01/02/2012 3:53 PM
Trong suốt 11 năm qua, kể từ mốc thời điểm năm 2000, giá vàng thế giới đã tăng 7,6 lần. Trong khi đó giá vàng Việt Nam tăng đến 10 lần chẵn.

Ngựa bất kham khó kìm cương


Năm 2011, kênh đầu tư vàng làm nên nhiều cú sốc tăng trưởng ngoạn mục, đem lại lời lãi đến ít ra 30% cho người cầm vàng. Đến cuối năm, cho dù giá vàng trong nước đã giảm khá nhiều nhưng vẫn còn chênh cao hơn thời điểm đầu năm 2011 khoảng 10%. Tỉ lệ này chỉ có thể được cạnh tranh nếu gửi tiền ngân hàng, trong khi giá ngoại tệ gần như làm thành một đường kéo ngang, còn bất động sản và chứng khoán thì trượt hết từ hố bĩ cực này sang hố bĩ cực khác. Theo các chuyên gia, từ khi vàng được tự do lưu thông vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước thì đây là thời kỳ mà chính sách quản lý về vàng được bàn bạc và thay đổi đáng kể. Những chính sách vĩ mô về vàng có lúc tưởng chừng như nghịch nhau. Đây cũng là điều khiến giới kinh doanh vàng rất “đau đầu”.


Đánh giá về biến động của giá vàng thế giới đã là khó rồi, tại Việt Nam doanh nghiệp kinh doanh vàng còn phải tính đến “rủi ro chính sách”, mà rủi ro này tiềm ẩn những nguy cơ rất nguy hiểm từ sự thả lỏng hay bóp chặt về chính sách cho đến lợi ích nhóm… đều có thể ảnh hưởng tức thì đến giá vàng trong nước bất kể giá thế giới có thay đổi hay không. Dao động của giá vàng thế giới và của Việt Nam trong năm 2011 có khoảng cách lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Cụ thể, giá thế giới ở đỉnh cao nhất là 1.923USD/oz vào cuối tháng 9 và chỉ hơn 1.300USD/oz vào giữa tháng 1, khoảng chênh lệch là hơn 600USD/ouce, trong đó độ lệch chuẩn là 310,4USD/oz, cao nhất trong 10 năm.


Tại Việt Nam, giá vàng SJC lúc lên đỉnh vào cuối tháng 8 là 49,2 triệu đồng/lượng so với thấp điểm chỉ hơn 35,2 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 1, chênh lệch thực tế trong cả năm là 14,2 triệu đồng/lượng, tương đương 41%. Năm 2011 cũng là lần đầu tiên trong 10 năm gần đây, giá vàng quốc tế giảm sâu trong thời gian từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, với độ giảm lên tới gần 170USD/oz. Tương tự, giá vàng SJC tại Việt Nam lên đỉnh khoảng gần 47 triệu đồng/lượng và xuống đáy khoảng 43,8 triệu đồng/lượng, nghĩa là giảm gần 4 triệu đồng/lượng, trong cùng khoảng thời gian.


Cũng như bong bóng bất động sản hay bong bóng chứng khoán, tiền đầu cơ được dồn vào vàng hết chu kỳ này đến chu kỳ khác, bất chấp khả năng tăng trưởng của giá vàng chỉ có giới hạn so với nhu cầu đích thực của xã hội, đã khiến cho ngay cả SPDR, quỹ đầu tư ủy thác vàng lớn nhất thế giới, cũng đã lâm vào cảnh lỗ lã trong quý IV/2011. 40 tấn vàng là số vàng bán ra mà SPDR đã thực hiện chỉ trong tháng 12/2011. Còn số bán ròng của Công ty SJC và những doanh nghiệp vàng khác ở Việt Nam thì tất nhiên… không được công bố.


Theo các chuyên gia, sự thiếu minh bạch khiến thị trường vàng Việt Nam đã đầu cơ “linh hoạt và uyển chuyển” nhất trong năm con Mèo. Vượt hơn nhiều so với cơ chế lách luật tăng lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại, giá vàng trong nước đã thường xuyên chênh cao hơn giá thế giới từ 2-4 triệu đồng/lượng mà không hề bị thanh tra ngân hàng thăm hỏi. Tăng mạnh hơn giá vàng thế giới trong chu kỳ tăng và giảm nhẹ hơn giá vàng thế giới trong chu kỳ giảm – đó cũng là một đặc tính đầu cơ nổi bật của thị trường vàng trong nước.


