Bài toán quy hoạch đô thị luôn và vấn đề nóng bỏng của TPHCM, bởi tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến cho thành phố phải hứng chịu những hậu quả nhãn tiền như ùn tắc giao thông, ngập nước…. Tình trạng này năm sau nặng hơn năm trước.
Bài toán quy hoạch đô thị luôn và vấn đề nóng bỏng của TPHCM.
Nhóm PV Đài TNVN tại TPHCM có loạt bài viết về “Bất cập quy hoạch TPHCM và những hệ lụy”.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 24/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025.
Theo đó, Thành phố sẽ triển khai mô hình phát triển đô thị “tập trung đa cực”; Khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và 4 cực phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển.
Song song với đó sẽ phát triển thành phố với hai hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: hướng Tây-Bắc và hướng Tây, Tây – Nam. Theo lộ trình của Quyết định 24, thành phố định hướng sẽ kéo giãn dân không tập trung ở khu vực trung tâm.
9 năm sau Quyết định 24, đến nay, TPHCM vẫn chưa làm được nhiều, bởi nếu thành phố phát triển theo 4 hướng thì phải đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và có nhiều chương trình phát triển đô thị. Nhưng hiện nay thành phố làm hàng ngang. Ví dụ như làm cầu thiếu đường dẫn, làm khu dân cư thiếu trường học, công viên cây xanh…
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho rằng: Bản thân tính dự báo trong Quyết định 24 chưa chính xác, có độ vênh giữa nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và nguồn lực của các thành phần kinh tế.
Đặc biệt, theo Quyết định này, đến 2025, dân số dự kiến TPHCM là 10 triệu người, tuy nhiên hiện nay mới là năm 2019 thì thành phố đã đạt con số này, đồng thời nếu tính dân số vãng lai thì thực tế lên đến 13 triệu người.
“Có những dự báo chúng ta đúng, có những dự báo không chính xác. Mà quan trọng nhất là chúng ta không có một chương trình kế hoạch tổ chức thực hiện theo quy hoạch bài bản, có hệ thống. Trong quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ thì có nhiều nội dung chúng ta phải làm, có nhiều điều khoản Thủ tướng Chính phủ giao TPHCM làm nhưng chúng ta chưa làm được”, ông Toàn cho biết thêm.
Nhiều nơi trong thành phố TPHCM ngập nước về mùa mưa và kẹt xe liên tục do dự báo quy hoạch thiếu chính xác.
Vì không thực hiện theo chương trình, quy hoạch thiếu bài bản, tính dự báo thiếu chính xác nên hậu quả hiện nay là nhiều nơi trong thành phố TPHCM ngập nước về mùa mưa và kẹt xe liên tục.
Dọc các tuyến đường như Phổ Quang (quận Tân Bình) đi vào sân bay, hay các tuyến đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Huỳnh Tấn Phát, tình trạng ùn tắc diễn ra thường xuyên dù chính quyền đã xây dựng thêm cầu vượt, cầu đi bộ, mở đường…
Ở một số quận trung tâm thành phố, nơi những tòa nhà cao ốc mọc lên như nấm, ngoài tình trạng kẹt xe đến ngột ngạt, là cảnh sống trong ngập nước mỗi khi mùa mưa về. Bởi vậy, nên có người đã ví von: kẹt xe, ngập nước như là thứ “đặc sản” của TPHCM - một đô thị có tốc độ phát triển kinh tế bậc nhất cả nước.
Một số người dân TPHCM chia sẻ ý kiến về nạn kẹt xe, ngập nước:
“Nhà cứ cao, đường cứ cao mà ngập cứ ngập. Ở đây hai mấy năm sợ lắm rồi”.
“Mưa cái là bắt đầu chuẩn bị. Cứ mưa nhỏ không sao cứ mưa lớn là ngập. Mấy xe lớn chạy qua là sóng đẩy nước vào trôi tùm lum hết”.
“Tôi cứ nghe là thực hiện quy hoạch này nọ nhưng rõ ràng là khu vực trung tâm đã chật cứng nhưng nhà cao tầng, chung cư cứ mọc lên. Kẹt xe, ngập nước thì ngày càng tăng và trầm trọng chứ không có biểu hiện gì là giảm cả. Năm sau cứ tăng hơn năm trước”, một người dân sống lâu năm tại TPHCM cho hay.
