05/10/2020 8:10 AM
Không ít người dân bức xúc, làm đơn khiếu kiện liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng tại Dự án Chỉnh trang đô thị ở Quảng Ninh.

Khu vực đường tàu đã giải phóng không dành để làm đường mà được phân lô, bán nền cho dân xây dựng nhà

Bức xúc vì cùng một loại đất nhưng người khác được đền bù 10 triệu đồng mỗi m2, còn gia đình mình lại chỉ được đền bù 50.000 đồng, không ít người dân bức xúc, làm đơn khiếu kiện.

Có hay không việc “nắn cong” quy hoạch?

Đó là thực tế diễn ra khi chính quyền thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại Dự án nâng cấp, cải tạo và làm mới bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư dọc phía Nam QL18A đoạn cầu 1, phường Cẩm Đông đến cầu B5, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh (gọi tắt là Dự án chỉnh trang đô thị).

Theo đó, Dự án Chỉnh trang đô thị trên địa bàn phường Cẩm Sơn có diện tích thu hồi là trên 28.650m2, liên quan đến diện tích đất khai hoang, lấn biển, đất xây dựng của 101 hộ dân và 1 doanh nghiệp.

Dự án được triển khai từ cuối năm 2016, đầu 2017, khi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam dỡ bỏ hệ thống vận tải bằng đường sắt từ Khe Sim, phường Quang Hanh đến ga cọc 6, phường Cẩm Phú với mục đích làm tuyến đường gom, khuôn viên cây xanh và một số hạng mục phục vụ dân sinh, chỉnh trang đô thị khác.

Hiện vẫn còn 26 hộ dân không hợp tác làm việc; 2 hộ đã ký phương án đền bù nhưng chưa nhận tiền; 5 hộ có nhà ở bám QL18A đã kiểm đếm xong nhưng không đồng ý phương án đền bù. Các hộ dân này đang làm đơn kiến nghị vấn đề đơn giá bồi thường quá thấp; nghi vấn khuất tất bồi thường và “nắn cong” quy hoạch để phân lô, bán nền...

Ông Lê Văn Thắng (trú tại tổ 7, khu Cao Sơn 1, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) cho biết, gia đình ông khai hoang, lập nghiệp trên mảnh đất này từ năm 1977 đến nay. Khu vực đất vốn là mặt nước mênh mông, sâu nhiều mét. “Thế nhưng, khi xây dựng phương án bồi thường Dự án chỉnh trang đô thị thì họ không tính công tôn tạo, chỉ được đền bù 50.000 đồng/m2 nên gia đình không chấp nhận”, ông Thắng cho hay.

Dẫn PV “mục sở thị” dự án, nhiều hộ dân ở khu Cao Sơn 1 bức xúc phản ánh hàng loạt vấn đề: Tại sao sau khi tuyến đường sắt được tháo dỡ lại không quy hoạch để làm đường, khuôn viên cây xanh mà lại phân lô, bán nền, rồi sau đó lại quy hoạch đường vào khu đất người dân đang quản lý, sử dụng hợp pháp khiến tuyến đường gấp khúc, khuất tầm nhìn, mất ATGT?

Theo ghi nhận, tuyến đường sắt được tháo dỡ vốn chạy thẳng qua khu vực, nếu dành để làm đường thì sẽ rất thuận lợi, nhưng hiện nay đã được chính quyền địa phương phân lô, bán nền cho một số hộ xây dựng nhà, cây xăng…

Nhà được 10 triệu, nhà chỉ 50 nghìn

Khu vực đất đền bù cho gia đình bà Nguyễn Thị Thảnh đã được làm cây xăng và một số công trình khác

Theo tìm hiểu, trong danh sách các hộ bị thu hồi đất có bà Nguyễn Thị Thảnh (trú tại khu Nam Sơn 2, phường Cẩm Sơn). Diện tích đất thu hồi của bà Thảnh là 207,30m2, gồm 25,94m2 đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và 181,36m2 đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

Bà Thảnh được bồi thường trên 1,956 tỷ đồng, trong đó, bồi thường về đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp là 10,03 triệu đồng/m2.

Theo bản chứng nhận nhà, đất, tài sản trên đất của gia đình bà Thảnh do lãnh đạo UBND Cẩm Sơn ký ngày 8/9/2017 thì vị trí thửa đất trước năm 1976 là mặt nước tiếp giáp với biển; năm 1976, gia đình bà Thảnh xây dựng kè ao nuôi cá, đến năm 2002 thì đổ đất lấp ao, xây dựng nhà làm xưởng cơ khí.

Điều người dân bức xúc là cùng thời điểm khai hoang, lấn biển, canh tác, xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt, gia đình bà Thảnh không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn được áp giá đền bù 10,03 triệu đồng/m2, còn nhiều hộ trong cùng dự án chỉ được đền bù với giá 50 nghìn đồng/m2.

Đơn cử như hộ ông Phùng Châu Phong (ở tổ 3, khu 3, phường Cẩm Sơn) bị thu hồi 443,6m2 chỉ được nhận hơn 22 triệu đồng tiền đất; hộ ông Lê Văn Thắng (ở tổ 7, khu 1, phường Cẩm Sơn) bị thu hồi 224,8m2 và một số tài sản trên đất chỉ được đền bù vật kiến trúc trên đất là 473 triệu đồng; hộ ông Vũ Trí Trưởng (ở tổ 3, khu 3, phường Cẩm Sơn) bị thu hồi 170,8m2 chỉ được tính đất trồng cây lâu năm với mức đền bù 7,2 triệu đồng…

“Điều lạ thứ 2 là, trong khi tại khu vực này, địa phương chưa có quy hoạch về đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thì cơ quan chức năng lấy đâu làm cơ sở để tính đền bù cho bà Thảnh theo hạng mức đất này?”, ông Thắng thắc mắc.

Liên quan đến việc khiếu kiện của người dân, một lãnh đạo UBND TP Cẩm Phả cho biết, thành phố sẽ cho tạm dừng việc triển khai các phương án đền bù, GPMB tại Dự án chỉnh trang đô thị để rà soát, kiểm tra lại toàn bộ nguồn gốc sử dụng đất, quy trình triển khai một số phương án đã đền bù để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân. “Nếu phát hiện sai sót, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý dứt điểm. Thành phố cũng mong muốn, bà con sớm đồng thuận, ủng hộ chính quyền địa phương để triển khai dự án khi các chế độ, chính sách đã được áp dụng đúng, đủ”, vị lãnh đạo này nói.
Quang Minh (GT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.