26/06/2012 5:11 PM
Ngân hàng Nhà nước đang “thử nghiệm” việc bỏ trần lãi suất với kỳ hạn trên 12 tháng và dự định từ tháng 7 sẽ thả nổi lãi suất với cả các kỳ hạn ngắn. Theo các chuyên gia, việc này sẽ giúp nền kinh tế nhìn rõ hơn thực trạng cung cầu tín dụng.

Trong một thời gian dài, NHNN coi trần lãi suất như một công cụ hữu hiệu để điều hành chính sách lãi suất vốn đầy phức tạp của hệ thống ngân hàng. Nhưng nay, cơ quan này đang tính đến việc sẽ bỏ “mệnh lệnh hành chính” vốn đã tồn tại cùng với ngành ngân hàng nhiều năm qua.

Trần huy động đã xong sứ mệnh

Đại diện NHNN chi nhánh TP HCM cho biết, kinh tế vĩ mô đã dần ổn định, thể hiện qua việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tại Hà Nội xuống thấp nhất trong vòng 10 năm, tại TP HCM cũng xuống thấp nhất trong 2 năm. CPI cả nước lần đầu âm sau 38 tháng tăng mạnh là những thước đo đầu tiên để cơ quan này dự định sẽ bỏ trần lãi suất huy động với kỳ ngắn hạn (dưới 12 tháng). Mặt khác, từ đầu tháng 6/2012, khi NHNN bỏ trần lãi suất huy động ở kỳ hạn trên 12 tháng, tình hình lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng cũng “ổn định” và giúp NHNN theo dõi sát hơn diễn biến của các kỳ hạn này. Chẳng hạn, một số ngân hàng nhỏ sau khi “đua” tăng lãi suất kỳ hạn dài trên 13,5%/năm, tính đến 20.6 đã tự động giảm về mức 11,5%/năm. “Đây là diễn biến thực tế của lãi suất hệ thống, cho phép chúng tôi nhìn ra lãi suất thực để điều hành chính xác hơn”, vị này cho biết.

Trả lãi suất về cho thị trường là phản ánh đúng “sức khỏe” của ngân hàng hiện nay. Ảnh: TNLinh.

Cũng theo vị này, trần lãi suất huy động đã gần như thực hiện xong “sứ mệnh” của mình. Vì “thời điểm trước, hàng loạt ngân hàng vượt rào lãi suất, và biện pháp hành chính vào thời điểm đó là cần thiết. Nhưng lúc này, khi sức mua đang giảm, nguồn tiền vào ngân hàng đang đồi dào và cho vay không dễ, thì một biện pháp hành chính về lãi suất xem ra không còn phù hợp”. Nhiều ngân hàng cũng ủng hộ chính sách “tự do hóa” lãi suất. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, nói: “Với bản thân các ngân hàng mà nói, việc bỏ trần lãi suất là có lợi, vì chúng tôi sẽ chủ động được đường cong lãi suất của mình. Với nền kinh tế, thì sẽ không còn việc… méo mó lãi suất nữa”.

Dấu hiệu tích cực

Hai vấn đề đáng bàn nhất khi bỏ trần lãi suất là CPI và thanh khoản của hệ thống ngân hàng, chuyên gia Lê Thẩm Dương cho biết vẫn lấn cấn với thanh khoản của hệ thống. Tuy nhiên, ông Dương vẫn khẳng định: “Nếu mạnh dạn thì NHNN cũng có thể bỏ trần lãi suất từ tháng 7 tới là được rồi”. Bởi vì, bỏ trần lãi suất không có nghĩa là NHNN sẽ không còn điều hành chính sách lãi suất nữa, mà chỉ thay biện pháp hành chính bằng công cụ thị trường. Theo đó, NHNN cần xử lý tốt vấn đề thanh khoản của hệ thống, xử lý các ngân hàng yếu và đưa ra các công cụ hữu hiệu để quản lý lãi suất trước khi bỏ trần. “Tôi nghĩ, nếu hoàn thiện tốt các công cụ như tái chiết khấu và có những cơ chế quản lý tiếp theo, thì dù không có trần lãi suất nhưng sẽ quản lý chặt hơn cả lúc có trần lãi suất”, ông Dương khẳng định.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Chương trình kinh tế Fullbright, thì nhìn nhận việc NHNN tính đến việc bỏ trần lãi suất huy động là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế. Bởi theo chuyên gia này, việc này sẽ phản ánh thực quan hệ cung cầu trên thị trường tín dụng và cũng giúp cho NHNN nhìn rõ hơn thực trạng của từng ngân hàng. Thanh khoản ngân hàng sẽ thể hiện rõ rệt nhất qua đường cong lãi suất của mỗi ngân hàng, và điều này sẽ tốt cho nền kinh tế.

Tự động giảm lãi suất huy động

Sau Ngân hàng Phương Tây, Đông Nam Á (SeaBank) là ngân hàng thứ 2 tự giảm lãi suất huy động với kỳ dài hạn so với mấy ngày trước. Cụ thể, mức lãi suất cao nhất 12%/năm ở sản phẩm tiết kiệm thông thường dành cho cá nhân, áp dụng từ ngày 14/6 tại SeaBank đã hạ xuống còn 11%/năm, áp chung cho các kỳ hạn từ 12 - 24 tháng. Các mức lãi suất 12,6% - 12,8%/năm áp dụng trước đó cho các khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng ở sản phẩm tiết kiệm lãi suất bậc thang cũng chỉ còn từ 11,6% - 11,8%/năm. Trong khi đó, tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, Techcombank…, các mức lãi suất 11% - 12%/năm cũng đã xuất hiện trên biểu niêm yết, thay vì chỉ tối đa 10%, 10,5%/năm trước đó. (M.Yên).

Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.