Thửa đất chỉ có hơn 351m2, hiện chỉ là một mon đất dựng đứng, tọa lạc giữa khu dân cư của phường Hồng Hải được UBND TP Hạ Long thu hồi để làm “dự án” khiến một hộ gia đình nghèo tiếp tục lao dốc vì nghèo.
Căn nhà của vợ chồng ông Vững
Dự án mơ hồ, người dân mất đất thật
Chúng tôi có mặt tại nhà ông Trần Văn Vững và bà Hoàng Thị Thủy, tọa lạc tại thửa đất số 91, phường Hồng Hải, TP Hạ Long để mục sở thị thửa đất mà UBND TP Hạ Long thu hồi để làm dự án. Gọi là “nhà” vì đây là nơi cư trú của vợ chồng ông Vững, nhưng thực chất chỉ là một căn lều được dựng lên làm nơi sinh sống qua ngày. Sát với nơi ở của vợ chồng ông Vững, bà Thủy là một mon đất dựng đứng, được ký hiệu là thửa đất số 159 trong bản đồ địa chính của UBND phường Hồng Hải.
Theo kế hoạch sử dụng đất của UBND TP Hạ Long thì thửa đất số 91 và 159 đã được quy hoạch để làm “dự án”. Trong các văn bản giải quyết khiếu nại của người dân, tên dự án này được UBND TP Hạ Long gọi là “Dự án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/200”, không nói rõ là dự án gì. Song, với thửa đất tọa lạc ngay giữa khu dân cư, 3 phía tiếp giáp đều là nhà dân, một phía là đường giao thông, thì ai cũng có thể hiểu được “dự án” này khó có thể làm gì khác ngoài xây dựng nhà ở, chỉ có điều không biết ai sẽ được giao quyền sử dụng thửa đất này mà thôi.
Để thực hiện dự án, ngày 22/4/2016, UBND TP Hạ Long đã ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với hai thửa đất này. Theo đó, người đang sử dụng đất là gia đình ông Trần Văn Vững không được bồi thường quyền sử dụng đất bởi lý do rất đơn giản mà UBND TP Hạ Long đưa ra là, diện tích đất bị thu hồi là đất công, gia đình ông Vững không có quyền sử dụng đất nên không được bồi thường.
Thêm vào đó, lý giải căn cứ của việc thu hồi đất để làm “dự án”, UBND TP Hạ Long đã viện dẫn Quyết định số 1284/QĐ-UBND ngày 28/4/2016 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của TP Hạ Long. Có điều, Quyết định 1284 này lại được ban hành sau khi UBND TP Hạ Long đã thu hồi đất của gia đình ông Vững đang sử dụng. Do đó, người dân càng nghi ngờ đây là dự án “trên trời” được vẽ trên thửa đất chỉ vỏn vẹn 351m2, do đó khiến gia đình ông Vững không còn chỗ dung thân.
Cán bộ làm sai, hậu quả người dân phải gánh chịu?
Ông Vững và bà Thủy đã khiếu nại quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng của UBND TP Hạ Long, chỉ yêu cầu được bồi thường diện tích đất mà gia đình họ đã sử dụng từ trước năm 1987 và cấp cho họ một diện tích đất tái định cư khác.
Thế nhưng, UBND Hạ Long cho rằng, yêu cầu của gia đình ông Vững không có cơ sở vì thửa đất số 91 (diện tích 40m2) có ký hiệu trên bản đồ địa chính là đường giao thông nên không bồi thường; thửa đất số 159 (diện tích 311m2) có ký hiệu trên bản đồ địa chính là “đất công” nên gia đình ông Vững cũng không được bồi thường?
Tuy nhiên, lật lại hồ sơ và thực tế của quá trình sử dụng đất đối với 2 thửa đất này thì sự thật không giống những gì mà UBND TP Hạ Long kết luận trong quyết định giải quyết khiếu nại. Ngược lại còn cho thấy quyền lợi chính đáng của người dân đang bị UBND TP Hạ Long xem nhẹ.
Theo đó, thửa đất số 91 vốn là mảnh vườn của gia đình ông Vững, được sử dụng làm cổng đi riêng vào nhà ông và thửa đất số 159 là vườn trồng sắn của gia đình ông, được sử dụng liên tục từ năm 1987 đến nay. Trong quá trình đo đạc, lập hồ sơ địa chính, năm 1997, chính quyền đã tự biến đất vườn nhà ông Vững thành đường đi khi ghi ký hiệu thửa đất số 91 là đất giao thông, mảnh vườn gia đình ông Vững trồng sắn thì ghi là đất công?
Như vậy, đã có sai sót khi lập hồ sơ địa chính năm 1997, biến đất mà người dân sử dụng hợp pháp thành đất công và lỗi này thuộc về những người lập hồ sơ địa chính, không phải lỗi của gia đình ông Vững. Do đó, UBND TP Hạ Long không thể tước mọi quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Vững, bởi lẽ gia đình ông Vững vẫn sử dụng đất liên tục từ năm 1987 đến nay, không hề thay đổi mục đích và càng không hề biết đất của gia đình đã bị quy thành đất công, đất giao thông từ lúc nào?
Việc người dân sử dụng đất ổn định, liên tục và không có tranh chấp trước 15/10/1993 đủ điều kiện để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và được cấp sổ đỏ. Đối chiếu với quy định này của pháp luật, hai thửa đất mà gia đình ông Vững sử dụng đều có đủ điều kiện này.
Nếu theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc trong việc giải quyết khiếu nại của người dân khi giải phóng mặt bằng khu chung cư cũ thuộc phường Bạch Đằng, TP Hạ Long thì việc người dân đủ điều kiện cấp “sổ đỏ” mà chưa cấp thì cho nợ thủ tục hành chính, nhưng phải giải quyết chế độ cho dân như là đã có “sổ đỏ” để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Trong việc thu hồi đất này, nếu “dự án” được vẽ trên thửa đất 351m2 mà gia đình ông Vững đang sử dụng là chính đáng thì việc áp dụng pháp luật cũng cần phải linh hoạt, vì lợi ích của người dân mất đất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Có như thế, lợi ích của các bên đều được đảm bảo, để người nghèo không nghèo hơn và bất công không còn tồn tại.
Bình Minh - Công Thành (Pháp luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.