Evergrande đang đứng trước bờ vực phá sản với khoản nợ bằng tổng nợ công của Bồ Đào Nha
Evergrande, nhà phát triển bất động sản “chúa chổm” của Trung Quốc, đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư toàn cầu khi tập đoàn này chật vật tìm cách thoát khỏi quả bom nợ 300 tỷ đô la đang chực chờ phát nổ. Các nhà phân tích đang đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau, rằng Evergrande sẽ tuyên bố vỡ nợ, trả nợ bằng cách bán tài sản và các công ty, hay phải chờ sự giải cứu của chính phủ.
Vấn đề của Evergrande không hề nhỏ. Tập đoàn này có hơn 70.000 nhà đầu tư và đang không thể hoàn thiện xây dựng nhà ở cho hơn 1,4 triệu khách hàng đã đặt tiền. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Evergrande không phải là vấn đề, mà là triệu chứng của một vấn đề nghiêm trọng hơn trong nền kinh tế vĩ mô của quốc gia tỷ dân.
Có thể là Lehman Brothers thứ hai
Evergrande được thành lập bởi ông Hui Ka Yan vào năm 1996 tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, phần lớn bằng cách đi vay vốn. Evergrande hiện sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố. Tính đến cuối tháng 6/2021, Evergrande đã nhận 1,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 202 tỷ USD) tiền trả trước từ người mua nhà cho 1,4 triệu căn hộ và có khả năng không thể bàn giao nhà.
Thất bại của tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc do vay nợ quá nhiều, quản lý yếu kém và đầu tư dàn trải
Ngoài bất động sản, Evergrande còn đầu tư vào hàng loạt công ty trên nhiều lĩnh vực như xe điện (Evergrande New Energy Auto), truyền thông và internet (HengTen Networks), công viên giải trí (Evergrande Fairyland), câu lạc bộ bóng đá (Guangzhou FC), nước khoáng và thực phẩm (Evergrande Spring), cùng nhiều công ty khác. Với hơn 200 công ty con ở nước ngoài và gần 2.000 công ty con trong nước, Evergrande có tài sản khoảng 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ - tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, theo tính toán của Goldman Sachs.
Evergrande từng được coi là “đại công thần” thúc đẩy sự bùng nổ bất động sản của Trung Quốc, góp phần đô thị hóa các vùng rộng lớn của đất nước tỷ dân, và thu hút ba phần tư tài sản của các hộ gia đình đổ vào nhà ở. Tập đoàn này là trung tâm quyền lực trong một nền kinh tế dựa vào bất động sản để tăng trưởng siêu tốc của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Evergrande từng nhiều lần vướng vào rắc rối. Thất bại của tập đoàn này được quy cho việc vay nợ quá nhiều, quản lý kém cỏi và đầu tư dàn trải. Trong những năm gần đây, Evergrande đã phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện do không thể bàn giao nhà cho khách hàng. Các nhà cung cấp và chủ nợ đang đòi Evergrande hàng trăm tỷ đô la.
Năm 2020, Evergrande được cho là đã phải gửi thư thông báo với chính quyền về khả năng khủng hoảng thanh khoản và có thể dẫn đến vỡ nợ chéo trong ngành tài chính. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã được ngăn chặn do một nhóm các nhà đầu tư từ bỏ quyền buộc tập đoàn này hoàn trả 13 tỷ đô la.
Bước sang năm 2021, vấn đề nợ nần của Evergrande trở thành tâm điểm của Trung Quốc và thế giới. Mức nợ của tập đoàn tương đương nợ công của Bồ Đào Nha. Cổ phiếu của tập đoàn giảm hơn 80%. Chưa bao giờ nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc này lại khiến các nhà đầu tư tháo chạy và đứng trước nguy cơ vỡ nợ cao như hiện nay.
Người mua nhà và nhà đầu tư đã biểu tình tại các văn phòng của Evergrande trên khắp Trung Quốc đòi trả lại tiền. Trong khi đó, các tổ chức xếp hạng liên tục hạ mức tín nhiệm của tập đoàn. Cơ quan xếp hạng Fitch cho biết việc vỡ nợ của Evergrande "có thể xảy ra". Moody’s, một cơ quan xếp hạng khác, cho biết Evergrande đã hết cả tiền và thời gian.
