiết yếu đáng tăng tín dụng thì lại điều chỉnh giảm và ngược lại, khoản mục đáng giảm, lại tăng, ngành ngân hàng cũng đồng ý kiến cho đây là bất hợp lý, phải điều chỉnh.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - ông Nguyễn Văn Giàu, cũng đã có công văn đề nghị ngành xây dựng phải đưa ra các tiêu chí lựa chọn từng phân khúc, dự án; phối kết hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan để tháo gỡ vấn đề này.


"Như vậy tín dụng cho BĐS vẫn phải có tăng trưởng, đặc biệt tín dụng cho từng phân khúc BĐS sẽ phải có điều chỉnh" - ông Nguyễn Hồng Quân khẳng định.


Chưa đưa ra thời điểm nhưng lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo, các sở ngành xây dựng địa phương phải hết sức lưu ý và chủ động trong việc phân loại, soát xét để đưa ra tiêu chí điều chỉnh với ngân hàng vì đây là nhiệm vụ của ngành. 6 tháng cuối năm, để làm được, các sở ngành phải sâu sát, cụ thể hơn.


Nếu việc điều chỉnh hợp lý và linh hoạt tín dụng trong BĐS mà không làm tăng tỷ trọng tín dụng của lĩnh vực này trong tổng dư nợ, được thực hiện thì đây sẽ là một tin vui, đánh trúng niềm khấp khởi hy vọng hiện tại của không ít doanh nghiệp xây dựng, phát triển dự án nhà ở giá thấp và trung bình tại đô thị - phân khúc được đánh giá là rất thiếu so với nhu cầu hiện tại.


Văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước ngày 27/6, Bộ Xây dựng đề nghị một số khoản mục khác cần phải tăng tỷ trọng cho vay, đó là: vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà để ở.

Cần giảm tỷ trọng vay đối với một số khoản mục như: vay xây dựng khu đô thị; vay xây dựng văn phòng, cao ốc cho thuê; vay xây dựng để chuyển nhượng trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán; vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường giải phóng mặt bằng, khởi công dự án mới.

Một số khoản mục có thể giữ nguyên tỷ trọng cho vay, như: vay xây dựng, kinh doanh trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở hoặc đối với các dự án dở dang cần vốn để tiếp tục hoàn thành sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.

Theo Nguyễn Nga (Vef)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.