Sau nhiều lần điều chỉnh giá bán do áp lực giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp xi măng vẫn “ăn nên làm ra” bất chấp sự suy yếu của thị trường bất động sản và kênh xuất khẩu.

Giá xi măng vẫn neo cao

Hiện nay, mặc dù giá thép trong nước liên tục điều chỉnh giảm nhưng giá xi măng và nhiều loại vật liệu xây dựng khác vẫn “neo” ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tính từ đầu năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đã 3 lần tăng giá bán với mức tăng từ 220.000 đến 270.000 đồng/tấn.

Giá xi măng đang ở ngưỡng 1,6-1,7 triệu đồng/tấn sau 3 lần tăng giá hồi đầu năm

Cụ thể, từ giữa tháng 6, có khoảng 15 doanh nghiệp đồng loạt tăng giá bán xi măng thêm 50.000-80.000 đồng/tấn, có loại tăng 140.000 đồng/tấn. Đây là lần thứ 3 trong năm nhiều doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán.

So với 2 đợt trước, lần điều chỉnh tăng giá bán này hơn hẳn về số lượng doanh nghiệp. Hồi tháng 3, có khoảng 13 doanh nghiệp xi măng thông báo tăng giá. Nửa cuối tháng 5, thị trường ghi nhận khoảng 10 đơn vị điều chỉnh.

Trong đợt điều chỉnh tăng giá hồi tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất xi măng đều đã tăng giá thêm từ 100.000, có thương hiệu xi măng tăng giá đến 150.000 đồng/tấn. Còn so với mức tăng thêm 60.000-80.000 đồng/tấn hồi tháng 5, đợt điều chỉnh này có bước giá cao hơn.

Hiện giá xi măng các loại đang ở ngưỡng 1,6-1,7 triệu đồng/tấn, duy trì từ đầu tháng 6 đến nay vẫn chưa giảm.

Nhiều chuyên gia cho rằng giá xi măng vẫn tiếp tục neo ở mức cao do phần lớn nguồn cung than trong ngành xi măng đến từ nhập khẩu khiến chi phí sản xuất tăng.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện giá than nội địa đã tăng lên 4 triệu đồng/tấn, từ mức 1,8 triệu đồng/tấn trước đây. Giá than nhập khẩu cũng tăng lên, chưa kể doanh nghiệp khó mua được than do lượng than được ưu tiên cho nhiệt điện. Trong khi đó, tỉ trọng than trong giá thành sản xuất xi măng chiếm 35-40%.

Chính vì vậy, để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, một số doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng bao và xi măng rời.

Kênh xuất khẩu gặp khó

Xuất khẩu xi măng suy yếu, tiêu thụ trong nước chậm, tình trạng dư cung trầm trọng, gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp ngành xi măng hiện nay.

Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng, trong tháng 9, sản lượng tiêu thụ xi măng đạt khoảng 7,6 triệu tấn, giảm 1,26 triệu tấn so với tháng 8 và giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lượng xi măng tiêu thụ trong nước khoảng 5,4 triệu tấn; xuất khẩu xi măng ước đạt khoảng 2,2 triệu tấn.

Chín tháng đầu năm, lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng 73 triệu tấn, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 49 triệu tấn, tăng 5% nhưng xuất khẩu sản phẩm xi măng giảm tới 28% so với cùng kỳ năm 2021, ở mức 24 triệu tấn.

Được biết, nguyên nhân giảm chủ yếu là Trung Quốc hạn chế mở cửa để thực hiện chống dịch Covid-19 khiến lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng giảm mạnh.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) nhận định, hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp không quay được vòng vốn khiến sản xuất ngưng trệ, khiến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xi măng càng thêm khó khăn.

Như vậy, cơ hội để thị trường xi măng "bứt phá" trong điều kiện khó khăn như hiện nay là rất khó khăn. Tuy nhiên theo dự báo, nguồn cung bất động sản nhiều khả năng hồi phục trong thời gian tới sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy tiêu thụ sản lượng xi măng ở những tháng cuối năm.

Doanh nghiệp vẫn “ăn nên làm ra”

Trái ngược với tình hình không mấy khả quan trong quý 2.2022, một số doanh nghiệp xi măng niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 3 với lợi nhuận tăng đột biến.

Nhiều doanh nghiệp xi măng vẫn “ăn nên làm ra” bất chấp sự suy yếu của thị trường bất động sản và ảnh hưởng của biến động giá nguyên vật liệu

Cụ thể, BCTC quý 3.2022 của Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) ghi nhận doanh thu đạt 2.423 tỉ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, doanh thu thuần từ việc bán xi măng chiếm tỉ trọng lớn nhất đạt 2.260 tỉ đồng, tăng hơn 118% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này tăng vọt 312% lên 190 tỉ đồng, giá vốn bán hàng cũng tăng mạnh 109% lên 2.070 tỉ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm xi măng của Xi măng Hà Tiên tăng mạnh 81% so với quý 3.2021 (thời gian này, sản lượng bị ảnh hưởng từ việc giãn cách xã hội do dịch Covid-19).

Ngoài ra, giá bán xi măng tăng cao hồi đầu năm giúp lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này tăng tới 144 tỉ đồng so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Xi măng Hà Tiên đạt 36,5 tỉ đồng, tăng tới 286% so cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu ở mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, ở mức 6.602 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 204 tỉ đồng, giảm hơn 113 tỉ đồng do giá than, xăng dầu và nhiều nguyên nhiên liệu khác tăng cao làm đội giá thành sản xuất.

Trong khi đó, theo BCTC quý 3.2022, Công ty CP Xi măng La Hiên (Mã: CLH) ghi nhận doanh thu tăng gần 17% so với cùng kỳ lên mức 195 tỉ đồng. Giá vốn bán hàng trong giai đoạn này cũng ghi nhận ở mức cao hơn 163 tỉ đồng nên lợi nhuận gộp của công ty đạt 32 tỉ đồng.

Mặc khác, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh lần lượt 27% và 66% so với cùng kỳ, lên mức 3,2 tỉ đồng và 13 tỉ đồng. Kết quả, Xi măng La Hiên báo lãi trước thuế đạt 16,4 tỉ đồng; lãi sau thuế 13,1 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Chín tháng đầu năm, Xi măng La Hiên ghi nhận doanh thu ở mức 586,5 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 40,3 tỉ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phía doanh nghiệp này cho biết, mặc dù sản lượng và tiêu thụ xi măng trong 9 tháng chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước song lợi nhuận sau thuế lại tăng trưởng tốt nhờ giá bán xi măng tăng mạnh so với hồi đầu năm.

Năm 2022, Xi măng La Hiên dự kiến sản lượng tiêu thụ ở mức 740.000 tấn với lợi nhuận trước thuế là 56 tỉ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp này đã thực hiện được 90% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm.

Tính đến cuối quý 3.2022, tổng tài sản của công ty đạt gần 347 tỉ đồng, trong đó giá trị hàng tồn kho tăng hơn gấp đôi so với đầu năm lên mức gần 30 tỉ đồng.

Thời gian tới, dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục, cùng với đó là hàng loạt dự án cao tốc được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022-2025 được kỳ vọng là "đòn bẩy" giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ xi măng những tháng cuối năm.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.