Một mảnh đất nằm trong khu vực triển khai dự án nhà máy nước Quảng Tế 3
Thời gian gần đây, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường nhận được rất nhiều phản ánh của người dân sống tại phường Thủy Xuân (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) về việc sau khi thu hồi đất để thực hiện công trình bể chứa nước sạch Quảng Tế 3 (phường Thủy Xuân), cơ quan chức năng lại đền bù không hợp lý cho dân.
Chia sẻ với PV, gia đình ông Nguyễn Văn Thông và bà Phan Thị Diệu Quyên (tổ 17, khu vực 5, phường Thủy Xuân) cho hay, gia đình ông có 558,4m2 đất nông nghiệp (thửa đất số 18) bị thu hồi để thực hiện công trình. Tiền bồi thường 26.021.000 đồng, nghĩa là giá bồi thường chỉ 23.300 đồng/m2.
“Thật sự là giá quá thấp so với tưởng tưởng của chúng tôi, đất thì quý lắm mà lại mất còn tiền thấp thế tiêu mấy cũng hết. Chỗ này cách trung tâm thành phố chưa được 3km cơ mà. Tiền bồi thường 1m2 đất suy ra chưa đủ để ăn một tô bún ở Huế nữa...”- bà Quyên bộc bạch.
Tìm hiểu được biết, việc triển khai công trình sẽ thu hồi 3,7 ha đất nông nghiệp, đất ở. Như vậy, dự án khiến 43 hộ dân sinh sống ở các tổ 16 và 17 phường Thủy Xuân bị ảnh hưởng, trong đó có hộ ông Thông bà Quyên. Trong số 43 hộ dân, có 7 hộ dân ngoài bị thu hồi đất nông nghiệp còn bị thu hồi đất ở, giá đền bù cũng thấp.
“Thửa số 11 của gia đình tôi ngoài bị thu hồi 389,3 m2 đất nông nghiệp và được bồi thường với mức 23.300 đồng/m2- được hơn 9 triệu thì còn bị thu hồi 389,3 m2 đất ở, bồi thường mức 940.000 đồng/m2 khi nhận được sẽ là 182.971.000 đồng. Nhìn chung là quá thấp, thấp hơn cả 100 lần so với khung giá đất nông nghiệp của tỉnh nữa...”, bà Nguyễn Thị Túy Loan (tổ 16) nói.
Người dân lý giải với PV rằng, cần xác định giá đất theo hướng trung bình của 3 giá gồm khung giá của Chính phủ, giá thị trường và khung giá của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo cách tính này, đất nông nghiệp của người dân phải được bồi thường với mức giá 1.010.013 đồng/m2 khi bị thu hồi. Về đất ở sẽ là 3.111.000 đồng/m2.
Nhiều hộ dân đang bất bình vì đền bù giá đất ở và nông nghiệp không hợp lý, quá “bèo”
Trong khi đó, có thêm 12 hộ dân khác còn phản ánh sự vô lý khi đất đã bị chính quyền thu hồi cho dự án nhưng lại không được bồi thường, dù đã sử dụng ổn định hơn hàng chục năm qua.
Ông Nguyễn Văn Xưng (tổ 16, phường Thủy Xuân) cho hay, dòng họ ông đang sở hữu các thửa đất nông nghiệp số 10, 29, 41, 58, 113 tại tổ 16. Tổng diện tích đất bị thu hồi là 2.504,5m2.
“Tất cả diện tích đất này dòng họ Nguyễn quản lý, sử dụng từ trước năm 1945 và nộp thuế cho nhà nước theo quy định, sau này được miễn thuế, không hề tranh chấp với ai cả. Trong tổng diện tích đất trên, chính quyền chỉ bồi thường 1.475 m2 với mức giá 23.300 đồng/m2, số đất còn lại không được bồi thường. Việc này là không đúng quy định pháp luật...”, ông Xưng bức xúc.
Cũng theo người dân, đa số những diện tích đất không được bồi thường đều khai hoang, canh tác từ trước năm 1965, số ít còn lại được chính quyền giao đất canh tác vào năm 1976. Người dân canh tác, sử dụng đất này đều thực hiện kê khai đất theo sổ mục kê khai và theo Chỉ thị 299/CT-TTg nhưng đến nay không được cấp “sổ đỏ”.
Liên quan đến sự việc, trao đổi với PV, bà Trần Thị Huyền- cán bộ địa chính UBND phường Thủy Xuân thông tin, vào cuối năm 2018, UBND TP. Huế ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện công trình bể chứa nước sạch Quảng Tế 3.
Theo đó, phương án bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản gắn liền với đất là 7.468.634.000 đồng. Trong đó, chi phí hỗ trợ giải tỏa 7.342.660.000 đồng, chi phí tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng 125.974.000 đồng.
“Trong 43 hộ bị ảnh hưởng có 7 hộ phải di dời tái định cư vì bị thu hồi cả đất ở, số còn lại chỉ bị thu hồi đất nông nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, người dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải tỏa. Nguyên nhân là do người dân không đồng tình trước việc áp giá bồi thường thấp và việc nhiều diện tích đất không được bồi thường. Phường cũng đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên xem xét lại việc áp giá bồi thường đất cũng như việc nhiều hộ dân không được bồi thường để tránh thiệt thòi cho dân. Tuy nhiên mọi chuyện dừng lại ở mức kiến nghị mà thôi chứ ở mức phường thì không làm gì thêm được...”, bà Huyền nói.
-
Có gì đặc biệt trong quy hoạch khu đô thị hơn 185ha, quy mô 20.000 người ở Thừa Thiên Huế?
Khu đô thị phía Bắc, phường Hương An, Hương Sơ, Hương Vinh (TP. Huế) và xã Hương Toàn (Hương Trà) có diện tích hơn 185 ha, quy mô dân số 20.000 người.
-
Tỉnh sắp lên thành phố trực thuộc trung ương sắp khởi công khu đô thị hơn 4.300 tỷ đồng
Khu đô thị này hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 1.000 căn nhà ở đa dạng và 118.000 m2 sàn thương mại dịch vụ.
-
Khu đô thị hơn 4.300 tỉ đồng vừa được Thừa Thiên Huế chấp thuận đầu tư có quy mô như thế nào?
Dự án Khu đô thị sinh thái tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy (thuộc Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn) có quy mô diện tích gần 57ha, cung ứng khoảng 1.000 căn nhà ở và nhiều tiện ích đô thị khác.