Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Ảnh: trang tin Quốc hội
Quốc hội hôm nay đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật gồm Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối – 432/434 đại biểu tham gia biểu quyết.
Luật sửa đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Mục tiêu là tháo gỡ rào cản pháp lý, tăng tính linh hoạt trong quản trị và đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án.
Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh việc sửa đổi các điều khoản quan trọng của Luật Đấu thầu nhằm trao quyền lớn hơn cho doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động mua sắm.
Theo đó, nếu không sử dụng vốn ngân sách, doanh nghiệp được quyền tự quyết định cách lựa chọn nhà thầu, với điều kiện bảo đảm minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.
Với dự án sử dụng vốn nhà nước, hoạt động lựa chọn nhà thầu của bất kỳ đối tượng nào đều phải theo quy định của Luật Đấu thầu. Song song, luật mới cũng siết lại công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả, nhằm đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp nhà nước, phòng ngừa rủi ro và sử dụng vốn hiệu quả.
Đáng chú ý, luật mới cho phép trao quyền cho chủ đầu tư được ưu tiên áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu đơn giản như chỉ định thầu, đặt hàng, lựa chọn trong trường hợp đặc biệt, hay các hình thức khác như đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và các hình thức khác phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu.
Đồng thời, mở rộng trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Chính phủ được giao thẩm quyền quy định chi tiết về các hình thức còn lại – một động thái được kỳ vọng giúp rút ngắn tiến độ triển khai các dự án công.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), cơ chế chia sẻ doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư các dự án BOT, BTO, BOO được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn. Khi doanh thu thực tế vượt 110 - 125% so với phương án tài chính, nhà đầu tư phải chia sẻ 50% phần chênh lệch với Nhà nước, sau khi đã điều chỉnh giá, phí dịch vụ và thời hạn hợp đồng; tỷ lệ cụ thể do cơ quan có thẩm quyền đàm phán và được Kiểm toán nhà nước kiểm toán.
Ngược lại, nếu doanh thu thực tế giảm xuống dưới 75-90% mức dự tính, Nhà nước sẽ chia sẻ 50% phần hụt với nhà đầu tư.
Cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu không được áp dụng với trường hợp phương án tài chính được điều chỉnh theo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, lãi suất vốn vay, phương án trả nợ sau thỏa thuận không bảo đảm tính khả thi.
Đối với các dự án PPP trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, nhà đầu tư được miễn chia sẻ phần tăng doanh thu trong 3 năm đầu vận hành.
Riêng các dự án BOT trước năm 2021 gặp khó khăn do thay đổi chính sách hoặc quy hoạch, cơ chế chia sẻ chỉ áp dụng một lần nếu doanh thu 3 năm gần nhất dưới 75% kế hoạch.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết phương pháp xác định, trình tự và thủ tục chia sẻ doanh thu; Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc áp dụng, bảo đảm không làm tăng giá dịch vụ hay kéo dài thời gian thu phí.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc bổ sung cơ chế xử lý rủi ro giảm doanh thu cho các dự án BOT trước năm 2021 là cần thiết để tháo gỡ vướng mắc tồn đọng. Hiện có 11 dự án BOT giao thông bị giảm doanh thu, chủ yếu do nguyên nhân khách quan hoặc lỗi từ phía cơ quan Nhà nước, nên Nhà nước cần có trách nhiệm xử lý.
Điểm mới khác trong lần sửa đổi này là phân quyền cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với bảy nhóm dự án thay vì phải trình Thủ tướng. Bao gồm: dự án xây mới sân bay, nhà ga có công suất từ 1 triệu tấn/năm; đầu tư kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không; bến cảnh, khu cảng biển thuộc cảng đặc biệt hoặc quy mô từ 2.300 tỷ đồng; đầu tư chế biến dầu khí; dự án xây nhà ở, khu đô thị từ 50 ha hoặc từ 15.000 dân trở lên; và các dự án sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc quy mô nhỏ hơn nhưng dân số từ 10.000 người trở lên.
Sắp tới, Chính phủ cũng sẽ ban hành nghị định hướng dẫn, theo hướng đơn giản tối đa thủ tục hành chính chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đây là một phần trong chương trình cắt giảm thủ tục hành chính năm 2025 được nêu tại Nghị quyết số 66/NQ-CP. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, các bộ ngành đang được giao nhiệm vụ loại bỏ ít nhất 30% các điều kiện đầu tư kinh doanh được cho là không cần thiết, góp phần tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và hiệu quả hơn.
Việc sửa đổi đồng bộ 8 luật trong một đạo luật chung được giới chuyên gia đánh giá là bước đi chiến lược, phù hợp với yêu cầu cải cách thể chế và thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
-
Quốc hội quyết bỏ án tử hình tội "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ"
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã chính thức được Quốc hội thông qua với đa số đại biểu tán thành. Trong đó, luật đã bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh như "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ"...
-
Quốc hội thông qua nhiều quy định mới, “nới” điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam
Sáng 24/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, với 416/416 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
-
Giá nhà tăng cao tại tỉnh mới sau sáp nhập, Phó thủ tướng nói gì trước Quốc hội?
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ có giải pháp với tình trạng giá nhà tăng cao tại các tỉnh được chọn đặt trung tâm hành chính mới sau sáp nhập.







-
Hưng Yên sắp có tuyến đường gần 5.000 tỷ kết nối siêu đô thị, khu công nghiệp và Hà Nội
Một tuyến đường chiến lược dài gần 25 km với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng sắp được triển khai, kết nối phường Thái Bình (tỉnh Thái Bình cũ) với trung tâm tỉnh Hưng Yên. Đây được xem là dự án hạ tầng quan trọng bậc nhất trong chiến lược phát triể...
-
Phú Thọ quy hoạch thêm gần 600 ha khu công nghiệp, đón sóng đầu tư mới
UBND tỉnh Phú Thọ vừa duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 cho hai khu công nghiệp (KCN) mới, với tổng diện tích gần 570 ha, bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp mạnh mẽ đến năm 2030....
-
Dự án hơn 1,3 tỷ USD tại Hưng Yên đã có chủ, tên tuổi nào đứng sau thương vụ tỷ đô?
Một dự án khu đô thị có tổng mức đầu tư gần 35.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1,3 tỷ USD) vừa chính thức tìm được chủ đầu tư, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển đô thị quy mô lớn tại tỉnh Hưng Yên mới (sau sáp nhập với Thái Bình)...