15/08/2023 2:36 PM
Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM mới đây đã có kết luận về đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM được giao sớm báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Phối cảnh siêu cảng Cần Giờ

Tiến trình triển khai kế hoạch xây “siêu cảng” Cần Giờ

Cổng thông tin điện tử Chính phủ thông tin, Ban Thường vụ Thành ủy cơ bản thống nhất chủ trương theo báo cáo, đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Ban Thường vụ Thành ủy giao UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý hoàn chỉnh Đề án, bảo đảm phát huy hiệu quả kinh tế, song song với tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ sau cảng và phù hợp quy hoạch, định hướng của Trung ương và Thành phố.

Trên cơ sở đó, UBND Thành phố sớm báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Huyện Cần Giờ - khu vực dự kiến sẽ xây dựng siêu cảng 5,5 tỉ USD

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, hướng dẫn TP.HCM về việc lập, trình dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy định. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với thành phố để đẩy nhanh công tác quy hoạch của thành phố, trình Thủ tướng trong quý 4/2023.

Tháng 7/2023, Thủ tướng đã có chuyến thực tế khảo sát vị trí xây dựng “siêu cảng” tại Cần Giờ. Tại đây, Thủ tướng đề nghị mời hãng tàu Mediterranean Shipping Company (MSC) qua Việt Nam để làm việc thống nhất các phương án về Dự án cảng trung chuyển quốc tế.

Được biét, MSC là hãng tàu container lớn nhất thế giới. Đơn vị quốc tế đánh giá cao tiềm năng khai thác cảng nước sâu của khu vực Cần Giờ, qua đó thể hiện mong muốn đầu tư công trình phục vụ trung chuyển hàng hóa quốc tế tại huyện giáp biển của TP.HCM.

Qua nghiên cứu đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được tại khu vực cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ).

Quy mô cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2 km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 Teus. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045 (giai đoạn 1 sẽ xong vào năm 2027). Tổng mức đầu tư để triển khai dự án khoảng 5,5 tỉ USD.

Phối cảnh Bến cảng Cần Giờ

Khi hoàn thành, khu cảng dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 người lao động và đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm.

Cần Giờ chuyển đổi 2.400ha đất đón siêu cảng

Để chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng “siêu cảng”, UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất tại huyện Cần Giờ.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2030, huyện đảo sẽ chuyển đổi 2.438ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trong đó, đất nuôi trồng thuỷ sản sẽ được chuyển đổi nhiều nhất với 1.090ha. Hiện nay Cần Giờ đang có 46.875ha đất nông nghiệp, 22.540ha đất phi nông nghiệp và 1.029ha đất chưa sử dụng.

Huyện Cần Giờ sẽ chuyển đổi 2.438ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp

UBND TP.HCM giao UBND huyện Cần Giờ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định ranh giới diện tích đất trồng rừng phòng hộ, tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt. Đồng thời cập nhật các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt vào kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và tích hợp vào quy hoạch tỉnh đảm bảo sự đồng bộ thống nhất.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý hoặc đề xuất kịp thời các trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.