26/05/2025 7:30 AM
Để tránh những tác động có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án đầu tư công sau tinh gọn bộ máy, các địa phương đang xem xem xét các phương án nhằm tối ưu đơn vị hành chính mới.

Đó là chia sẻ của đại diện các Ban quản lý dự án các huyện, thị xã cũng như cơ quan ban ngành địa phương về công tác triển khai các dự án đầu tư công tại các tỉnh phía Nam, sau lộ sáp nhập, tinh gọn bộ máy, đặc biệt là nhân sự quản lý tại các Ban quản lý các dự án đầu tư công (BQLDA). Ghi nhận của PV Diễn đàn Doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam.

Ông Dư Thanh Hưng - Giám đốc BQLDA và Phát triển quỹ đất huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp: “Việc tổ chức lại các BQLDA cấp huyện phải tuân thủ Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, nhiệm vụ được đặt ra là phải quản lý tốt các dự án sử dụng vốn đầu tư công trong khu vực được giao”

Không để gián đoạn triển khai dự án

Theo ghi nhận của PV Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều địa phương tại các tỉnh phía Nam, như: Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Kiên Giang… đang khẩn trương, đang cân nhắc lựa chọn phương án tối ưu trong quá trình tái cấu trúc các BQLDA cấp huyện.

Theo ông Lý Duy Thanh - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, với vai trò chủ đầu tư được giao quản lý một số các dự án trọng điểm, thời gian triển khai đã bắt đầu từ giữa năm 2024, nhiều gói thầu đã được công bố mời thầu từ đầu năm 2025, trước thời điểm sáp nhập. Đặc biệt trước lộ trình sáp nhập, địa phương đã đưa ra nhiều phương án để cân nhắc và lựa chọn những phương án tốt nhất. Trong đó, phương án sắp xếp các BQLDA cấp huyện hiện nay thành BQLDA trực thuộc UBND cấp xã mới, hoạt động dưới hình thức đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên được đánh giá là phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền, giúp chính quyền cấp xã chủ động hơn trong việc quyết định chủ trương đầu tư…

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của phương án này là không bảo đảm được quy định về số lượng tối thiểu 15 người cho mỗi đơn vị. Ngoài ra, một thách thức lớn trong việc sắp xếp là vấn đề nhân sự, đặc biệt ở các vùng có người dân tộc thiểu số nên cán bộ có đủ trình độ chuyên môn, bằng cấp và chứng chỉ hành nghề theo quy định để bổ nhiệm vào các vị trí quản lý. Do đó, nếu các BQLDA được bố trí xuống cấp xã, tình trạng thiếu hụt nhân sự sẽ càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến năng lực tổ chức, điều hành dự án. Song, về các giải pháp, các địa phương đang cân nhắc để lựa chọn phương án tối ưu và làm sao không ảnh hưởng tới các dự án đầu tư công, đặc biệt là những dự án trọng điểm của tỉnh.

Tương tự, ông Dư Thanh Hưng - Giám đốc BQLDA và Phát triển quỹ đất huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhiều phương án đang được đưa ra bàn bạc, cân nhắc. Trong đó, phương án thành lập các BQLDA khu vực trực thuộc UBND tỉnh hoặc trực thuộc BQLDA tỉnh có nhiều ưu điểm hơn.

“Việc tổ chức lại các BQLDA cấp huyện phải tuân thủ Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng. BQLDA thành lập mới sau khi sắp xếp phải bao quát được hết các chức năng, nhiệm vụ của BQLDA cấp huyện hiện nay theo quy định tại Điều 63 Luật Xây dựng 2014. Theo đó, nhiệm vụ được đặt ra là phải quản lý các dự án sử dụng vốn đầu tư công trong khu vực được giao”, ông Hưng nói.

Tếp tục ghi nhận thông tin tại tỉnh Đồng Nai, hiện Sở Nội vụ Đồng Nai vừa báo cáo UBND Tỉnh phương án đề xuất dự kiến tổ chức bộ máy đối với 2 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có BQLDA.

