Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 913 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) đăng ký hoạt động. Số lượng sàn hoạt động tuy nhiều nhưng chất lượng còn nhiều vấn đề phải bàn luận.
Tính riêng trên địa bàn TP. Hà Nội, hiện đã có gần 150 sàn giao dịch đăng ký hoạt động với quy mô và hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, lượng giao dịch bất động sản qua sàn cả nước chỉ chiếm khoảng 40%, riêng tại Hà Nội chưa đạt tới 30%. Số lượng giao dịch qua sàn không đạt như mong đợi.

Mới đây, qua thanh tra, 25/61 sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội đã bị xử phạt vi phạm. Hiện nay, số sàn hoạt động tốt chỉ chiếm khoảng 15%, trên 50% số sàn có vi phạm ít, số còn lại là các sàn có vi phạm nặng.

Có thể nói, việc các sàn giao dịch bất động sản đi vào hoạt động đem lại diện mạo mới cho thị trường BĐS, tác động vào ý thức người dân để thay đổi dần tập quán giao dịch cũ. Tuy nhiên, Bộ xây dựng cũng thừa nhận, hiện tượng “làm giá”, thu chênh lệnh, không công khai thông tin của các sàn giao dịch BĐS vẫn chưa được kiểm soát gây dư luận không tốt trong xã hội. Điển hình là những tác động từ các chính sách kinh tế vĩ mô và bức tranh thị trường BĐS trong 6 tháng đầu năm nay.

Lý giải về điều này, Bộ Xây dựng cho rằng, ngoài nguyên nhân ngân hàng thực hiện chủ trương không tăng tỷ trọng tín dụng trong lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có tín dụng BĐS, còn có nhiều nguyên nhân quan trọng khác như cơ cấu BĐS nhà ở chưa hợp lý, căn hộ nhà chung cư chiếm tỷ trọng nhỏ trong các dự án phát triển nhà ở đô thị, các chủ đầu tư quan tâm nhiều tới việc đầu tư BĐS cao cấp mà chưa quan tâm tơi đầu tư căn hộ chung cư có diện tích trung bình và nhỏ, giá phù hợp với đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp dẫn tới hiện tượng bão hòa chung cư cao cấp.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra những hạn chế thiếu xót còn tồn tại của thị trường BĐS. Lợi nhuận kinh doanh BĐS cao dẫn tới nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư BĐS, kể cả các doanh nghiệp không có kinh nghiệm, và năng lực tài chính yếu, dư nợ cho vay các dự án BĐS tăng mạnh.

Việc cấp phép phát triển dự án tại các địa phương còn dễ dãi, thậm chí nhiều địa phương cấp phép dự án nhà ở với quy mô lớn tại những nơi chưa có hạ tầng kỹ thuật và xã hội đủ điều kiện để phục vụ cho những nhu cầu tối thiểu về nơi ở. Ngoài ra, các dự án phân lô, huy động vốn tràn lan tạo nên nguồn cung ảo trên giấy, gây nhiễu loạn thông tin dự án trên thị trường.

Cùng với đó, do điều kiện thành lập Sàn BĐS quá dễ dàng, ai cũng có thể thành lập được, từ chủ đầu tư đến các trung tâm nhà đất, cộng với cơ chế giám sát kém mỗi sàn hoạt động một kiểu, tự nghĩ, tự làm. Do đó, việc kiểm soát chất lượng dịch vụ chưa được tốt. Trong tất cả các giao dịch của khách hàng qua sàn, có thể khẳng định một điều khi khách hàng bước ra khỏi sàn giao dịch niềm tin của sàn dành cho khách hàng là không tốt.

Để thị trường đầu tư BĐS ngày càng công khai, minh bạch còn cần rất nhiều yếu tố, trong đó có việc thực hiện các giao dịch BĐS thông qua các sàn giao dịch. Đây là nơi các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh có thể kết nối, cùng chia sẻ thông tin về thị trường, người dân yên tâm hơn khi mua sản phẩm được trưng bày ở sàn vì chắc chắn được tính pháp lý còn các cơ quan quản lý Nhà nước hy vọng sẽ dễ dàng kiểm soát được quá trình giao dịch, hồ sơ pháp lý của hàng hóa BĐS.

Các chuyên gia địa ốc nhận định rằng, chủ trương phân loại sàn là hợp lý nhưng nên để thị trường quyết định và nên đẩy mạnh công tác giám sát hiệu quả. Những đơn vị nào không đạt yêu cầu thì rút giấy phép hoạt động hoặc bản thân sàn giao dịch đó tự thấy không đạt tiêu chuẩn thì có thể chuyển sang hình thức kinh doanh khác. Từ đó niềm tin của khách hàng vào sàn giao dịch sẽ tốt hơn. Khi mọi thứ đã đi vào ổn định chúng ta có thể phân loại sàn giao dịch: sàn nào là của chủ đầu tư, sàn nào chuyên kinh doanh môi giới BĐS.
Theo Nguyên Hương (Tầm nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.