Nỗ lực ngăn chặn sụp đổ bất thành
Theo các chuyên gia, Evergrande đáng lẽ có thể giải quyết bom nợ nếu không gặp phải hai vấn đề. Thứ nhất, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang loại bỏ thói quen vay nợ liều lĩnh của các nhà phát triển bất động sản. Điều này đã buộc Evergrande phải dần bán bớt một số mảng trong đế chế kinh doanh rộng lớn của mình. Thứ hai, thị trường bất động sản của Trung Quốc đang phát triển chậm lại và nhu cầu về căn hộ mới giảm dần, khiến tập đoàn này khó bán được nhà nhiều như trước.
Các cuộc biểu tình phản đối Evergrande diễn ra trên khắp Trung Quốc
Trong khi đó, phần lớn tiền mặt mà Evergrande có thể thu được đến từ việc bán các căn hộ hình thành trong tương lai. Evergrande đã giảm giá căn hộ mới, nhưng vẫn không thu hút được người mua mới. Vào tháng 8/2021, doanh số bán hàng của tập đoàn ít hơn một phần tư so với một năm trước.
Năm 2020, cơ quan quản lý Trung Quốc đã đưa ra chính sách “ba lằn ranh đỏ” để siết chặt các điều kiện cho vay đối với thị trường bất động sản. Theo đó, các nhà quản lý sẽ đánh giá ba tỷ lệ - nợ phải trả trên tài sản, nợ ròng trên vốn chủ sở hữu và tiền mặt trên nợ ngắn hạn - trước khi quyết định xem nhà phát triển có thể vay thêm vốn hay không. Tùy theo khả năng đáp ứng các tiêu chí, nhà phát triển có thể tăng khoản vay nợ hàng năm lên từ 5-15%. Theo ngân hàng đầu tư UBS, chỉ có 5 nhà phát triển Trung Quốc nằm trong lằn ranh màu xanh, tức là vùng an toàn.
Việc Trung Quốc siết chặt quản lý thị trường bất động sản trị giá 50 nghìn tỷ đô la đang phát triển quá nóng vô hình chung lại khiến thị trường lao đao do chưa thể thích ứng. Đầu năm 2021, dư luận Trung Quốc xôn xao trước vụ vỡ nợ trái phiếu lên tới 8,7 tỷ NDT của công ty bất động sản China Fortune Land. Tiếp đó, ngân hàng và các nhà đầu tư yêu cầu nhà phát triển và người mua nhà phải trả nợ cho các sản phẩm tài chính quá hạn, kéo theo các cuộc biểu tình của người mua nhà và nhà đầu tư, gây ra bất ổn xã hội.
Jim Chanos, Chủ tịch kiêm người sáng lập Kynikos Associates, lưu ý rằng Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn tình trạng đầu cơ vào bất động sản bốn lần kể từ năm 2011. Ông nói: “Trong mỗi lần, nền kinh tế Trung Quốc bị chững lại rất nhanh. Khi đó, các nhà chức trách lại phải nới lỏng các quy định kiểm soát”.
Nền kinh tế “nặng nợ”
Cách đây một thập kỷ, nhiều quỹ phòng hộ đã cảnh báo về sự sụp đổ của Evergrande do phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính và tăng trưởng quá nóng. Điều này phần nào cũng đúng khi nói về sự tăng trưởng vượt bậc của kinh tế Trung Quốc.
1,4 triệu người Trung Quốc có nguy cơ mất trắng vì đã đặt cọc mua nhà tại Evergrande
Trung Quốc đã trải qua ba thập kỷ xây dựng sự giàu có với một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Nhưng để có bộ mặt mới, vay nợ đã bùng nổ trong nền kinh tế với sự mở rộng tín dụng bị xâm chiếm bởi các “ngân hàng bóng tối”. Họ bao gồm các công ty tín thác, công ty cho thuê tài chính, công ty bảo hiểm và các loại tổ chức tài chính phi ngân hàng khác.
Ngân hàng bóng tối thường cho các ngành công nghiệp khác vay tiền từ nguồn vốn huy động từ các ngân hàng truyền thống nhưng với mức lãi suất cắt cổ. Và chúng hoạt động mạnh mẽ bên ngoài hệ thống ngân hàng chính thức và nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà quản lý cũng như chính sách tiền tệ.
Các công ty được phép vay nợ trong một khoảng thời gian dài trước khi phải đối mặt với nguy cơ gây ra bất ổn cho xã hội, thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực lên các doanh nghiệp cùng ngành. Hệ quả là, họ đã đi vay quá nhiều trong vài năm trước khi chịu sự hạn chế từ các quy định của chính phủ. Điều này diễn ra trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn sau năm 2008, khi các công ty vay nợ để xây dựng cơ sở hạ tầng và kích thích nền kinh tế. Tình hình chỉ chấm dứt khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu chiến dịch xóa nợ vào năm 2017.
