20/04/2023 9:36 AM
Sau loạt chính sách nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản được ban hành kể từ đầu năm 2023, tiêu thụ thép nội địa ghi nhận khởi sắc trở lại khi 60% lượng tiêu thụ mặt hàng này ở trong nước đến từ ngành xây dựng.

Hàng loạt chính sách “rã đông” thị trường bất động sản

Từ đầu tháng 3.2023 đến nay, hàng loạt chính sách liên quan đến thị trường bất động sản được ban hành. Đây được cho là tín hiệu ban đầu cho quá trình phục hồi và tăng trưởng của không chỉ bất động sản mà còn tác động đến nhiều ngành nghề liên quan.

Hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản được ban hành kể từ đầu năm 2023

Đầu tiên phải kể đến là Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 5.3. Theo đánh giá của Chứng khoán VNDirect, nghị định này cho phép giãn nợ và hoán đổi nợ trái phiếu sang tài sản khác giúp xoa dịu áp lực thanh khoản cho chủ đầu tư trong ngắn hạn. Đồng thời, việc tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp là những yếu tố giúp hoạt động phát hành cải thiện.

Tiếp theo là Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 11.3, là tiền đề cho nhiều chính sách hỗ trợ khác, cùng với Nghị định 08 cho phép chủ đầu tư gia hạn nghĩa vụ trả nợ, qua đó sẽ làm giảm áp lực thanh khoản lên các chủ đầu tư trong ngắn hạn và cho phép họ có thêm thời gian để xử lý các khoản nợ của mình.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, Nghị quyết số 33 và Nghị định 08 của Chính phủ sẽ khơi thông vướng mắc của thị trường bất động sản, từ đó dần ổn định và phục hồi trở lại. Điều này trực tiếp tác động tích cực đến hoạt động tiêu thụ thép thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngày 14.3, đã giảm lãi suất tái chiết khấu 1% và ngày 31.3 đã giảm lãi suất trần huy động 0,5%. Việc giảm lãi suất huy động được đánh giá là cơ hội để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra, ngày 1.4, NHNN đã ban hành Văn bản số 2308 triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Sau đó, ngày 3.4, Chính phủ có Quyết định 388 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Cùng ngày, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai (có hiệu lực từ ngày 20.5).

Những lực đẩy đáng chú ý từ Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành sẽ là cơ sở rất lớn để thị trường bất động sản sớm khởi sắc trở lại. Đây không còn là câu chuyện của chỉ riêng bất động sản, mà những tác động tích cực từ sự phục hồi này còn lan ra toàn nền kinh tế, ngành thép cũng không phải ngoại lệ.

Tiêu thụ thép nội địa khởi sắc trở lại

Trên thị trường nội địa, tình hình tiêu thụ thép trong tháng 3.2023 ghi nhận sự khởi sắc hơn so với tháng trước khi Chính phủ nhấn mạnh việc thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh việc xây dựng các công trình trọng điểm, các tuyến đường cao tốc.

Đây là cơ hội tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất tìm nguồn cầu đầu ra. Nhưng nhìn chung, so với cùng kỳ năm ngoái, tiêu thụ thép vẫn còn khá yếu khi bất động sản vẫn còn nhiều thách thức.

Tiêu thụ thép nội địa khởi sắc trở lại trong tháng 3.2023

Báo cáo mới đây của VSA cho thấy, sản xuất thép thành phẩm trong tháng 3 đạt 2,4 triệu tấn, tăng 2,25% so với tháng trước nhưng giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép các loại đạt 2,2 triệu tấn, tăng 6,29% so với tháng trước nhưng giảm 29% so với cùng kỳ.

Như vậy, sản xuất thép thành phẩm quý 1.2023 đạt tổng cộng gần 6,7 triệu tấn, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 6 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện các mặt hàng sắt thép trong nước chủ yếu được tiêu thụ nhờ các dự án bất động sản và đầu tư công. Khoảng 60% sản lượng thép được sử dụng trong ngành xây dựng dân dụng tại Việt Nam.

Do đó, khi thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, nếu thị trường này thiếu ổn định hoặc trầm lắng kéo dài, ngành thép cũng mất đi cơ hội phát triển.

VSA cho rằng, trong kịch bản tốt nhất là việc triển khai các dự án đầu tư công và nhà ở xã hội năm nay được thúc đẩy mạnh mẽ sẽ giúp nhu cầu thép cải thiện hơn vào nửa cuối năm nay. Ngoài ra, tình hình kinh tế Việt Nam được dự báo tích cực hơn so với thế giới cũng là yếu tố hỗ trợ giá thép trong thời gian tới.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.