Khó khăn chưa từng có
Trong quý 1/2024, Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn và nhiều tên tuổi lớn nhỏ trong ngành xi măng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan, thậm chí thua lỗ kéo dài.
Nguồn cơn chính của tình trạng thua lỗ này bắt nguồn từ cầu yếu, tiêu thụ sụt giảm, kéo doanh thu lẫn lợi nhuận của các nhà sản xuất xi măng đi xuống.
Cụ thể, Vicem Hà Tiên ghi nhận doanh thu quý đầu năm 2024 giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.495 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý giảm; công ty lỗ sau thuế gần 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 85 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Vicem Hà Tiên cho biết, năm 2023 là giai đoạn khó khăn nhất của ngành xi măng do phải chịu áp lực về đầu ra lẫn giá đầu vào tăng cao. Nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm mạnh do ảnh hưởng của giá các loại gạch, cát, đá tăng; thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều dự án nhà xưởng, khu công nghiệp cũng dừng triển khai do xuất khẩu khó khăn…
Tương tự, Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận doanh thu thuần quý 1/2024 đạt 690 tỷ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2023 và lỗ sau thuế gần 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 48,6 tỷ đồng. Đây đã là quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp của doanh nghiệp kể từ quý 3/2022.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị bỏ thuế xuất khẩu clinker
Đầu ra gặp khó, từ năm ngoái, hàng chục dây chuyền trong ngành xi măng đã phải dừng sản xuất. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm công suất, chạy cầm chừng, để hạn chế đổ clinker ra bãi.
Hiện, cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm nhưng tiêu thụ xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn.
Tiêu thụ nội địa chỉ bằng 50% công suất sản xuất, xuất khẩu cũng không dễ thở hơn, khi 2 năm gần nhất chỉ quanh mức 30 triệu tấn.
Các doanh nghiệp xi măng cho hay, thị trường xi măng cả trong nước lẫn xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Đối với kênh xuất khẩu, sở dĩ sản lượng giảm mạnh là do Trung Quốc giảm nhập khẩu, bởi thị trường Bất động sản nước này chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Bên cạnh đó, cạnh tranh xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam khốc liệt hơn do Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mua nhiều xi măng nước ta, điển hình là Philippines, Bangladesh.
Tại Philippines, nước này vẫn áp dụng chính sách bảo hộ (thuế chống bán phá giá với Xi măng nhập từ Việt Nam), cộng với cạnh tranh dư thừa tại Trung Đông và Đông Nam Á...
Ngoài ra, giá xuất khẩu bình quân 12 tháng năm 2023 đạt gần 42,4 USD/tấn, giảm gần 3% so với cùng kỳ, chưa kể doanh nghiệp xuất khẩu clinker trong nước phải chịu thuế 10% từ 1/1/2023.
“Ngành xi măng đang gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản hoặc bán một phần nhà máy cho nước ngoài”, Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết.
Kiến nghị bỏ thuế xuất khẩu clinker
Để gỡ khó cho ngành xi măng, VNCA mới đây đã có văn bản Văn phòng Chính phủ kiến nghị nội dung sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP về việc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu clinker xi măng là 0%.
Ngành xi măng đang gặp khó khăn về sản xuất và tiêu thụ
Theo VNCA, quá trình sản xuất clinker xi măng là một quá trình công nghiệp phức tạp, trải qua nhiều công đoạn, công nghệ cao, đầu tư lớn. Mặt khác, clinker xi măng không phải là đối tượng áp dụng khoản 23 Điều 5 của Luật thuế giá trị gia tăng “Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến theo quy định của Chính phủ”.
VNCA cho rằng clinker xi măng không thuộc đối tượng quy định tại khoản 23 Điều 3 của Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 146/20 17/NĐ-CP. Tuy nhiên hiện nay clinker xi măng xuất khẩu được đưa vào nhóm hàng hóa chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu 10%.
Do đó, VNCA cùng các doanh nghiệp sản xuất xi măng kiến nghị Văn phòng Chính phủ xem xét việc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu clinker xi măng bằng 0%.
“Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp trong bối cảnh ngành xi măng gặp rất nhiều khó khăn hiện nay”, VNCA nhấn mạnh.
Trước đó, hiệp hội này cũng đã kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành có giải pháp tăng tiêu thụ nội địa xi măng thông qua sử dụng giải pháp cầu cạn trong đầu tư cao tốc, đặc biệt ở những vùng đất yếu, vùng cần thoát lũ như miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, gia cố nền đường bằng xi măng - đất để thay thế cho giải pháp truyền thống đắp nền đường bằng cát san lấp. Đẩy mạnh triển khai công tác xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản.
Cùng với đó, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp Xi măng, đồng thời không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dự án xi măng tại Việt Nam.
-
Chuyện chưa từng có trong lịch sử đang xảy ra với các doanh nghiệp ngành xi măng
Ngành xi măng đang đứng trước khó khăn nhất trong 120 năm hoạt động khi sản lượng tiêu thụ, xuất khẩu xi măng và clinker suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò…
-
Dù kết quả kinh doanh quý 1/2024 đã cải thiện so với mức lỗ kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái nhưng Xi măng Hà Tiên vẫn báo lỗ gần 25 tỷ đồng, doanh thu cũng ghi nhận giảm 12%, xuống còn 1.495 tỷ đồng.
-
Triển vọng ngành xi măng cuối năm 2024: Tín hiệu phục hồi nhờ hưởng lợi từ loạt dự án trọng điểm phía Nam
Ngành xi măng đang cho thấy dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn. Động lực tăng trưởng đến từ sự cải thiện trong nhu cầu nội địa và các biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng dư cung và ...
-
Khoản đầu tư hơn 3.000 tỷ của công ty xi măng lớn nhất Việt Nam nguy cơ mất vốn
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, khoản đầu tư của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam vào một số công ty tiềm ẩn rủi ro mất vốn, khi phải trích lập dự phòng hơn 3.000 tỷ đồng.
-
Kinh doanh thua lỗ, Xi măng Bỉm Sơn nêu biện pháp khắc phục cổ phiếu bị cảnh cáo
Với việc thua lỗ thêm 25 tỷ đồng trong quý 3/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Xi măng Bỉm Sơn tính đến ngày 30/9 là âm 245 tỷ đồng.