Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, sớm đàm phán Hiệp định vay vốn theo đề nghị của Ngân hàng Thế giới, UBND tỉnh Quảng Nam vừa đề nghị tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh bất thường quyết định nội dung chủ trương đầu tư dự án.

Ngày 4/3/2022, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Công văn số 1206/UBND-KTTH gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh bất thường quyết định nội dung chủ trương đầu tư các dự án.

Vùng Đông Quảng Nam Ảnh: Lê Phước Bình

Theo đó, kỳ họp sẽ xoay quanh những vấn đề quan trọng liên quan đến hai dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hoàn thiện đường ven biển 129 (đường Võ Chí Công) nhóm B thành nhóm A.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, về tiến độ thực hiện dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được các Bộ, ngành Trung ương thẩm định.

Theo đó, dự án cần bổ sung ý kiến thống nhất của Hội đồng nhân dân tỉnh sau khi rà soát cắt giảm so với Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 đảm bảo đủ điều kiện về hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới tại buổi làm việc mới đây với tỉnh, đã tiến hành các thủ tục thẩm định nội bộ để chuẩn bị đàm phán khoản vay (bao gồm cả dự án của tỉnh Bình Định).

Tuy nhiên, đến nay còn phải chờ các thủ tục trong nước đối với dự án tỉnh Quảng Nam, như: phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi...

Trong khi, các thủ tục trong nước của dự án tỉnh Bình Định đã hoàn thành. Phía Ngân hàng Thế giới mong muốn tỉnh Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào cuối tháng 3 năm 2022 làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Đối với dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 (đường Võ Chí Công) nhóm B thành nhóm A, UBND tỉnh đã gửi hồ sơ trình Bộ Giao thông vận tải và Cơ quan chuyên môn thẩm định là Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông có Công văn số 397/CQLXD-DAĐT2 ngày 17/02/2022.

Trong đó có nội dung “tổng mức đầu tư của dự án là 2.056,7 tỷ đồng theo Điểm a, Khoản 3, Điều 8 Luật Đầu tư công thì dự án thuộc nhóm A, tuy nhiên chủ trương phê duyệt là nhóm B”.

Dự án đã có trong danh mục kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn ngân sách Trung ương; kế hoạch vốn năm 2022 đã bố trí cho dự án 190,556 tỷ đồng và để thuận lợi trong thẩm định, phê duyệt dự án và khởi công năm 2022 thì cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án từ nhóm B thành nhóm A.

Khu vực ven sông Trường Giang, đoạn qua huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam Ảnh: Lê Phước Bình

Vì sao dự án sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản vùng Đông Quảng Nam?

Tại Công văn số 9292/UBND-KTTH ngày 24/12/2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam, vay vốn WB.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam có quy mô đầu tư gồm nạo vét sông Trường Giang với tổng chiều dài tuyến luồng khoảng 60km, từ Ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa); quy mô luồng đường thủy chuẩn tắc sông cấp IV với chiều rộng luồng B=30m, chiều sâu luồng H=2,3m.

Đồng thời xây dựng kè bảo vệ tại các điểm xung yếu thường xảy ra xói lở như các đoạn sông cong, hoặc khu vực địa chất yếu, đoạn sông hẹp bên cạnh khu đông dân cư sinh sống cần được bảo vệ tránh sụt lở vào mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn; xây dựng tổ hợp công trình kênh, cống, đập hỗ trợ thoát lũ khu vực Tam Kỳ.

Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng mới 6 cầu vượt sông Trường Giang: cầu Bình Dương, cầu Hưng Mỹ, cầu Bình Nam, cầu Tỉnh Thủy, cầu Tam Thanh (QL40B) và cầu Tam Tiến (trên tuyến N5); các cầu đáp ứng khổ tĩnh không thông thuyền sông cấp IV (BxH=30x6,0m). Xây dựng đường hai đầu cầu kết nối vào các trục đường chính ở hai phía đầu cầu.

