27/04/2015 10:45 PM
Một nguyên nhân dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua bị chậm trễ, là thiếu quỹ nhà tái định cư. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều khu nhà tái định cư, người dân không mặn mà, thậm chí bỏ hoang.

Hàng trăm căn hộ tái định cư khu Nam Trung Yên bị bỏ hoang. Ảnh: MINH TUẤN

Khu tái định cư Thành phố giao lưu nằm trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) có vị trí khá thuận tiện về giao thông, gần nhiều khu đô thị lớn như Mỹ Đình, Tây Hồ Tây, gần siêu thị, trường học, bệnh viện, bến xe khách... Khu tái định cư có hơn 560 căn hộ, giá bán từ gần 15 đến gần 17 triệu đồng/m2, tùy vị trí, được đưa vào sử dụng gần một năm nay, nhưng hiện tại vẫn còn nhiều căn hộ bỏ trống. Trong số này, ngoài những căn hộ còn trống do chủ đầu tư chưa bố trí được người vào ở, có nhiều căn hộ người dân đã nhận bàn giao nhà, nhưng chưa dọn đến ở.

Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân sinh sống tại tòa nhà CT1A cho biết, do trong khu vực hiện đang có nhiều công trình xây dựng, cho nên đường vào khu nhà rất khó khăn, bụi mù mịt. Nhiều hạng mục công trình sinh hoạt chung, như nhà sinh hoạt cộng đồng, tầng hầm... chưa đưa vào sử dụng. Hạ tầng thiếu đồng bộ. Bất tiện nhất là việc đi chợ, vì khu nhà cách chợ gần 2km. Vì thế người dân không muốn dọn về ở. Nhiều gia đình đã nhận bàn giao nhà, nhưng lại nhờ người quen trông nom hộ, nếu có khách hàng đến hỏi mua thì giới thiệu và bán giúp.

Lần theo số điện thoại quảng cáo bán nhà tái định cư tại đây, chúng tôi đã liên hệ và được các “cò” giới thiệu, rất nhiều căn hộ đang rao bán, với lời chào đón có thể về ở ngay, giấy tờ nhà đất đầy đủ, chính chủ. Mức chênh lệch từ 300 đến 500 triệu đồng/căn hộ so với giá bán gốc, tùy vị trí. Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ ý muốn bán lại căn hộ tại nhà CT1C, thì các “cò” lại tìm đủ cách đưa ra các điểm bất tiện của tòa nhà và chỉ nhận đứng ra môi giới bán giúp để hưởng hoa hồng, từ 4% đến 6% tổng giá trị giao dịch. Lý do các “cò” đưa ra là hạ tầng trong khu vực chưa đồng bộ và người dân rất “dị ứng” cụm từ “nhà tái định cư” bởi chất lượng công trình, chất lượng dịch vụ thường xuyên bị phàn nàn trong thời gian qua.

Cùng suy nghĩ này, anh Nguyễn Văn Long, một người dân trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường vành đai I, đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, đủ điều kiện được mua nhà tái định cư tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, chia sẻ, ngay khi biết thông tin này, anh đã đến địa điểm xây dựng tòa nhà để tìm hiểu. Mặc dù dự án nằm ở vị trí tương đối thuận tiện giao thông, gần khu vực trung tâm quận Long Biên, hạ tầng đồng bộ, cách hồ Hoàn Kiếm gần 6 km, nhưng anh vẫn quyết định, sẽ nhận nhà rồi chờ đợi được giá bán lại và tự bố trí tái định cư để thuận tiện cho nghề cơ khí của gia đình. Tuy nhiên, điều khiến gia đình anh Long băn khoăn là mức hỗ trợ hơn bốn triệu năm trăm nghìn đồng/m2 so với giá bán nhà tái định cư vẫn thấp hơn mức giá thị trường.

Theo đại diện Phòng Phát triển nhà Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có gần 700 căn hộ tái định cư bỏ không nhiều năm nay, trong đó có nhiều căn hộ người dân đã nhận nhà, nhưng không sử dụng. Tuy nhiên, do chưa có quy chế thu hồi, cho nên tình trạng người dân không sử dụng nhà tái định cư chưa được xử lý, gây lãng phí quỹ nhà của thành phố. Ngoài ra, tại nhiều dự án giải phóng mặt bằng, thành phố đã có quyết định bán nhà, nhưng do các hộ dân và chủ đầu tư dự án còn chậm trễ không giải quyết dứt điểm các chế độ, chính sách để người dân đến nhận nhà, dẫn đến nhà chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí ngân sách thành phố và tòa nhà nhanh chóng xuống cấp.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố đang triển khai 37 dự án nhà tái định cư, với tổng số hơn 12 nghìn căn hộ, trong đó, năm nay dự kiến sẽ hoàn thành 11 dự án. Những dự án còn lại sẽ được thực hiện đầu tư để hoàn thành trong năm 2016 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên quỹ nhà tái định cư để bố trí cho người dân vẫn thiếu hụt lớn. Vì vậy, để bảo đảm quỹ nhà tái định cư bố trí cho các dự án trọng điểm khi chưa cân đối kịp quỹ nhà tái định cư, UBND thành phố cần cho phép sử dụng nhiều phương án tái định cư, như tái định cư bằng tiền, tạm cư bằng tiền, hoặc mua nhà kinh doanh tại các khu đô thị mới để làm quỹ nhà tái định cư. Thành phố cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà tái định cư và bàn giao trong năm 2015. Các chủ đầu tư cần tích cực triển khai các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công khi đã có nguồn vốn, đồng thời, tăng cường phối hợp các sở, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa các căn hộ tái định cư đã hoàn thiện vào sử dụng, có chế tài xử lý các trường hợp đã nhận nhà, nhưng bỏ trống nhiều năm như thu hồi, mua lại để bố trí cho người khác sử dụng.

Ngọc Anh (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.