Với hàng triệu dân đang sinh nhai, bám trụ ở Thủ đô, đích ngắm cơ bản vẫn là một mái nhà ổn định để “chui ra chui vào”. Việc mua - được công nhận sở hữu và toàn quyền sử dụng căn hộ chung cư vẫn còn nhiều gian nan. Trong khi đó, nếu bám sát thực tế, chuyện mua - bán một mảnh đất “cắm dùi” ở Thủ đô chẳng khó như nhiều người e ngại.

Dù đã mở rộng địa giới hành chính, cùng với các đồ án quy hoạch đô thị vệ tinh được rục rịch vài năm nay, đất đai Hà Nội chưa bao giờ “đủ” cho những ai đang mải miết kiếm tìm cho mình một nơi ở đúng nghĩa.

Tìm được một mảnh đất vuông vắn, xinh xắn chừng 40m2 ở trong vành đai 3, ngõ ôtô con đi vừa, đòi hỏi thời gian lên tới hàng năm trời mất công săn đón, nhờ vả môi giới, người quen…

Thổ cư: khó gì!

Những khu đất đẹp, vị trí “ngon” (gần trục lộ giao thông lớn, khu vực đã khớp nối toàn bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội căn bản) thì đã nằm gọn trong tay các chủ đầu tư BĐS từ vài năm trước.

Ngay những con phố tiệm cận trung tâm, như Trần Bình, Hoàng Ngân, Khương Trung mới, Khương Hạ mới… thì người mua cũng phải ngậm ngùi tìm hiểu các căn nhà/mảnh đất nằm sâu hun hút trong ngách, vì mặt phố đã được các chủ đầu tư chung cư mini hoặc đại gia lắm tiền nhiều của thâu tóm vị trí đẹp để khai thác kinh doanh.

Càng vào sâu nội đô, giá mỗi mét vuông đất theo đó tăng tỷ lệ thuận. Nay lại có chính sách khống chế chiều cao công trình theo quy hoạch chung Thủ đô, cộng thêm dự báo có cơ sở về chuyện giá đất đô thị sắp tăng gấp đôi… Vậy nên, với phần đa người lao động (gồm cả dân Hà Nội lẫn nhập cư) ở Thủ đô, mua nhà/đất thổ cư trong nội đô đã khó nay còn khó hơn.

Tuy nhiên, chẳng thể đi thuê trọ mãi và chờ đợi thì biết đến khi nào giá nhà đất sẽ giảm, đặc biệt là những cá nhân “ác cảm” với chung cư thương mại (CCTM) vì quá nhiều khuyết điểm (chủ đầu tư nợ sổ là một ví dụ điển hình).

Vậy nên, một bộ phận không nhỏ những gia đình trẻ đã tính toán và đặt trọn niềm tin vào những mảnh đất “gặp vấn đề pháp lý”. Bù lại, giá rẻ, giấy tờ viết tay, biết “cửa” làm sổ hồng dù xác suất chỉ 50/50.

Chuyện mua - bán mảnh đất “cắm dùi” ở Thủ đô chẳng quá khó

Cuối tháng 3, vợ chồng chị Lan vừa mua một mảnh đất 50m2 ở Đầm Hồng (quận Thanh Xuân) với giá chưa đầy 700 triệu đồng. Trong căn nhà cấp 4, đổ mái bằng, xây 2 tầng, chị tâm sự: “Chật vật làm lụng, tích cóp gần chục năm trời mà chúng tôi vẫn chưa dám mua 1 căn chung cư 95m2 ở vành đai 3. Bởi tiền lãi vay ngân hàng, lại bỏ ra ngót 500 triệu đồng cho đợt thanh toán đầu tiên, trong khi hẹn bàn giao nhà là 14 tháng sau nên… chẳng dại”.
Không giấu được “hạnh phúc”, chị bộc bạch thêm: “Cũng tầm tiền đó, thay vì mua chung cư, tôi mua đất rồi tự xây, giấy tờ mua đất viết tay có làm chứng, kể cả đất có dính quy hoạch thì vẫn còn… nhiều thay đổi lắm. Bao nhiêu người ở khu Định Công, Hoàng Mai trước kia cầm trong tay sổ đỏ rồi còn bị thu hồi đấy thôi (?!). Giờ chúng tôi ở căn nhà mới xây này ổn lắm”.