Dự án có tổng vốn thực hiện khoảng 2.748 tỷ đồng, tương đương 118,7 triệu USD, với địa điểm thực hiện tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Giải trình ý kiến từ Bộ Tài chính, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, mục tiêu của nạo vét sông Trường Giang nhằm thông suốt tuyến vận tải thủy từ Cửa Đại đến Cửa Lở (An Hoà) góp phần phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế khu vực vùng Đông của tỉnh Quảng Nam.

Đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng trên sông cũng như phát triển các khu du lịch dọc theo tuyến sông từ Hội An xuống vịnh An Hòa; tăng cường khả năng thoát lũ, góp phần tiêu thoát úng thủy trong vùng dự án và các vùng phụ cận nhằm giảm thiệt hại về mùa màng, nâng cao năng suất và đời sống của người dân trong vùng hưởng lợi.

Như vậy, đây là hoạt động nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, với mục tiêu của công trình là cải tạo khôi phục lòng sông và vận tải đường thủy, đồng thời phát triển du lịch, đô thị, công nghiệp ở khu vực vùng Đông, góp phần giảm ngập úng, tạo động lực phát triển chung cho toàn tỉnh. Do đó đây là hoạt động chi đầu tư,…

Theo tìm hiểu, tương tự như dòng sông Cổ Cò, sông Trường Giang cũng có dòng chảy song song với bờ biển tại khu vực vùng Đông của tỉnh Quảng Nam, kết nối từ Cửa Lở (huyện Núi Thành) ra đến Cửa Đại (Hội An).

Dự án nạo vét sông Trường Giang và xây dựng các cây cầu vượt sông được tin tưởng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản khu vực vùng Đông của tỉnh.

Thêm vào đó, dự án hoàn thiện đường ven biển 129 (đường Võ Chí Công) một khi được thông qua và triển khai đầu tư xây dựng cũng là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản địa phương này. Bởi lẻ, đây là tuyến đường ven biển huyết mạch của tỉnh, kết nối từ sân bay Chu Lai thông suốt ra phố cổ Hội An và thành phố Đà Nẵng. Tuyến đường này chạy song song với sông Trường Giang và đi qua các huyện vùng Đông của tỉnh.

Sẽ có làn sóng đầu tư mới đổ bộ vào vùng Đông Quảng Nam?

Trước đó, vào đầu năm 2021, tại một hội thảo về khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã cung cấp thông tin mới cho hàng loạt nhà đầu tư lớn tham dự tại hội thảo về việc thực hiện dự án nạo vét, khơi thông phát triển sông Trường Giang.

Tại đây, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: ’’ Nhân sự kiện hội thảo này, tôi cũng xin cung cấp thêm thông tin với các nhà đầu tư. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo một con sông khác, là con sông Trường Giang. Hàng loạt các cơ hội về đầu tư phát triển đô thị biển, trung tâm thương mại dịch vụ biển quốc tế nhất định phải hình thành tại đây, từ Hội An cho đến hết Chu Lai và hiện đang từng bước hình thành. Sông Cổ Cò và sông Trường Giang sẽ tạo nên cú hích, diện mạo mới cho tỉnh Quảng Nam’’.

‘’Trong vòng 2 năm tới, Quảng Nam sẽ dứt điểm việc quy hoạch tại khu vực ven các dòng sông để khai thác giá trị tối ưu nhất và mang tính bền vững. Mỗi con sông phải có bản sắc riêng và tất cả các con sông này sẽ tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh nhất về Quảng Nam xứng tầm với trung tâm trọng điểm của vùng kinh tế miền Trung ’’- ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Ngày sau khi thông tin nêu trên được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chia sẻ, ngay trong năm 2021, hàng loạt ‘’ông lớn’’ trong lĩnh vực đầu tư bất động sản đã đổ về khu vực vùng Đông của tỉnh tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong đó, có thể kể đến như Tập đoàn Nova Group, Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Bim Group, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Panko Hàn Quốc,…

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: Quang Nam