ói 30.000 tỷ đồng: Sớm điều chỉnh điều kiện cho vay
Sau gần 5 tháng triển khai, gói 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 6%/năm hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà, việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn rất chậm. Trong khi đó lượng căn hộ tồn kho tại TP.HCM hiện rất lớn và nhu cầu vay tiền để mua nhà của người dân, doanh nghiệp để hoàn thiện dự án rất cấp bách.
Sẽ điều chỉnh điều kiện cho vay gói 30.000 tỷ (Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến ngày 15-10, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới tiếp cận được 179 khách hàng cá nhân, với số tiền 103 tỷ đồng, đã giải ngân được 31 tỷ đồng và chưa có doanh nghiệp nào được vay. Sở dĩ tiến độ triển khai chậm do nguồn vốn chủ yếu của gói tín dụng này là của NHTM, các NH rất thận trọng trong việc xét duyệt các tiêu chí cho vay để đảm bảo khả năng trả nợ.
Thực tế này đang gây bức xúc đối với người có nhu cầu cần vay tiền để mua nhà ở, doanh nghiệp cần vốn triển khai dự án. Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã từng đề nghị vay gói 30.000 tỷ đồng không cần chứng minh thu nhập.
Từ thực tế này, UBND TPHCM đã đề nghị Chính phủ cần điều chỉnh điều kiện cho vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Theo đó cho vay đối với căn hộ có diện tích trên 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, nhưng chỉ cho vay lãi suất ưu đãi đối với phần diện tích dưới 70m2, phần diện tích vượt không cho vay; lãi suất giảm 6%/năm xuống còn 3% và tăng thời gian vay lên 15 năm; cho thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để NH cho vay dễ dàng hơn… TP cũng kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng đối với người mua nhà lần đầu.
Cả ngàn dân bị om trăm tỷ phí bảo trì chung cư
Số tiền phí bảo trì chung cư 2% giá trị căn hộ mà khách hàng đã đóng cho chủ đầu tư là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hộ dân sống tại các khu chung cư đang bức xúc vì số tiền hàng trăm tỷ đồng phí bảo trì này không được chủ đầu tư chuyển lại cho ban quản trị (BQT) theo quy định.
Điều 20 Quyết định 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng đã nêu rõ, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi phí bảo trì cho từng nhà chung cư tại ngân hàng thương mại, với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn kể từ khi đưa chung cư vào sử dụng.
Tiền lãi phát sinh hàng tháng được gộp vào tiền gốc để phát triển quỹ. Quỹ bảo trì này sẽ sử dụng khi chung cư hết thời hạn bảo hành, dùng để sửa chữa khi phát sinh các hư hỏng, sự cố liên quan đến bảo trì phần sở hữu chung của chung cư.
Tuy nhiên, sau hơn nhiều năm triển khai, thực tế không diễn ra như vậy, nhất là việc ai quản lý quỹ bảo trì chung cư lại chưa rõ ràng.
Nhiều đại diện BQT nhà chung cư cho rằng, không dễ đòi chủ đầu tư nộp các khoản này, nhất là khi chủ đầu tư lần lữa không muốn chuyển giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị quản lý.
Nhà ở thương mại được giảm 50% thuế VAT
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với bán, cho thuê hoặc cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế GTGT 10% và đã bao gồm phí bảo trì công trình theo quy định...).
Đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội sẽ áp dụng thuế suất thuế VAT 5% kể từ ngày 1/7/2013.
Bên cạnh đó, Thông tư nêu rõ, doanh nghiệp thực hiện đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với phần thu nhập từ doanh thu bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội phát sinh từ ngày 1/7/2013 không phụ thuộc vào thời điểm ký hợp đồng bán, cho thuê hoặc cho thuê mua nhà ở xã hội.
Chuyển 6.000 căn hộ sang nhà ở xã hội
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, sau nghị quyết 02, có rất nhiều dự án nhà ở thương mại đăng ký xin chuyển sang nhà ở xã hội, tuy nhiên, đến nay, thành phố đã phê duyệt ba dự án với số lượng hơn 6.000 căn hộ được chuyển đổi.
Ngoài ra, TP.HCM đã đồng ý cho chung cư Thái Bình Plaza (quận 2) có tổng diện tích 14.000m2 với năm block cao 20 tầng (chưa kể tầng hầm) thành bệnh viện đa khoa quốc tế 500 giường.
Tổng rà soát chung cư cũ
Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát, phân loại chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn.
Theo đó, những chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp cần khẩn trương kiểm định chất lượng để làm căn cứ quyết định cải tạo, sửa chữa hoặc phá dỡ, xây mới; có biện pháp hạn chế, ngừng sử dụng và di dời người dân nếu cần thiết; lập kế hoạch bảo trì, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Khách hàng AZ Vân Canh tự quản lý dòng tiền
Đại diện CTCP Bất động sản AZ (AZ Land) cho biết, chủ đầu tư đồng ý với kiến nghị, khách hàng Dự án AZ Vân Canh được quản lý dòng tiền.
Vấn đề hiện nay là khách hàng, ngân hàng, nhà thầu và chủ đầu tư phải thỏa thuận cơ chế quản lý dòng tiền.
Ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT AZ Land cho biết, cơ chế quản lý dòng tiền tại Dự án AZ Vân Canh sẽ tương tự mô hình quản lý dòng tiền tại Dự án Usilk City (quận Hà Đông) của CTCP Sông Đà Thăng Long.
Theo đó, khách hàng sẽ lập một tài khoản riêng và tự quản lý dòng tiền. Tiến độ giải ngân sẽ được thực hiện theo tháng hoặc theo quý. Tiền trong tài khoản cá nhân của khách hàng chỉ bị khấu trừ một khi tiến độ dự án được đơn vị thi công triển khai và nghiệm thu theo đúng thỏa thuận.