Sổ đỏ - sổ hồng, chẳng bao giờ dễ

Chứng nhận quyền sở hữu BĐS, quyền sử dụng đất là “khâu” quan trọng nhất trong quá trình giao dịch đất đai cũng như quản lý ngành xây dựng. Trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, những đạo luật, quy định hướng dẫn người dân, DN, các cấp chính quyền sở tại nối nhau ra đời hơn 10 năm nay, bài toán “sổ” với từng mét vuông, thửa đất ở các đô thị lớn như Hà Nội luôn phức tạp đến… kỳ lạ.

Trước kia, thời điểm BĐS CCTM còn xa lạ ở Thủ đô, người dân chỉ biết tới những cuốn sổ đỏ, sổ xanh - vốn là nguồn cơn của tình trạng khiếu kiện, tố tụng, tranh chấp ở mỗi làng quê đến từng con phố thị.

Từ năm 2005, Hà thành bắt đầu manh nha những tòa nhà cao tầng do DN tạo lập. Chừng 6 năm sau, Thủ đô nghìn năm văn hiến đã ngập tràn công trình tổ hợp CCTM được chào bán khắp nơi. Và lập tức, chuyện chứng nhận sở hữu ở mỗi căn hộ lại tiếp tục điệp khúc “khó”, “đụng đâu vướng đấy” bằng số liệu công khai từ sở, ngành chức năng.

Xét ở bài toán cân đối nhu cầu ở ổn định lâu dài với chứng minh quyền sở hữu sử dụng, thay vì “lao đầu” vào những khoảng không gian nằm trong các tòa nhà (căn chung cư), lựa chọn thổ cư mới thực căn cơ với giá trị sử dụng - tùy nghi sửa chữa - thừa kế - cho tặng.

Tổng quan quá trình xét cấp - quản lý chứng nhận đất đai (đối với cá nhân), càng cho ra nhiều điểm “đen”. Chỉ 2 năm nay, đã xuất hiện những scandal động trời liên quan tới mảng thổ cư.

Năm 2013, là chuyện ở phường Định Công (Hoàng Mai) với sự kiện UBND quận Hoàng Mai ra quyết định thu hồi 123 sổ đỏ cấp… sai pháp luật (!) nhưng sau 5 năm kể từ ngày giao UBND phường Định Công thực hiện, chỉ có 1 cuốn sổ được thu lại. Đó vẫn còn là may cho những ai chưa “xuống tiền” mua đất Định Công ở thời điểm báo chí phanh phui vụ việc.

Còn tháng 1/2014, quận Hoàng Mai lại “giật gân” dư luận bằng quyết định thu hồi 34 sổ đỏ đã cấp tại phường Thịnh Liệt. Kết quả: chẳng ai dại gì mang nộp, đồng thời tranh thủ sang tay, bán rẻ để… cắt lỗ.

Hay chuyện mới nhất, là tình trạng hàng nghìn người sống không hộ khẩu gần 2 thập kỷ qua giữa lòng Hà Nội được VTV phản ánh. Theo đó, toàn khu đất đã bị tòa tuyên thu hồi, nhưng không chỉ rõ diện tích và mốc giới. Quyết định, chế tài chung chung, đương nhiên việc chấp hành cũng rất chung chung. Dẫu sao, đó cũng là mảnh đất “cắm dùi” 20 năm nay của người dân nơi đây. Họ có thể tự ý bán, chuyển nhượng viết tay và kiếm lợi - ai quản?

Chuyện khó - dễ với thổ cư Hà Nội được thể hiện một phần như vậy.

Song Hà (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.