Không chỉ vậy, Trung Quốc còn chạy đua trong việc đầu tư với các quốc gia phương thông qua các khoản đầu tư vào 3.400 công ty đa quốc gia, gần bằng cả Mỹ và Tây Âu cộng lại. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất trên thế giới vào năm 2020. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các công ty Trung Quốc đạt 133 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ so với năm 2019 bất chấp những khó khăn do dịch bệnh. Các khoản đầu tư này càng gia tăng sự phụ thuộc vào vay nợ của kinh tế Trung Quốc.
Riêng ngành bất động sản Trung Quốc đã trải qua giai đoạn tăng giá trong suốt hơn 20 năm qua, tạo ra bong bóng giá do các hộ gia đình đầu tư quá nhiều vào bất động sản và các nhà phát triển sử dụng đòn bẩy tài chính để xây dựng các dự án. Ngay từ khi bất động sản nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính trị của Trung Quốc, ngành này đã sử dụng mô hình “ba cao một thấp” (nợ cao, đòn bẩy cao, doanh thu cao, chi phí thấp) rất rủi ro, kết quả là cầm cố thế chấp để phát triển nhanh chóng.
Thị trường bất động sản dân cư chiếm 20% GDP của Trung Quốc, trong khi ngành bất động sản nói chung chiếm khoảng 30% GDP. Mỗi năm, Trung Quốc xây dựng khoảng 15 triệu ngôi nhà mới - gấp 5 lần số nhà ở Mỹ và châu Âu cộng lại. Tuy nhiên, 1/4 nguồn cung hiện tại lại bị bỏ trống. Các “rừng chung cư” bị bỏ hoang trải dài trên các thành phố cấp 2 và cấp 3. Nhưng nhà ở tại thành phố lại vô cùng khan hiếm và đắt đỏ.
Tại nhiều khu vực, người dân phải tham gia quay xổ số với tỷ lệ chọi thấp cũng ở mức 1 chọi 60 để giành quyền đặt cọc mua nhà. Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Trung Quốc E-house, giá nhà đã tăng hơn 60% kể từ năm 2016 tại nhiều nơi. Giá nhà tăng nhanh nhất tại các khu vực đô thị, gây ra các vấn đề xã hội như các gia đình không dám sinh thêm con hay bất bình đẳng ngày càng lớn.
Bất động sản hiện là ngành có nợ xấu lớn thứ hai của hàng loạt ngân hàng tại Trung Quốc. Tại 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, nợ xấu của ngành bất động sản trong nửa đầu năm nay tăng ở mức kỷ lục 30%, đạt 97 tỷ Nhân dân tệ (15 tỷ USD). Nợ xấu bất động sản chỉ đứng sau ngành sản xuất, bán buôn và bán lẻ.
Vào năm 2021, các nhà phát triển Trung Quốc đã phải trả hơn 100 tỷ USD tiền hoàn trả trái phiếu. Trong khi đó, 10% dư nợ ngân hàng cho các khách hàng phi tài chính trên toàn cầu đã chảy vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc của tập đoàn đầu tư và tài chính Nomura, cho biết: “Một lần nữa, lĩnh vực bất động sản có thể trở thành thách thức chính đối với chính phủ Trung Quốc và các nhà đầu tư. Các bên liên quan cần chuẩn bị cho một kịch bản tăng trưởng tồi tệ hơn nhiều so với dự kiến, nhiều khoản nợ và trái phiếu vỡ nợ hơn, cũng như nguy cơ gây xáo trộn thị trường chứng khoán”.
Hiệu ứng domino
Điểm độc đáo về nguy cơ sụp đổ của Evergrande, so với những thất bại khác, là nó có thể châm ngòi cho các rủi ro mang tính hệ thống. Điều này tương tự như sự sụp đổ của Lehman Brothers đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Cả hai tập đoàn đều được coi là “quá lớn để có thể sụp đổ”.
Lo ngại lớn nhất từ hiệu ứng của Evergrande là tình trạng suy giảm thanh khoản và rủi ro gia tăng có thể lan rộng trên các thị trường tài chính, đe dọa khả năng tồn tại của các ngân hàng với các khoản vay lớn cho lĩnh vực bất động sản và làm giảm giá bất động sản nói chung. Hiện tại, lợi suất của một chỉ số trái phiếu rác bằng đồng đô la đã tăng lên khoảng 14 phần trăm. Sự mong manh của hệ thống tài chính tăng lên sẽ tác động đến nền kinh tế do các điều kiện tín dụng bị siết chặt.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang gắn liền với thăng trầm của kinh tế Trung Quốc, vốn là nền kinh tế lớn duy nhất đạt tốc độ tăng trưởng dương vào năm ngoái. Vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến Trung Quốc sẽ đóng góp hơn 1/5 mức tăng tổng sản phẩm quốc nội của thế giới trong 5 năm tính đến năm 2026. Do vậy, nếu Trung Quốc "hắt hơi" vì Evergrande, phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu sẽ bị "cảm cúm" hoặc tệ hơn.
