CafeLand - Đó là một số đánh giá của Quốc hội tại Nghị quyết 82/2019/QH14 về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị vừa ban hành.

Chất lượng quy hoạch đô thị kém

Theo Nghị quyết 82/2019/QH14 vừa được Quốc hội ban hành, đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị đã tương đối đồng bộ, kịp thời, bao quát trên nhiều lĩnh vực.

Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từng bước được nâng cao, góp phần hạn chế thất thoát, tiêu cực, lãng phí. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị đã góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị vẫn còn những hạn chế, bất cập. Chính sách, pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này còn có quy định chưa hợp lý, có sự chồng chéo, chưa thống nhất. Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp tỉnh ở một số địa phương còn chậm.

Chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn. Ảnh minh hoạ

Nghị quyết cũng nêu rõ, chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư.

Việc giao đất, cho thuê đất thông qua phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất có những trường hợp còn chưa tuân thủ quy trình và quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp chỉ định nhà đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập, nguy cơ thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao cũng chưa được quy định rõ ràng, việc triển khai còn nhiều bất cập, dẫn đến thất thoát tài sản công.

Tranh chấp đất đai vẫn nóng

Cũng theo Nghị quyết, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho một số dự án triển khai còn chậm, có nơi chưa bảo đảm công bằng, hợp lý, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp và đời sống của người có đất thu hồi...

Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng còn có một số trường hợp buông lỏng quản lý, công tác phối hợp với chính quyền địa phương chưa đồng bộ, để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình, nhà ở trái phép, sử dụng đất sai mục đích.

Việc sử dụng đất cho các dự án du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, quản lý quỹ đất của doanh nghiệp cổ phần hóa còn nhiều bất cập.

Việc di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo, bệnh viện, cơ sở công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm... ra ngoài trung tâm các đô thị lớn còn chậm; chưa thực hiện tốt việc bàn giao quỹ đất sau di dời cho địa phương.

Công tác xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai và phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc công khai, minh bạch thông tin trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị còn hạn chế, nhất là thông tin về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Tranh chấp đất đai vẫn diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, thời gian qua, tình trạng khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai vẫn diễn biến phức tạp, còn nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài. Việc xử lý các vi phạm trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị còn chậm, một số trường hợp chưa nghiêm minh. Công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát và đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, một số nội dung chưa được xử lý triệt để…

Những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Tầm nhìn, dự báo và đánh giá tác động của các chính sách còn hạn chế. Việc thi hành pháp luật chưa tốt, còn nhiều sai phạm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, đô thị. Các công cụ để quản lý quy hoạch đô thị chậm được phê duyệt và ban hành.

Một bộ phận cán bộ, công chức quản lý đất đai, quy hoạch đô thị phẩm chất đạo đức yếu kém, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013

Nghị quyết 82 đưa ra một số giải pháp để giải quyết những thực trạng trên. Theo đó, Quốc hội cần xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị để khắc phục các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị và xây dựng.

Tăng cường giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đối với công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, góp phần phát hiện, kiến nghị xử lý các tồn tại, hạn chế và vi phạm pháp luật.

Đối với Chính phủ, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định điều chỉnh lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị; chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư liên quan hiện còn vướng mắc, bất cập.

Nghiên cứu làm rõ và có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú như căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), nhà phố thương mại (shophouse)...

Rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật.

Đồng thời sớm ban hành Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao.

  • Hà Nội - Phá vỡ quy hoạch đô thị

    Hà Nội - Phá vỡ quy hoạch đô thị

    Nhiều dự án ở Hà Nội, từ khu đô thị đến đơn lẻ đều có sự điều chỉnh về quy hoạch, mật độ xây dựng theo hướng tăng lên, phá vỡ quy hoạch ban đầu, đang gây bức xúc cho xã hội. Điều đáng lo ngại, thực trạng này có thể rơi vào vòng luẩn quẩn, khó tìm ra lời giải thỏa đáng.

  • Vỡ trận quy hoạch TP HCM vì dự báo thiếu chính xác

    Vỡ trận quy hoạch TP HCM vì dự báo thiếu chính xác

    Bài toán quy hoạch đô thị luôn là vấn đề nóng bỏng của TPHCM, bởi tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến cho thành phố phải hứng chịu những hậu quả.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.