Chia sẻ với nỗi khổ của người dân TPHCM, Giáo sư Lê Huy Bá, Khoa Môi trường – Biến đổi khí hậu, Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, phân tích nguyên nhân: Thành phố hiện đang lãnh hậu quả từ quá trình đô thị hóa mà không lường trước các tác động.
TPHCM là đô thị bán ngập triều, những vùng như: Phú Mỹ Hưng (Quận 7), Thủ Thiêm, Thảo Điền (Quận 2)… là những nơi trữ nước tự nhiên và giúp cho thành phố không bị ngập. Tuy nhiên, những hồ nước, những con rạch… tại các khu vực trên đã nhường chỗ cho những đô thị hiện đại cũng đồng nghĩa với việc thành phố mất đi những nơi trữ nước.
Ngoài ra, một phần không nhỏ những hệ thống kênh rạch len lỏi vào các khu vực trung tâm cũng đã bị lấn chiếm mà theo thống kê là khoảng 20% hệ thống. Điều đó dẫn đến một hệ quả tất yếu là ngập bởi “một khối đất đổ xuống thì một khối nước trồi lên”.
Giáo sư Lê Huy Bá cho biết ông và nhiều chuyên gia khác đã từng lên tiếng phản đối việc san lấp những vùng đầm lầy như Phú Mỹ Hưng hay Thủ Thiêm… nhưng bất lực. Bởi vậy Giáo sư Lê Huy Bá cho rằng, thành phố cần nhìn thẳng vào thực tế và phải “viết lại quy hoạch” theo hướng là một đô thị bán ngập triều.
“Phải viết lại quy hoạch một cách khoa học, có sự tham gia của các nhà khoa học. Phải xác định thành phố là đô thị bán ngập triều, ở địa thế trũng nên khi xây dựng nhà cửa, đường sá, phải có cách bố trí xây dựng rất khác”, Giáo sư Lê Huy Bá nêu ý kiến.
Theo Tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, không gian đô thị thành phố là không gian méo mó, cấu trúc không bình thường.
Nếu khái quát mặt bằng thì chúng ta sẽ thấy nó như một lát bánh tét và vùng nhân bánh là khu vực Quận 1, 3, 5, 10, nơi có hệ thống hạ tầng giao thông đủ tiêu chuẩn. Phần lớn diện tích khu vực các quận nội và ngoại thành còn lại được phát triển tự phát trong và sau chiến tranh.
Cấu trúc các khu vực đô thị thiếu quy hoạch này chủ yếu là đường hẻm và nhà phố dạng ống. Nhà cửa trong các khu dân cư ở đây được xây dựng dàn trải, mật độ xây dựng dày đặc nhưng hệ số sử dụng đất thấp.
Trong nhiều năm qua, thành phố đã đầu tư cho hạ tầng rất mạnh mẽ, các hệ thống đường vành đai được hình thành nhưng làm sao kết nối giao thông đó đang là vấn đề làm đau đầu lãnh đạo TPHCM.
Trong cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thừa nhận, TPHCM đang đô thị hóa quá nhanh và mất kiểm soát. Hậu quả của nó mà thành phố đang phải đối mặt là kẹt xe, ngập nước và cả ô nhiễm môi trường.
“TPHCM là một thành phố đang đô thị hoá rất nhanh, phải nói là cực nhanh và có thể nói là dường như vượt quá tầm kiểm soát, đặc biệt là những vùng ven, ngoại thành. Và chính sự phát triển đô thị như thế, tăng trưởng kinh tế, đời sống tăng lên, thu nhập tăng lên nhưng mà chúng ta phải đối diện với những vấn đề của đô thị hóa tạo ra là ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, các vấn đề xã hội khác”, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho hay.
Có thể nói, hệ lụy của việc quy hoạch thiếu tính dự báo khiến TPHCM đang phải gánh chịu. Cho nên, đứng trước bài toán nan giải như vậy, thành phố cần phải làm gì để thoát khỏi không gian méo mó, mất cân đối này sẽ được chúng tôi đề cập trong bài tiếp theo.