01/10/2013 7:27 PM
Hầu hết các sàn giao dịch bất động sản lớn đã liên minh lại với nhau, hoặc chủ đầu tư tự mở sàn, đẩy các sàn bất động sản nhỏ vào thế... cùng đường.

Dù đã có những tín hiệu tích cực, song thị trường bất động sản nhìn chung vẫn rất khó khăn, nhất là trong quý III, thường thanh khoản thị trường xuống thấp do kiêng cữ "tháng cô hồn". Sự trầm lắng của thị trường bất động sản khiến nhiều sàn giao dịch bất động sản, nhất là các sàn nhỏ phải đóng cửa, một số khác phải chuyển đổi đủ thứ nghề để cầm cự, chờ đợi thị trường phục hồi.

Ông Phạm Trung Hà, Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Hòa Phát (Hà Nội) cho biết, quý III/2013 thường là thời điểm khó khăn của các sàn giao dịch, bởi trong quý này dính tháng 7 Âm lịch, được quan niệm là tháng “cô hồn”, nên ít người dám mua, bán bất động sản.

Liên minh với nhau đang trở thành xu thế chung của các sàn bất động sản lớn

Ông Hà cho biết, để có thể duy trì hoạt động, Sàn giao dịch Bất động sản Hòa Phát từ lâu đã không chỉ trông chờ vào khoản phí môi giới mua, bán, mà đã mở rộng các hoạt động kinh doanh khác như môi giới cho thuê căn hộ, cho thuê văn phòng và hoạt động tư vấn chuyển nhượng dự án… Những hoạt động này hiện vẫn sôi động, thậm chí sôi động hơn cả những năm trước.

Trong khi đó, đại diện một sàn giao dịch bất động sản trên đường Lê Văn Lương (phường Vạn Phúc, Hà Đông) buồn rầu cho biết, từ 2 năm nay, sàn chỉ hoạt động cầm cự, các nhân viên đều bị cắt hết chế độ, chuyển sang làm cộng tác viên không lương. Để khuyến khích các nhà môi giới bám trụ với nghề, sàn chỉ giữ lại phần nhỏ hoa hồng trong các giao dịch để duy trì hoạt động, còn lại đội ngũ cộng tác viên được hưởng hết.

Vị này cho biết, trong quý III, sàn chỉ môi giới được 2 giao dịch đất nền, thu về vài triệu tiền môi giới. Vì vậy, để có thu nhập duy trì cuộc sống, nhân viên và giám đốc sàn đều phải làm thêm các nghề khác. Theo vị này, không chỉ sàn giao dịch của ông lâm vào cảnh khó khăn, hàng chục sàn giao dịch khác trên địa bàn phường Vạn Phúc, một thời hưng thịnh vì có nhiều dự án, hiện cũng đang trong hoàn cảnh tương tự.

Cũng từng là một sàn giao dịch có trụ sở công ty và trang website bề thế, nhưng nay, Sàn giao dịch Bất động sản Hà Nội Vàng lại trở thành một quán cà phê.

Giám đốc của sàn giao dịch này cho biết, doanh thu trong quý III vừa qua của sàn chủ yếu từ việc bán cà phê, chứ không phải hoạt động môi giới nhà đất. Việc chuyển hướng kinh doanh đã giúp cho các nhân viên có thu nhập để tiếp tục với nghề môi giới bất động sản. Đây cũng là cách để sàn cầm cự qua thời kỳ khó khăn và trở lại có quy củ hơn khi thị trường khởi sắc. Không chỉ Sàn giao dịch Bất động sản Hà Nội Vàng của ông, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều giám đốc, nhân viên sàn giao dịch bất động sản khác cũng phải kiêm thêm bán trà đá, chạy xe ôm và làm vô số nghề khác để duy trì cuộc sống.

“Đối với hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, thông thường hết quý III, hết tháng ‘cô hồn’, sẽ có thêm hy vọng. Song bối cảnh hiện nay cho thấy, nhiều sàn giao dịch chỉ còn là cái vỏ, không còn hoạt động môi giới theo đúng nghĩa sàn giao dịch nữa”, vị giám đốc này cho biết.

Phương Anh (Đầu tư Chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.