Nhiều khách hàng vướng mắc trong việc chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai. Ảnh: Nguồn internet
Lâu nay thủ tục chuyển nhượng nhà ở (căn hộ) qua lại chỉ có xác nhận của chủ đầu tư là xong, không có quy định đưa qua xác nhận lần nữa của chính quyền. Thế nên, trong những tháng đầu năm 2010, mặc dù thị trường có trầm lắng so với những năm trước nhưng hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại các sàn vẫn khá sôi nổi. Điển hình là Công ty Cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam, đầu năm 2010 đơn vị này đã bàn giao 512 căn hộ của dự án chung cư Him Lam Nam Khánh cho khách hàng, trung bình mỗi tháng, có khoảng 5 - 7 căn hộ được giao dịch.
Thế nhưng, khi đã có sự ràng buộc về hoạt động chuyển nhượng, cụ thể là việc bàn hành Thông tư 16 (1/9/2010) đã khiến tầng suất giao dịch trên thị trường ngưng lại hoàn toàn, vì chủ đầu tư không thể làm thủ tục sang tên và công chứng không chứng thực. Hàng ngàn căn hộ chung cư khác trên địa bàn thành phố có cùng chung số phận như: chung cư số 1 Tôn Thất Thuyết, chung cư H2, chung cư Copac, chung cư An Khang…
Gần đây nhất, nhiều khách hàng mua căn hộ dự án Mansion ở huyện Bình Chánh, Tp.HCM cho biết chủ đầu tư dự án chuẩn bị giao nhà trong tháng 5 này nhưng nếu đến nhận bàn giao nhà thì sẽ không chuyển nhượng được. Lý do Thông tư 16 quy định giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai mà khách hàng đã nhận bàn giao nhà thì chỉ được chuyển nhượng khi có chủ quyền.
Tương tự, tại dự án căn hộ Bông Sao, quận 8 cũng vậy, hiện tại hoạt động chuyển nhượng căn hộ đều dưới dạng hợp đồng ủy quyền. Lý do chủ đầu tư dự án này đang chốt danh sách khách hàng để làm chủ quyền,…
Anh Trần Công Bằng, nhà đầu tư quận 12 chia sẻ, “Thị trường đã quá ảm đạm, khó khăn lắm mới có khách hàng đồng ý mua căn hộ của tôi. Vậy mà,… khi làm thủ tục thì bị “ách” lại vì vướng Thông tư 16”.
Không riêng gì anh Bằng, nhiều nhà đầu tư thứ cấp cũng mua trực tiếp từ chủ đầu tư hàng chục đến hàng trăm căn hộ để kinh doanh, nhưng đến thời điểm cần thanh khoản, lại không thể bán, mà phải chờ đến lúc dự án hoàn thành.
Tại Điều 20 của Thông tư số 16/2010/TT-BXD quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Nghị định số 71 quy định, doanh nghiệp được phân nhà ở theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư chỉ được bán lại nhà ở đó sau khi đã ký Hợp đồng mua bán nhà ở với chủ đầu tư. Theo đó, nếu nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư, phải thực hiện việc mua bán theo đúng thủ tục quy định, tức phải có giấy chủ quyền do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên thực tế lâu nay, khi xây xong chung cư chủ đầu tư mới bàn giao căn hộ, khách hàng nộp 95% tiền mua, số tiền còn lại chỉ trả hết khi chủ đầu tư làm xong giấy chủ quyền. Quãng thời gian từ khi bàn giao nhà cho đến có giấy chủ quyền thường kéo dài, có khi 2 năm, có trường hợp 4 năm chưa xong.
Không thể phủ nhận rằng Thông tư 16 hướng dẫn thực hiện một số nội dung cho Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, đã tháo gỡ được một số vướng mắc trong giao dịch bất động sản. Việc chuyển nhượng, mua bán nhà ở đi vào quy củ hơn. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng nảy sinh nhiều vướng mắc. Vì vậy, để gỡ vướng mắc có chủ đầu tư hỗ trợ khách hàng hủy giấy đã bàn giao căn hộ, ký giấy xác nhận chưa nhận bàn giao căn hộ để đủ thủ tục công chứng.
Trao đổi với CafeLand, một đại diện văn phòng công chứng X cho biết, để gỡ vướng nhiều chủ đầu tư và khách hàng làm giấy xác nhận chưa bàn giao nhà, xé giấy bàn giao nhà trước đây, rồi mang ra chứng thực. Tuy nhiên cách làm này cũng dẫn đến rủi ro cho chủ đầu tư là làm sai luật. Một kiểu lách luật khác là mua giấy tay, nhưng rủi ro lớn cho người mua, xảy ra việc tranh chấp thì hợp đồng vô hiệu, trả tiền lại nhưng lúc đó đồng tiền bị mất giá. tag: chung cu bong sao, chuyen nhuong can ho, nghi dinh 71, thong tu 19, roi chuyen nhuong