18/01/2017 4:47 PM
Xây dựng nhà chung cư cao tầng là giải pháp "cứu cánh" cho nhiều đô thị, nhất là trong bối cảnh quĩ đất eo hẹp, nhu cầu về nhà ở của người dân tăng cao. Tuy nhiên, xây dựng chung cư ở đâu, qui mô xây dựng thế nào, tiện ích ra sao, có phù hợp với hạ tầng đô thị hay không luôn là câu hỏi đặt ra với nhà quản lý.
Khoảng gần chục năm trở về trước, khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội đúng là "khu đô thị kiểu mẫu", với một không gian xanh, thanh bình, đáng sống. Nhưng vài năm trở lại đây, khu đô thị Linh Đàm đã trở nên chật chội, quá tải.
Linh Đàm đã "phố hóa", nhất là khi xuất hiện thêm ngày một nhiều những chung cư giá rẻ. Thật không thể ngờ được, chỉ trong một khu đất tương đương với một sân vận động, người ta có thể xây tới 12 chung cư cao từ 36 đến 41 tầng. Mỗi gia đình ước tính khoảng 3 người, thì đã có tới hơn 20 ngàn nhân khẩu, gấp hơn 2 lần dân số của phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Nhìn từ một khu đô thị của Hà Nội để suy rộng ra trên qui mô toàn thành phố cho thấy, với tốc độ xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô như cách làm hiện nay thì dù Hà Nội có đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tới đâu cũng không theo kịp qui mô phát triển dân số cơ học của Thủ đô.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương vào sáng 29-12-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu trước việc xây dựng các khu đô thị cao tầng trên những khu đất mà cơ quan, xí nghiệp đã di dời ra khỏi trung tâm thành phố Hà Nội. Thủ tướng chỉ rõ đây chính là một trong những nguyên nhân gây bất cập cho cơ sở hạ tầng của Thủ đô.
Tiếp đó, trong hội nghị trực tuyến tổng kết năm an toàn giao thông 2016, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng lưu ý TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về các dự án nhà cao tầng gây áp lực với giao thông đô thị.
Ảnh minh họa
Người đứng đầu TP Hà Nội - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trong hội nghị tổng kết và triển khai công tác của Sở Qui hoạch Kiến trúc cũng thừa nhận: Hà Nội đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Thủ đô.
Thế nhưng, sau những phát biểu của lãnh đạo Chính phủ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trao đổi với báo chí, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vẫn cho rằng, nhà cao tầng ở Thủ đô vẫn xây dựng theo qui hoạch, không có gì sai! Ông Vinh nói vấn đề ách tắc giao thông do nguyên nhân tổng hợp chứ không phải chỉ do nhà cao tầng gây ra…?!
Nội đô Hà Nội vốn dĩ đã chật chội, mật độ dân số cao, nhất là trong khu vực phố cổ. Chủ trương giãn dân, di dân đã có, nhưng chưa thực hiện được là bao mà còn bị "nhồi" thêm dân bằng những dự án nhà chung cư cao tầng trên những nền "đất vàng" nội đô, nơi trước kia là những cơ quan, xí nghiệp...
Giải thích việc này, người đứng đầu Sở Qui hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: "Di dân ra ngoài chưa thực hiện được vì cơ sở hạ tầng bên ngoài chưa có. Các nhu cầu về phát triển hạ tầng đòi hỏi số tiền rất lớn!". Vậy thì trong lúc chưa di dân, giãn dân được, đáng ra phải tạm ngưng cho phép xây dựng các chung cư, nhất là chung cư cao tầng nhưng tại sao vẫn nhồi thêm các dự án chung cư cao tầng vào khu vực nội đô?
Chúng tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng khi bàn về ùn tắc giao thông của Hà Nội, ông Nhưỡng cho rằng, không thể đổ lỗi do thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài nội đô mà ở đây là vấn đề cơ chế. Tiền nhà đầu tư đổ vào Hà Nội rất nhiều, nhưng tại sao lại không để họ đầu tư cho hạ tầng giao thông mà lại đi xây nhà ở? Vấn đề là cơ chế chính sách của Hà Nội như thế nào để nhà đầu tư mặn mà với các dự án hạ tầng.
Quy hoạch đang gây áp lực lớn cho hạ tầng đô thị
Chủ trương xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp là chủ trương đúng, nhân văn, làm cho người lao động có thu nhập trung bình có khả năng mua được nhà ở.
Tuy nhiên, không lợi dụng danh nghĩa "xây nhà cho người có thu nhập thấp" để làm theo cách chồng tầng vô tội vạ, rồi ngăn nhỏ căn hộ để bán nhằm giảm thiểu chi phí đầu vào, tăng hệ số sử dụng đất, trong khi hạ tầng kĩ thuật thiếu thốn, hầm để xe chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu để xe máy, nhà hội họp công cộng không có, thang máy hoạt động quá tải vào giờ cao điểm.
Về chủ trương xây dựng, cải tạo lại các chung cư cũ, đây là việc làm cần thiết, tạo bộ mặt mới cho Thủ đô. Tuy nhiên, nếu cứ mỗi tòa chung cư cũ 4 tầng lại thay vào một chung cư mới cao hàng chục tầng thì số dân hút vào nội đô, chỉ riêng ở mỗi khu tập thể này sẽ tăng lên gấp 3 đến 4 lần.
Thiết nghĩ, một chủ trương đưa ra bao giờ cũng có hai mặt, mặt tốt và mặt trái. Nhà quản lý phải tiên lượng, nắm bắt được mặt trái phát sinh, từ đó có biện pháp quản lý chặt chẽ, phù hợp, không để nhà đầu tư lợi dụng, nhân danh cái tốt để trục lợi. Đồng thời, phải giữ nghiêm kỷ cương trật tự đô thị. Việc Chính phủ chỉ đạo kiên quyết trong xử lý công trình vi phạm tại 8B Lê Trực, quận Ba Đình là bài học cho cả nhà quản lý và các chủ đầu tư có tư tưởng muốn "vượt rào".
Đào Minh Khoa (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.