Bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng bộ phân tích CTCK Bản Việt cho rằng, các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng tín dụng, bài toán giảm lãi suất, những quy định của Thông tư 13, diễn biến tỷ giá và lạm phát sẽ tiếp tục là ẩn số tác động đến diễn biến của TTCK trong thời gian tới.
Sau "phép thử" của Thông tư 13, thị trường lại phải đối mặt với một số khó khăn nữa như CPI, lãi suất... (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Bà Hoa nói:

Kể từ đầu tháng 4 đến tháng 8 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều tăng ở mức dưới 0,3%/tháng và các NĐT đang kỳ vọng CPI các tháng cuối năm sẽ không có nhiều đột biến. Khi số liệu CPI trong các tháng cuối năm đang được các NĐT kỳ vọng ở mức thấp (ngưỡng tăng dưới 0,4 - 0,5%/tháng) thì việc CPI tại TP. HCM và Hà Nội vừa công bố tăng mạnh trong tháng 9, nằm ngoài các dự báo trước đó đã tạo ra bất ngờ cho toàn bộ thị trường. Từ trạng thái yên tâm rằng CPI đang trong tầm kiểm soát tốt, giờ đây sự chú ý của nhiều NĐT lại quay trở lại với những chỉ tiêu cơ bản của nền kinh tế như lạm phát, tỷ giá, lãi suất ngân hàng...

Có một điểm khác biệt khá lớn giữa Việt Nam và nhiều nước khác là trong khi nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại giảm phát do kinh tế trì trệ thì rủi ro lạm phát tăng cao tại Việt Nam lại luôn hiện hữu. Điều này xuất phát từ việc nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự hoạt động hiệu quả, các mảng phân phối và bán lẻ vẫn trong tình trạng phát triển khá tự phát. Chính vì thế mà đợt điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng ở mức 2,09% cách đây một tháng là cơ hội để một số DN trong nước "té nước theo mưa" điều chỉnh giá bán, đặc biệt là các mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu hay sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu như gas, sữa, thép, thuốc chữa bệnh...

Bên cạnh đó, chỉ số CPI hàng tháng được tính từ ngày 15 tháng trước đến ngày 15 của tháng sau. Vì vậy, dư âm của đợt điều chỉnh giá xăng dầu từ 190 - 410 đồng/lít (vào ngày 9/8) cũng gây áp lực lên chỉ số giá tháng này. Tác động của việc tăng giá học phí vào đầu năm học mới cũng đóng góp một phần vào áp lực tăng chung của chỉ số giá trong tháng 9, khi chỉ số giá nhóm giáo dục tại Hà Nội và TP. HCM tăng lần lượt là 7,17% và 5,57%.

Như vậy, các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng tín dụng, bài toán giảm lãi suất, những quy định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN, diễn biến tỷ giá và lạm phát sẽ tiếp tục là ẩn số tác động đến diễn biến của TTCK trong thời gian tới. Sau "phép thử" của Thông tư 13, thị trường lại phải đối mặt với một khó khăn không mới như khả năng CPI có thể sẽ tăng cao hơn, đồng thời gây ảnh hưởng đến chính sách lãi suất và tỷ giá trong các tháng cuối năm. Do vậy, sự ổn định của thị trường vừa nhen nhóm lại cần thêm một thời gian để hấp thụ và xử lý các thông tin này.

Cafeland.vn - Theo Giang Thanh (Tinhnhanhchungkhoan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland