Quy hoạch lại ngành xi măng do mất cân đối cung cầu
Hiện nay, cả nước có trên 103 dây chuyền sản xuất xi măng, 63 nhà máy tổng công suất trên 107 triệu tấn/năm. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng khi nhiều dự án đang được đầu tư và dự kiến hoàn thành trong thời gian tới, nâng tổng công suất thiết kế toàn ngành lên 123 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tổng sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước dự kiến 63-64 triệu tấn, khiến các nhà sản xuất càng chật vật trong khâu bán hàng.
Hiện nay, cả nước có trên 100 dây chuyền sản xuất, 63 nhà máy xi măng với tổng công suất trên 107 triệu tấn/năm
Tình trạng cung vượt cầu đã đặt các doanh nghiệp sản xuất xi măng trước sự cạnh tranh gay gắt cả về chất lượng và giá thành trong việc tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà còn ở cả thị trường tiêu thụ nội địa.
Tại buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển ngành xi măng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho rằng phải đưa ngành xi măng vào quy hoạch, nếu không có quy hoạch khi hàng loạt nhà máy xi măng ra đời sẽ nâng tổng công suất lên, gây chênh lệch nguồn cung và cầu.
Ngành xi măng không phải là hàng hóa thông thường, là phương thức đầu tư lâu dài nên xi măng không phải là quy hoạch của một ngành. Trên thực tế, để xây dựng một nhà máy cần đầu tư sản xuất gắn với tài nguyên khoáng sản, các thủ tục đầu tư theo một quy trình nghiêm ngặt đúng pháp luật.
Thời gian qua, Chính phủ đã phê duyệt ban hành 4 Quy hoạch cho phát triển công nghiệp xi măng. Kết quả, ngành xi măng Việt Nam từ việc phải nhập khẩu clinker, công nghệ tương đối lạc hậu đã trở thành một ngành công nghiệp xi măng phát triển đứng thứ 5 trên Thế giới.
Hiện nay, nhà máy sản xuất gắn liền với nguồn nguyên liệu là đá vôi, đây là nguồn tài nguyên khoáng sản không tái tạo. Nếu nhìn trên bản đồ Việt Nam thì các nhà máy xi măng đều được đặt ở các vị trí có ý nghĩa chiến lược quốc phòng an ninh. Do đó, phát triển ngành xi măng phải đảm bảo an ninh kinh tế quốc phòng.
Bên cạnh đó, giải pháp phát triển xi măng cần căn cứ trên nguyên tắc nhu cầu dự báo cho xi măng tầm nhìn 10 năm, 20 năm. Đây là định hướng quan trọng giúp cân đối phù hợp giữa nguồn cung và cầu.
Ngoài việc dư cung, ngành xi măng còn đối mặt với sự mất cân đối về cung cầu theo vị trí địa lý. Cụ thể, nếu như miền Bắc đang phải đối mặt với tình trạng dư cung nghiêm trọng thì tại khu vực miền Nam, cầu lại lớn.
Thời gian tới, vấn đề về thị trường cạnh tranh trong nước, đảm bảo cân đối cung - cầu hợp lý, giám sát chặt chẽ công tác xuất khẩu xi măng và clinker ra nước ngoài, đồng thời gia tăng tận dụng phế liệu các ngành công nghiệp khác như xỉ nhiệt điện, tro bay… là những thách thức ngành xi măng phải đối mặt và cần giải quyết.
Ì ạch… tiêu thụ
Mất cân đối cung cầu vẫn là câu chuyện chưa hết nóng của ngành xi măng. Vấn đề này còn đáng lo hơn khi những tháng gần đây, kênh xuất khẩu liên tục sụt giảm, tiêu thụ nội địa gần như dậm chân tại chỗ, ảnh hưởng đến đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp xi măng.
Mất cân đối cung cầu vẫn là câu chuyện chưa hết nóng của ngành xi măng
Theo số liệu của VNCA, 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng sản xuất toàn ngành đạt 65,66 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ ở mức 78,27 triệu tấn.
Được biết, hơn 55% sản lượng tiêu thụ xi măng ở trong nước phụ thuộc vào ngành bất động sản. Với việc thị trường bất động sản gặp khó khiến sản lượng xi măng tiêu thụ trong nước sau 10 tháng chỉ ở mức 51,9 triệu tấn.
Kể cả các thương hiệu lớn như Hà Tiên, Hoàng Thạch hay Bỉm Sơn… cũng khó trong việc tiêu thụ, các doanh nghiệp này phải tìm mọi giải pháp, nhưng bán hàng rất vất vả.
Cầu tại thị trường trong nước có hạn, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc xuất khẩu xi măng ra nước ngoài để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, xuất khẩu lại đang chứng kiến sự giảm tốc thấy rõ do các thị trường trọng điểm giảm nhập khẩu.
Cụ thể, sau 10 tháng, sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker của cả nước đạt tổng cộng 26,4 triệu tấn, kém xa lượng xuất khẩu của năm ngoái.
Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu xi măng được dự báo tiếp tục sụt giảm bởi thị trường lớn nhất của ngành xi măng là Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid. Trong khi đó, các thị trường Philippines, Bangladesh đang gia tăng chính sách bảo hộ sản xuất trong nước.
Giá nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng, cùng tỉ giá ngoại tệ biến động… cũng là những yếu tố khiến xuất khẩu xi măng gặp khó khăn.
Năm 2022, Vụ Vật liệu xây dựng nhận định sản lượng xi măng có xu hướng giảm so với năm 2021. Cụ thể, tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ cả năm 2022 sẽ khoảng 94 triệu tấn, giảm khoảng 10% so với năm ngoái. Trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa là khoảng 63 triệu tấn, xuất khẩu ở mức 31 triệu tấn, giảm mạnh 30% so với năm 2021.
Sang năm 2023, sự suy thoái về kinh kinh tế toàn cầu sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam, đặc biệt lĩnh vực xuất khẩu xi măng.
-
Tiêu thụ vẫn là bài toán khó của doanh nghiệp xi măng
Mặc dù các doanh nghiệp xi măng liên tục đưa ra nhiều ưu đãi, chiết khấu lớn nhưng do thị trường bất động sản trì trệ, xuất khẩu suy yếu, tiêu thụ vẫn đang là bài toán khó chưa có lời giải.
-
18 doanh nghiệp xi măng nào của Việt Nam bị Philippines khởi xướng điều tra tự vệ?
Trong danh sách 38 doanh nghiệp xuất khẩu xi măng vào Philippines do Cục Hải quan Philippines cung cấp cho cơ quan điều tra, có tới 18 doanh nghiệp Việt Nam. Giai đoạn 2019 - 2024, có những thời điểm xi măng Việt Nam chiếm 98% trong tổng lượng xi măn...
-
Triển vọng ngành xi măng cuối năm 2024: Tín hiệu phục hồi nhờ hưởng lợi từ loạt dự án trọng điểm phía Nam
Ngành xi măng đang cho thấy dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn. Động lực tăng trưởng đến từ sự cải thiện trong nhu cầu nội địa và các biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng dư cung và ...
-
Khoản đầu tư hơn 3.000 tỷ của công ty xi măng lớn nhất Việt Nam nguy cơ mất vốn
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, khoản đầu tư của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam vào một số công ty tiềm ẩn rủi ro mất vốn, khi phải trích lập dự phòng hơn 3.000 tỷ đồng.