26/05/2020 8:00 PM
CafeLand - Những năm gần đây, Đà Nẵng nổi lên chủ trương tái sắp xếp, mở các lối đi xuống biển cho dân nhằm chấm dứt tình trạng các dự án nghỉ dưỡng “che hết tầm nhìn biển”. Thế nhưng, nhiều người dân Đà Nẵng lại tỏ ra hờ hững với chủ trương này. Vậy mâu thuẫn thật sự nằm ở đâu?

Nhìn lại các lối đi xuống biển được Đà Nẵng đầu tư hàng tỉ đồng trong thời gian qua thấy hiệu quả khai thác gần như không có.

Làm kiểu phong trào, mở theo chủ trương?

Khi báo chí đề cập tại sao Đà Nẵng phải “mở lối xuống biển”, câu trả lời từ các lãnh đạo địa phương là: đó là hệ lụy của quá khứ.

Thực tế, giai đoạn 2007 – 2009, Đà Nẵng bùng nổ bất động sản du lịch ven biển, với hàng loạt dự án được chấp thuận đầu tư, khai thác bờ cát đông bán đảo Sơn Trà, từ chân núi Sơn Trà về Ngũ Hành Sơn.

Thống kê lúc đó cho thấy có đến 42 dự án nghỉ dưỡng biển được Đà Nẵng cấp phép, coi như quy hoạch hoàn toàn vùng biển cho các dự án.

Dọc bờ biển Đà Nẵng, hàng loạt dự án lâu nay đã chắn hết tầm nhìn.

Một số nhà chuyên môn đã lên tiếng, đề nghị xem xét lại các dự án. Họ cho rằng, “cần chừa các khoảng trống”, như hai dự án nên cách nhau 40 – 60 mét, dùng trồng cây, mở công viên.

Song, ý kiến đó không ai ghi nhận, Đà Nẵng ồ ạt phân lô các dự án với khoảng cách đôi khi chỉ là… bức tường 10 cm.

Hậu quả là sau 10 năm, báo chí, dư luận lại ầm ĩ với hiện trạng đi dọc bờ biển Đà Nẵng hàng cây số không nhìn thấy tấc biển nào. Các dự án xây tường dựng phên che luôn tầm nhìn biển.

Chính quyền đành thương thảo với nhà đầu tư, vận động và cả yêu cầu nhượng lại một số đoạn bờ để làm lối xuống biển, như giữa hai khu nghỉ dưỡng Furama – Ariyana, ở phía nam dự án Khu du lịch và giải trí Silver Hoàng Đạt…

Điều thấy ở những lối “chữa cháy” này chỉ thuần túy là … xuống biển, chưa thể hiện người dân tận hưởng được gì. Thậm chí một số lối đi còn dẫn vào cửa cống, doi đất cụt lủn không thể tổ chức hoạt động nào cả.

Lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng từng lưu ý cần làm các lối xuống biển hữu ích hơn, như mở đường đi bộ, điểm tắm biển, dịch vụ hỗ trợ.

Chỉ có điều, khi tất cả còn nằm trên giấy, kết quả mở lối xuống biển của Đà Nẵng vẫn mập mờ. Các lối đi này còn chen giữa các dự án, gây bất tiện cho du khách, tổ chức dịch vụ của các nhà đầu tư. Diện tích các lối xuống biển cũng quá hẹp, khó khai thác thành điểm vui chơi hay bãi tắm.

Tư duy về khai thác bờ biển

Ông Hoàng Sừ, kiến trúc sư tại Đà Nẵng, từng đặt câu hỏi liệu Đà Nẵng đã khai thác bờ biển đúng nghĩa làm kinh tế hay chưa. Đó mới là câu chuyện phải nghĩ đến, chứ không chỉ là mở những lối đi xuống biển.


Thực tế những năm qua, cạnh các dự án nghỉ dưỡng biển, Đà Nẵng cũng tiếp nhận nhiều dự án đăng ký khai thác bờ biển, như hình thành điểm thể thao giải trí, các cơ sở tắm biển dành cho trẻ em, người già… Ít nhất có năm dự án mở các điểm giải trí, thể thao được đệ trình. Nhưng cho đến nay, chưa có dự án nào được cấp phép.

Điển hình như dự án Công viên Cá voi (Sơn Trà), nơi từng xin thí điểm mở điểm vui chơi thể thao trẻ em. Dự án lấy mô hình công viên trên biển đã có nhiều ở các nước, dùng hồ phao, bể lưới khoanh thành khu tắm biển an toàn và vệ sinh.

Việc xin phép dự án, theo doanh nghiệp, mất ba năm mà rốt cuộc vẫn không hoạt động được vì thủ tục. Đặc biệt việc cấp phép còn bị vướng bởi quy định… cầu phao phải có tiêu chí như cầu đường giao thông, nên nhà đầu tư không xin phép được. Loay hoay vài tháng thí điểm, nhà đầu tư nản, đành rút lui, đem dự án đi vùng biển khác hoạt động.

Phản ảnh của doanh nghiệp cho thấy, tư duy quản lý bãi biển của Đà Nẵng vậy là có vấn đề. Thay vì tạo điều kiện cho các dự án đầu tư khai thác hiệu quả nhất, đem lại nhiều tiện ích cho du khách và người dân Đà Nẵng, các cơ quan quản lý địa phương chỉ dừng lại ở bảo vệ bờ biển an toàn, sạch đẹp.

Ngoài nhu cầu tắm biển đơn thuần, Đà Nẵng chưa khai thác các loại hình dịch vụ phong phú như thể thao biển, giải trí biển... Với lối tư duy này, rõ ràng khả năng tận dụng các lối đi xuống biển luôn rất hạn chế.

Theo ông Hoàng Sừ, quyền ra biển của người dân là quyền được tiếp cận không gian biển, môi trường biển, cuộc sống biển. Điều này không chỉ có hiện trạng biển xanh cát trắng thô mộc, mà trong dòng chảy phát triển, phải là các tiện nghi tiện ích, hoạt động khai thác hữu ích nhất.

Những khu nghỉ dưỡng biển, những bãi tắm với các tiện ích, dịch vụ phong phú, đa dạng; được trải nghiệm, thưởng thức những sản phẩm du lịch, thể thao ngày một tốt hơn, đó mới là quyền xuống biển của người dân Đà Nẵng.

Thay vì chỉ mở những lối đi xuống biển tù túng, Đà Nẵng cần mở rộng tư duy về khai thác biển, làm kinh tế biển, dịch vụ biển, có thêm nhiều điểm đến mới, hấp dẫn hơn và tiện nghi hơn cho người dân và du khách. Đó mới là điều cần làm để bảo đảm quyền ra biển của người dân.

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.