20/12/2015 11:39 AM
Từ Dự án Làng Văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình rồi biến thành Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vui chơi, giải trí. Mục tiêu thu hồi đất ban đầu hoàn toàn khác xa với mục tiêu triển khai dự án hiện nay. Người dân không những mất đất canh tác mà còn không được đền bù thỏa đáng khiến họ rơi vào cảnh khốn đốn. Đó là thực trạng diễn ra tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Sau tấm biển quảng cáo và chiếc cổng chào hoành tráng là thung lũng hoang.

Thung lũng Nữ Hoàng hay thung lũng hoang

Bất cứ ai đi qua Quốc lộ 6, đoạn xã Lâm Sơn đều bị choáng ngợp bởi tấm biển lớn có cái tên hết sức mỹ miều: Khu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí Thung lũng Nữ Hoàng. Nằm ở vị trí được xếp vào hạng đẹp nhất dọc Quốc lộ 6 trên địa bàn huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình nhưng mấy ai biết rằng, chỉ sau tấm biển với cái tên kiêu sa này, khu du lịch sinh thái Thung lũng Nữ Hoàng lại biến thành thung lũng hoang.

Bước qua cổng chào cỡ bự đang xây dựng dang dở, hình ảnh khiến chúng tôi nhức mắt là cả một vùng đồi rừng rộng lớn bát ngát nhưng không có bất cứ du khách nào. Các hạng mục của Dự án hầu hết thực hiện dở dang, sau đó bỏ hoang hóa cùng cỏ dại. Con đường đất dẫn vào khu du lịch nham nhở đầy ổ gà, ổ voi, mỗi khi có xe máy đi qua lại bụi cuốn mù mịt. Cơ sở hạ tầng đáng kể nhất mà chúng tôi quan sát thấy có lẽ là gần chục căn biệt thự mi ni đã rêu phong, xuống cấp nằm dưới tán lá rừng rậm rạp.

Đây là những công trình xây dựng từ thời Dự án Làng văn hóa các dân tộc Hòa Bình. Trước đây, Khu biệt thự này vốn là khu nhà nghỉ dưỡng cho thuê nhưng được một thời gian ngắn, các hạng mục của dự án không được triển khai tiếp, thành ra khu du lịch sinh thái mà không có gì để ngắm nên khách cũng không đến. Vậy nên, khu biệt thự đóng cửa bỏ hoang cho đến nay vô tình trở thành nơi lý tưởng để các đối tượng nghiện tụ tập hút chích.

Tiếp tục đi sâu vào Thung lũng Nữ Hoàng, không thấy “Nữ Hoàng” đâu mà chỉ thấy khu đồi hoang. Xen lẫn đám cỏ dại là vài căn nhà cấp 4, nhà sàn bỏ không sắp sập. Toàn bộ hơn 141 ha đất nông nghiệp thuộc dự án “Thung lũng Nữ Hoàng” trở thành bãi chăn thả gia súc của người dân.

Theo chính quyền xã Lâm Sơn, năm 2004, UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định thu hồi 141,7 ha đất tại xã Lâm Sơn để giao cho Công ty CP đầu tư và du lịch Bạch Đằng thuê 50 năm thực hiện dự án Làng Văn hóa các dân tộc Hòa Bình.

Sau nhiều năm xây dựng, chủ đầu tư cũng chỉ xây được vài căn biệt thự rồi bỏ hoang. Không hiểu lý do gì, sau đó dự án được chuyển giao cho Công ty CP Du lịch Thung lũng Nữ Hoàng để xây dựng dự án khu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí Thung lũng Nữ Hoàng.

Từ khi tiếp quản dự án, chủ đầu tư mới cũng chỉ xây dựng được một tường bao ngăn cách với nghĩa trang dân sinh và mới đây là chiếc cổng chào rồi bỏ dở.

Những biệt thự mi ni bỏ hoang trong dự án.

Dân khốn đốn vì dự án

Khi dự án về làng, người dân xã Lâm Sơn ai cũng vui mừng vì họ hi vọng sẽ tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập. Bởi vậy, mặc dù giá bồi thường đất đai, tài sản rất thấp nhưng hàng trăm hộ dân vẫn chấp nhận giao đất để chủ đầu tư thực hiện dự án. Thế nhưng, hơn 10 năm qua, mặc dù chính quyền và nhân dân xã Lâm Sơn liên tục kiến nghị nhưng dự án vẫn nằm im bất động. Mỗi khi có đoàn công tác xuống kiểm tra, chủ đầu tư lại cho công nhân xây dựng các hạng mục nhỏ và khi đoàn kiểm tra đi thì lại tiếp tục bỏ hoang.

Đất nông nghiệp trong dự án bỏ hoang lãng phí, trong khi đó hàng trăm hộ dân địa phương không có đất sản xuất. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng không thỏa đáng cũng gây bao hệ lụy xấu khiến nhân dân vô cùng bức xúc.

Ông Nguyễn Thành Thạo- Trưởng thôn Lam Sơn ngao ngán: Giá đền bù không hợp lý vì quá bèo bọt. Tỉnh và chủ đầu tư đền bù cho nông trường được hơn 2.000 đồng/m2, rồi nông trường chỉ đền 900 đồng/m2 cho các hộ dân. Bức xúc dân đi khiếu nại rất nhiều lần, sau đó tỉnh mới ra quyết định hỗ trợ thêm 13.100 đồng/m2, như vậy tổng cộng 14.000 đồng/m2.

