CafeLand – Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2012 của Sacomreal, hàng tồn kho của công ty tăng lên hơn 2.782 tỷ đồng, chiếm đến 55% tổng tài sản ngắn hạn. Sacomreal đang chìm ngập trong hàng tồn kho và chịu áp lực trước khoản nợ ngắn hạn rất lớn. Điều này lý giải tại sao doanh nghiệp này vừa tung ra chương trình giảm giá khuyến mãi.

Theo ghi nhận, Sacomreal đã đầu tư chi phí vào dự án Bắc Rạch Bà Bướm đến hơn 1.380 tỷ đồng, chiếm 49,6% tổng giá trị hàng tồn kho. Kế đến là dự án Phú Mỹ - Belleza “chôn vốn” của Sacomreal hơn 930,8 tỷ đồng. Hay chi phí sản xuất kinh doanh dở dang đối với dự án Green Field – Arista hơn 232,9 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ vay ngắn hạn của công ty này tính đến ngày 30/6 vào khoảng 549,9 tỷ đồng và nợ dài hạn đến hạn phải trả là 806 tỷ đồng. Tổng cộng khoản vay và nợ ngắn hạn của Sacomreal lên đến 1346,95 tỷ đồng. Với tình hình thị trường bất động sản kém thanh khoản như hiện nay, Sacomreal khó có thể “đẩy” hàng tồn kho để tạo dòng tiền khi nợ đến hạn.

Tất nhiên, trường hợp này không chỉ riêng của Sacomreal gặp phải mà là cảnh chung của toàn ngành bất động sản. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ báo cáo tài chính Q2/2012 của hơn 60 doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội và TP.HCM cho thấy lượng hàng tồn kho trị giá hơn 83.804 tỷ đồng, tăng 6,69% so với cuối năm 2011. Giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 45,84% tổng tài sản.

Điều này cũng là lời giải thích việc các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian gần đây ồ ạt xả hàng. Các chủ đầu tư đã đưa ra nhiều chương trình giảm giá kèm khuyến mãi để kích cầu người tiêu dùng. Chẳng hạn, Sacomreal chào bán nhiều dự án trong tuần lễ vàng vừa qua như: Mỹ Phước 3, Bellaza, Carillon,…với mức giá giảm từ 4% đến 20% tùy thuộc vào dự án.

Mới đây, Công ty Long Hưng Phát tiếp tục chào bán căn hộ dự án Bảy Hiền Tower (Phạm Phú Thứ, Q.Tân Bình, Tp.HCM) với mức giá 16 triệu đồng/m2, giảm hơn 33% so với mức giá chào bán lần đầu tiên. Hay Công ty Nhịp Cầu Địa Ốc đang chào bán dự án Carina Plaza với giá 13,2 triệu đồng/m2, giảm gần 15% so với mức giá bán vào giữa tháng 3/2012.

Trở lại với Sacomreal chúng ta thấy, doanh thu trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 294 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 so với giá trị hàng tồn kho của công ty. Ngoài ra, Sacomreal còn rót vốn vào rất nhiều dự án bất động sản của các công ty liên doanh liên kết. Như vậy, thực tế số hàng tồn kho của Sacomreal lớn hơn nhiều so với con số trên báo cáo tài chính. Điều này cho thấy việc “giải phóng” hàng tồn kho là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, điểm tích cực đối với công ty là khoản mục “Người mua trả tiền trước” trong báo cáo tài chính lên tới 1.450 tỷ đồng. Như vậy, khi hoàn thành bàn giao nhà thì Sacomreal có thể hoạch toán vào doanh thu. Ngoài ra, công ty còn có thể nhận được số tiền còn lại của giá trị căn nhà. Nguồn tiền nay sẽ cải thiện thanh khoản cho công ty.

Theo nhận định của giới trong ngành, thị trường bất động sản vẫn trong xu hướng suy thoái. Ngoài ra, từ câu chuyện Sacomreal kể trên cho thấy, để tồn tại thì nhiều khả năng doanh nghiệp bất động sản buộc phải tiếp tục giảm giá, đẩy hàng tồn kho để cải thiện khả năng thanh toán. Như vậy, làn sóng giảm giá vừa qua có thể chỉ là một sự khởi đầu.

Thanh Trúc
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.