“Rủi ro” hay “hấp dẫn”?


“Trong suốt 11 năm qua, kể từ mốc thời điểm năm 2000, giá vàng thế giới đã tăng 7,6 lần. Trong khi đó giá vàng Việt Nam tăng đến 10 lần chẵn”.

Trong một lần trả lời báo chí trước thềm năm mới 2012, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nêu ra một nhận định rất đáng chú ý: “Với chính sách quản lý vàng, trong thời gian tới, vàng cũng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn, thậm chí rủi ro rất cao”. Lần đầu tiên từ khi nhậm chức vào tháng 8/2011, Thống đốc NHNN đề cập đến tính hấp dẫn của một số kênh đầu tư. Và cũng là lần đầu tiên trong những năm gần đây, kênh đầu tư vàng đã bị loại thẳng thừng, còn kém hơn cả đối thủ đang quá đau khổ của nó là chứng khoán.


Lắng nghe nhận định trên, giới nhà đầu tư vàng chuyên nghiệp và cả những người đầu tư vàng nghiệp dư sẽ bị bất ngờ. Nhưng nếu họ quan sát những động thái về chính sách quản lý vàng của NHNN từ tháng 8/2011 đến nay sẽ có tâm lý khác. Còn nhớ vào cuối tháng 8/2011, lần đầu tiên ý tưởng về “huy động vàng trong dân” đã được Thống đốc NHNN phác họa. Và chỉ sau 3 tháng, đề án huy động vàng trong dân đã được NHNN cơ bản hoàn thành và trình lên Chính phủ. Đi kèm với đề án trên là cơ chế chính sách, tức là các thông tư liên quan đến việc huy động và cho vay bằng vàng được áp dụng đối với các tổ chức tín dụng đã được chuẩn bị.


Chẳng khó khăn gì, các chuyên gia nhận ra mặc dù giá vàng trong nước vẫn còn luôn chênh cao hơn hẳn so với giá vàng thế giới và vẫn còn gấp hơn 3 lần so với năm 2008, nhưng chỉ trong quý cuối cùng của năm 2011, những doanh nghiệp kinh doanh vàng có tiếng như Bảo Tín – Minh Châu, PNJ, AJC… đã rơi vào một cơn sốc hiếm thấy.


Thay đổi từ chính sách quản lý vàng đã khiến một số thương hiệu vàng truyền thống có nguy cơ biến mất. Nhưng nguy cơ lớn nhất đối với kênh đầu vàng không phải là giảm giá theo xu hướng thế giới, mà là viễn cảnh khá đậm nét về tính thanh khoản.


Khác hẳn với giai đoạn quý III/2011, gần đây người ta thấy các tiệm vàng vắng lặng, không còn cảnh chen lấn xô đẩy để mua vàng giá cao. Phải chăng hình ảnh chợt thấy lại tượng trưng này nhằm lượng định khả năng mua bán vàng trong thực tế?


Chưa kể đến một ý tưởng cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh vàng miếng được xem là một thành phần quan trọng trong bản dự thảo nghị định vàng mà NHNN đưa ra đã tạo cơ hội cho một số ngân hàng lớn được độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng và làm thui chột thử nghiệm bán vàng bằng máy ATM. Cách hành xử với thị trường vàng tự do trong thời gian qua sẽ được “tái cấu trúc” như một hình thể của “thị trường vàng có tổ chức”.


Đã có dự báo rằng, vào tháng 5/2012 này, nếu kế hoạch của NHNN cơ bản được hoàn thành, hoạt động kinh doanh vàng tự do và có thể cả thói quen đầu cơ vàng sẽ “cơ bản chấm dứt”. Thay vào đó, như Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích trong một nội dung trả lời phỏng vấn báo chí, người dân sẽ tìm thấy những kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Có vẻ đó cũng là số phận của kênh đầu tư vàng vốn quá nhiều rủi ro, mà nếu dự cảm đúng thì trong trung hạn và có thể cả dài hạn, vàng miếng sẽ phải chịu cảnh giảm mạnh về giá và cả về thanh khoản. Rất có thể, lộ trình chính sách của NHNN, vàng sẽ “phải” trở nên một kênh đầu tư “rủi ro rất cao” trong trung hạn.

Theo Nguyễn Tấn Thông (Petrotimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.