Nêu cụ thể về các phương án, ông Nguyễn Hữu Định - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, hiện nay Sở đã xây dựng phương án sắp xếp theo hướng chuyển các BQLDA cấp huyện về BQLDA đầu tư xây dựng cấp tỉnh. Phương án này có thuận lợi là tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ khi không còn cấp huyện, bảo đảm sự thống nhất, tập trung nguồn lực, tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động. Công tác quản lý sẽ áp dụng quy trình thống nhất, chuyên nghiệp hơn trong toàn tỉnh, qua đó nâng cao chất lượng và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công.

PGS, TS Trần Chủng: Khi tiến hành hợp nhất hoặc giải thể BQLDA, cần lưu tâm đến việc phân định rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ để tránh tình trạng chồng chéo, hoặc tạo ra khoảng trống trong công tác QLDA đầu tư công.

Tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự, ảnh hưởng tới dự án

Tuy nhiên, ông Định cũng lưu ý, việc chuyển các BQLDA cấp huyện về tỉnh có thể dẫn đến tình trạng không bám sát thực tế đặc thù, không nắm bắt kịp thời những vấn đề phát sinh ở cấp cơ sở, gây chậm trễ trong phối hợp, xử lý công việc ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nguy cơ quá tải công việc vì khối lượng dự án và vốn đầu tư công hàng năm lớn. Vì vậy, Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai đề xuất thêm mô hình thành lập các BQLDA đầu tư xây dựng cấp khu vực cùng với BQLDA đầu tư xây dựng tỉnh. Phương án này khắc phục được một phần khó khăn về công tác quản lý, đồng thời, giúp tăng cường hiệu quả trong kiểm tra và giám sát tại chỗ. Phối hợp nhanh với chính quyền cấp xã và người dân trong việc xử lý các vướng mắc phát sinh.

Đánh giá về những tác động từ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy tại các địa phương, PGS, TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), cho rằng việc tái cấu trúc các BQLDA tại địa phương hiện nay sẽ dẫn đến thay đổi nhân sự, quy trình làm việc và cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, có thể gây gián đoạn tạm thời trong quá trình triển khai dự án.

“Khi tiến hành hợp nhất hoặc giải thể BQLDA, cần lưu tâm đến việc phân định rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ để tránh tình trạng chồng chéo, hoặc tạo ra khoảng trống trong công tác QLDA đầu tư công. Quá trình này đòi hỏi đánh giá lại năng lực của các BQLDA hiện có để sắp xếp hợp lý, tránh tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa nhân sự quản lý”, PGS, TS Trần Chủng lưu ý.

Cũng theo ông Trần Chủng, ngoài ra, các địa phương cần xây dựng lại hệ thống quy chế, quy trình QLDA để phù hợp với đơn vị hành chính mới. Khâu phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương cũng thay đổi do có sự điều chỉnh trong cơ cấu tổ chức, dẫn đến cần thời gian để ổn định bộ máy. Song, để giảm thiểu tác động bất lợi đến thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025, ông Trần Chủng cho rằng các địa phương phải lập kế hoạch, xây dựng lộ trình sáp nhập BQLDA cấp huyện khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Đáng chú ý, liên quan tới việc sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các BQLDA tại các địa phương về các dự án đầu tư công, tháng 4/2025, Bộ Tài chính ban hành Công văn 4738/BTC-TH hướng dẫn chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp. Và để tiếp tục triển khai, bảo đảm tiến độ dự án, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương trong quá trình chuyển tiếp, sắp xếp tổ chức bộ máy, người quyết định đầu tư (đơn vị mới) giao BQLDA chuyên ngành, khu vực hoặc lựa chọn đơn vị tư vấn quản lý dự án thực hiện công tác quản lý dự án sau sắp xếp, bảo đảm không để gián đoạn việc tổ chức thực hiện dự án, tuân thủ quy định của pháp luật xây dựng và pháp luật liên quan.

Hương Giang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.