CafeLand - Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị về một số giải pháp quản lý thị trường bất động sản. Nội dung đáng chú ý là Chính phủ tiếp tục yêu cầu hạn chế cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản cao cấp, hỗ trợ các dự án nhằm tới mục tiêu an sinh xã hội. Như vậy, hậu chỉ thị này bất động sản cao cấp có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Phát triển nhà ở xã hội và kiểm soát đầu cơ


Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Công văn 8844/NHNN-CSTT loại trừ 4 nhóm tín dụng bất động sản ra khỏi rổ tín dụng phi sản xuất, Thủ tướng đã đưa ra Chỉ thị 2196/CT-TTg về tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Nội dung của chính của Chỉ thị yêu cầu phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư các dự án phát triển nhà ở, đầu tư kinh doanh bất động sản.


Chỉ thị 2196/CT-TTg được kỳ vọng sẽ “lập lại trật tự” đối với thị trường bất động sản, hướng dòng vốn vào vấn đề an sinh xã hội, hạn chế đầu cơ. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, xây dựng đề án chương trình nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp, quỹ tiết kiệm nhà ở. Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xem xét các phương án đánh thuế nhà đất để hạn chế đầu cơ.


Thời kỳ trước đây, bất động sản Việt Nam sau một thời gian bùng nổ. Các doanh nghiệp đều hướng tới phân khúc nhà ở trung và cao cấp, trong khi đó phân khúc cho người có nhu cầu thực sự không được chú trọng. Hệ quả là hiện tại thị trường bất động sản đang ở trong một giai đoạn hết sức khó khăn. Việc điều chỉnh trong nội dung của Chỉ thị này là bước đi cần thiết để hướng sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam về đúng quỹ đạo của nó.


Bên cạnh đó, Chỉ thị còn chỉ đạo các cơ quan nhà nước đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại khu vực đô thị. Mục đích nhằm giải quyết những bất cập lớn trong việc cấp sổ đỏ, sổ hồng.


Như vậy, sau Công văn của NHNN tạo lối mở cho dòng chảy tín dụng và bất động sản cho “người nghèo”, Chỉ thị 2196 cũng hướng các chính sách ưu đãi cho phân khúc này. Đây là một bước đi đúng hướng và cần thiết để hướng đến công bằng và phát triển bền vững của xã hội. Dù vậy, vẫn cần thời gian để kiểm chứng những tác dụng thực sự của những chính sách này.


Bất động sản cao cấp bị giáng thêm khó khăn


Hiện tại, dù giá bất động sản đã giảm khá nhiều so với trước đó nhưng vẫn ở mức quá cao so với khả năng chỉ trả của phần lớn người dân. Bất động sản trung và cao cấp bùng nổ chiếm tỷ lệ lớn còn nhà có giá phù hợp với đa số người tiêu dùng vẫn quá ít. Chỉ thị miêu tả thực trạng đầu tư trên thị trường bất động sản Việt Nam “Đầu tư xây dựng nhà ở tràn lan, tự phát, thiếu căn cứ vào nhu cầu của thị trường, chưa có quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở, nhiều dự án chậm tiến độ còn diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội”.


Sau chỉ thị của Thủ tướng, bất động sản cao cấp ngồi trên đống lửa

Phân khúc bất động sản cao cấp sẽ gặp nhiều khó khăn sau Chỉ thị 2196/CT-TTg . Ảnh: M.Nguyệt


Sự mất cân đối này không những khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải trả giá mà xã hội cũng đang bị tổn thất rất lớn. Do vậy, Nhà nước phải thực hiện ngay các giải pháp để giải quyết tính trạng đó.


Chỉ thị 2196, ngoài việc hướng dòng tín dụng vào các dự án nhà ở có tính chất an sinh xã hội còn hạn chế dòng tiền vào dự án cao cấp và có tính chất đầu cơ. Theo đó, trước mắt hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án bất động sản cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng “không quên” nhắc nhở NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11/NQ-CP, bảo đảm tín dụng bất động sản có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn. Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng và đã quá thời gian quy định của pháp luật.


Như vậy, với các giải pháp trên dường như Chính phủ đang siết lại tín dụng cho vay đối với phân khúc cao cấp và lập lại “trật tự” trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp khắt khe đó Chỉ thị cũng mở một lối thoát cho thị trường bằng cách nới lỏng việc cho vay đối với các dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012.


Sau khi Chỉ thị này được ban hành, thị trường chứng khoán đã có những phản ứng khá tiêu cực. Hàng loạt cổ phiếu của những doanh nghiệp bất động sản trong phân khúc cao cấp giảm mạnh. Trên sàn chứng khoán các mã cổ phiếu như VIC (Vincom), KDC (Kinh Đô), KBC (Kinh Bắc), KDH (Khang Điền) và GTT ( Thuận Thảo) giảm với giá sàn.


Như vậy, những doanh nghiệp hoạt động trong phân khúc bất động sản cao cấp vốn đã khó khăn do nền kinh tế suy giảm càng thêm khó vì Chỉ thị này. Tuy nhiên, Chính sách này dù có “đau đớn” nhưng rất cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của thị trường và sự công bằng, ổn định của xã hội.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.