Trong tuần này, làn sóng lo sợ từ sự việc của Evergrande và triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã làm thị trường chứng khoán toàn cầu rung chuyển. Các chỉ số lớn chìm trong sắc đó. Chỉ số Dow Jones, Nasdaq, S&P 500, FTSE 100 của London hay Nikkei của Nhật Bản đều có những ngày tồi tệ nhất trong vòng nhiều tháng. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất do các nhà đầu tư coi đây là kênh trú ẩn an toàn hơn.
Phoenix Kalen, chiến lược gia tại công ty Societe Generale ở London, cho biết những tác động từ nguy cơ sụp đổ của Evergrande có thể góp phần làm giảm tốc nền kinh tế Trung Quốc. Từ đó, kéo theo suy giảm tăng trưởng và lạm phát toàn cầu, ảnh hưởng đến giá hàng hóa tại các thị trường. Dù sự sụp đổ của Evergrande không thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, nhưng chắc chắn nó có thể tạo ra nhiều biến động kinh tế và trở thành một biến cố “thiên nga đen”.
Nếu Evergrande sụp đổ, kinh tế Trung Quốc và cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng
Rick Rieder, Giám đốc đầu tư về thu nhập cố định toàn cầu tại BlackRock, cho biết: “Trung Quốc có một hệ thống không rõ ràng. Đôi khi, bạn không có câu trả lời cho mọi chuyện cho đến khi vấn đề được giải quyết”.
“Hệ thống ngân hàng có xu hướng được kiểm soát bởi chính phủ,” Rieder nói thêm. “Có lẽ sẽ có sự can thiệp của chính phủ. Các công ty bất động sản và tổ chức tài chính sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Tình hình sẽ chỉ ổn định khi chính phủ có hành động”.
Nếu các công ty bất động sản khác cũng gặp rắc rối, giá trị các căn nhà sẽ bị ảnh hưởng và có thể gây ra xáo trộn trên thị trường nhà ở nói chung. Tiêu dùng nội địa là một nhân tố lớn trong nền kinh tế Trung Quốc, và một tác động vào nhà ở có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng nói chung.
Chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra thông điệp rõ ràng về việc có giải cứu Evergrande hay không. Tuy nhiên, một chuyên gia cho biết đây là thời điểm quan trọng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, vốn đang thực hiện hàng loạt hạn chế đối với các công ty công nghệ, công ty giáo dục, trò chơi và các ngành công nghiệp khác.
Ngay cả sau khi vấn đề Evergrande được giải quyết, căn bệnh “nặng nợ” của Trung Quốc vẫn có khả năng tiếp diễn. Điều này là do hệ thống tài chính yếu kém, tạo ra bong bóng giá tài sản và luôn trông chờ vào gói cứu trợ của chính phủ trong thời điểm tồi tệ.
Các quy định mà Trung Quốc mới ban hành có thể làm giảm bớt các triệu chứng nhưng không thể giải quyết núi nợ chồng chất của quốc gia này. Nếu muốn phát triển ổn định, kinh tế Trung Quốc sẽ cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố nhà nước và thị trường để đảm bảo đòn bẩy mạnh mẽ, từng bước xây dựng hệ thống tài chính bền vững và xóa bỏ bóng ma nợ nần trong tương lai.
-
Bom nợ bất động sản Trung Quốc làm rung chuyển thị trường chứng khoán thế giới
Một làn sóng lo sợ về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tràn qua các thị trường chứng khoán toàn cầu vào đầu tuần này khi Evergrande có nguy cơ vỡ nợ. Các nhà đầu tư e ngại sự kiện này có thể gây áp lực lên các công ty Trung Quốc và giá hàng hóa quốc tế.
-
Tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Country Garden báo lỗ kỷ lục trong năm 2023-2024
Sau nhiều tháng trì hoãn công bố báo cáo tài chính, "gã khổng lồ" bất động sản Trung Quốc Country Garden Holdings cuối cùng đã hé lộ khoản lỗ khổng lồ gần 175 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 23,8 tỷ USD) trong năm 2023, gấp gần 30 lần so với năm trước đó...
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...