Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel) vừa công bố, sản lượng thép thô thế giới trong tháng 3 vừa qua của 64 quốc gia đạt 161 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 3 tháng đầu năm, sản lượng thép thô toàn cầu đạt mức 456,6 triệu tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng thép thô toàn cầu tiếp tục giảm mạnh trong tháng 3/2022
Dữ liệu cho thấy sản lượng của khu vực Châu Á và Châu Đại Dương sản xuất 331,3 triệu tấn thép thô trong quý đầu tiên của năm 2022, giảm 7,8% so với quý đầu tiên của năm 2021. Khu vực EU (27) sản xuất 36,8 triệu tấn thép thô trong giai đoạn này, giảm 3,8% so với cùng kỳ.
Tương tự, sản lượng thép thô của Bắc Mỹ trong quý 1/2022 ở mức 28,1 triệu tấn, không có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước đó.
Đáng chú ý, Nga và các nước trong khu vực CIS và Ukraine sản xuất 24 triệu tấn thép thô trong quý 1, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2021 trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đang căng thẳng, đẩy giá nguyên vật liệu tăng cao.
Sản lượng thép thô của 10 quốc gia sản xuất thép hàng đầu trong tháng 3
Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, tiếp tục ghi nhận giảm mạnh về sản lượng trong tháng 3 khi chỉ đạt 88,3 triệu tấn, giảm 6,4% so với tháng 3/2021.
Ngoài, sản lượng thép thô của các quốc gia sản xuất thép hàng đầu đều ghi nhận giảm trong tháng 3 vừa qua. Cụ thể, Nhật Bản sản xuất 8 triệu tấn, giảm 4,3%. Hoa Kỳ sản xuất 7 triệu tấn, giảm 1,7%. Nga sản xuất 6,6 triệu tấn, giảm 1,8%. Hàn Quốc sản xuất 5,7 triệu tấn, giảm 6,1%. Đức sản xuất 3,3 triệu tấn, giảm 11,8%. Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất 3,3 triệu tấn, giảm 2,9%. Iran ước tính đã sản xuất 2,3 triệu tấn, giảm 6,1%.
Ở chiều ngược lại, Brazil và Ấn Độ ghi nhận sản lượng thép thô có sự tăng trưởng trong tháng 3. Theo đó, Brazil sản xuất được 3 triệu tấn, tăng 5,4%, Ấn Độ sản xuất 10,9 triệu tấn, tăng 4,4%.
Hiện nay, giá thép trên thế giới đang biến động theo chiều hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ thép hồi phục mạnh tại nhiều nước. Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến lượng thép xuất khẩu từ 2 quốc gia này giảm sút cũng là nguyên nhân khiến giá thép trên thị trường thế giới tăng. Giá thép của Việt Nam chịu tác động của giá thép thế giới, nên việc tăng giá là không tránh khỏi.
Trên thực tế, giá các mặt hàng sắt thép ở trong nước bắt đầu tăng mạnh từ giữa tháng 3. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 7 lần lên hơn 19 triệu đồng/tấn. Bước sang tháng 4, giá thép xây dựng vẫn chưa hạ nhiệt. Hiện giá thép xây dựng các loại khoảng 18.600-20.600 đồng/kg.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, trong quý 1/2022, cả nước sản xuất thép thành phẩm đạt 8,45 triệu tấn; tiêu thụ đạt 3,12 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 1,82 triệu tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021.
-
Ngành thép có giữ được đà tăng trưởng trong năm 2022?
Một loạt biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được triển khai gần đây cùng với biến động của thị trường thép thế giới đã tạo ra những động lực mới cho các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2022.