Tài sản nhà đất là 31 ha chè, tỉnh đền bù cho nông trường 9.000 đồng/m2nhưng nông trường chỉ đền bù cho người dân với giá 1.000 đồng/m2. Vì giá quá thấp nhiều hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, một số hộ nhận 80% và hiện có còn hàng chục hộ dân vẫn cố bám trụ trong dự án kiên quyết không di chuyển đi nơi khác.

Cũng theo ông Thạo, riêng nhà ông có 7.321 m2 đất đồi chè, theo tính toán của ông thì so với giá đền bù đất cùng loại ở nơi khác gia đình ông thiệt hại hàng tỷ đồng nhưng vì ông là Trưởng thôn lại là đảng viên nên phải chấp hành để nhân dân làm theo.

Về những hộ dân bám trụ lại trong dự án đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Vì trong dự án nên nhà cửa xuống cấp cũng không được cơi nới, xây dựng và không thể phát triển sản xuất. Họ không có ruộng nên phải đi làm thuê để kiếm sống.

Hàng trăm hộ đã bàn giao đất cho dự án để đi nơi tái định cư mới hiện nay cũng sống trong cảnh khốn khó. Khi bàn giao đất cho chủ đầu tư, thì chủ đầu tư và cơ quan chức năng hứa hẹn chỉ trong vòng 6 tháng sẽ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho họ và khi dự án hoàn thành sẽ tạo việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp.

Nhưng trớ trêu thay, từ đó đến nay đã hơn 10 năm, chưa hộ nào được cấp lại sổ đỏ và chưa lao động nào được tuyển dụng vào dự án như hứa hẹn. Ở nơi tái định cư mới, họ chỉ có vẻn vẹn 400m đất thổ cư, không có đất sản xuất. Không có sổ đỏ để thế chấp vay vốn ngân hàng để làm ăn, nên người dân không có điều kiện phát triển kinh tế. Đa số họ phải đi làm thuê khắp nơi đế kiếm sống qua ngày.

“Dự án về nhưng bỏ hoang hóa 10 năm, thu hồi hết đất của dân, dân không có việc làm, hơn nữa là thu hồi sổ đỏ của dân sau không cấp trả khiến nhân dân vô cùng bức xúc nhưng không biết kêu ai. Tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều phản ánh những không có phản hồi gì” - Trưởng thôn Lam Sơn trăn trở.

Vì nằm trong dự án, mặc dù nhà bị cũ nát, sắp sập nhưng bà Đỗ Thị Thơi không dám cơi nới, không được canh tác trên đất của mình nên đời sống rất khó khăn.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Minh Tiện- Chủ tịch MTTQ xã Lâm Sơn xác nhận, dân bức xúc kiến nghị rất nhiều. MTTQ xã đã tổng hợp các kiến nghị của dân gửi HĐND xã và các ngành chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Còn ông Hoàng Ngọc Kiều- Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn xác nhận, dự án không có đóng góp gì mà còn làm ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Dân không có việc làm, đất thì bỏ không, hơn 100 hộ mất đất phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống. Ông Kiều cũng khẳng định, việc chủ đầu tư phá bỏ cây trồng của nhân dân là có thật.

Lý giải về việc các hộ dân không được cấp lại sổ đỏ, ông Kiều cho hay, theo quy định, mỗi hộ tái định cư được 400m2 đất, nếu lô đất của hộ nào có diện tích lớn hơn thì phần diện tích thừa ra phải nộp trả phí theo giá đất thổ cư thời điểm hiện tại. Nếu hộ nào ít hơn 400m² thì được đền bù bằng giá thời điểm thu hồi (2004). Cách tính này gây thiệt thòi rất lớn cho các hộ dân, nên đến thời điểm hiện tại vẫn còn khá đông các hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

“Từ năm 2005 đến nay, dân bức xúc liên tục kiến nghị, xã báo cáo huyện và các ngành chức năng nhưng không có phản hồi gì. Mãi đến tháng 12-2015, huyện mới chỉ đạo và giao cho xã rà soát có bao nhiêu hộ chuyển đến tái định cư, các hộ đã nộp tiền hay chưa… nhưng xã chưa làm được” - ông Kiều nhấn mạnh.

Như vậy, từ Dự án Làng Văn hóa các dân tộc Hòa Bình biến thành dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ ngơi vui chơi giải trí rồi bỏ hoang phí. Người dân không những mất đất canh tác mà không được đền bù thỏa đáng và chịu cảnh khốn khổ sống “treo” cùng dự án “treo”.

Trách nhiệm thuộc về ai, hướng xử lý thế nào và việc thẩm định năng lực của chủ đầu tư ra sao, đó là các vấn đề mà ngành chức năng huyện Lương Sơn và tỉnh Hòa Bình cần sớm làm rõ và có câu trả lời thỏa đáng trước dân.

“Nhà tôi có diện tích 5000m2 thuộc vùng dự án nhưng việc đền bù quá bèo bọt nên gia đình nhất quyết không di chuyển. Ở lại, họ không cho chuyển đổi cây trồng không có thu nhập nên rất vất vả. Đất thì có, vườn không cho làm, làm cái hố tiêu họ cũng lập biên bản. Trước đây, khi chưa làm dự án, chè, cây ăn quả tốt tươi thu nhập ổn định nay không thể sản xuất, con cái không có công ăn việc làm, tôi thì già cả không đi làm thuê được nên thiếu đói thường xuyên…”- bà Đỗ Thị Thơi, người dân thôn Lam Sơn bày tỏ.
Đức Sơn (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.