Cảng biển Quy Nhơn (ảnh: Quynhonport)
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579 /QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, từ đây đến 2030, Việt Nam sẽ có 5 nhóm cảng biển, trong đó có 2 cảng biển đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu; 15 cảng biển loại I, 06 cảng biển loại II, 13 cảng biển loại III…
Mục tiêu của quy hoạch cảng biển nhằm đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách trong giai đoạn từ đây đến năm 2030.
Ngoài ra quy hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2050, năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,0 đến 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 đến 1,3 %/năm.
Trước đó, Cục Hàng Hải (CHH) Việt Nam đã đệ trình hội đồng thẩm định và Bộ GTVT bản Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
CHH tính toán, tổng kinh phí phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 ước khoảng 300 - 320 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 57.000 tỷ đồng. Tất cả đều được thực hiện bằng ngân sách nhà nước.
-
Cần hơn 300.000 tỷ đồng phát triển hệ thống cảng biển đến năm 2030
Đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển là khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).