Trước tình trạng giá cát xây dựng leo thang xuất phát từ nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu đối với loại vật liệu xây dựng này đang ở đỉnh điểm trong mùa cao điểm xây dựng, giải ngân… Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lãnh đạo Sở vừa đưa ra giải pháp cụ thể, để giải quyết vướng mắc và ổn định giá cát xây dựng đang tăng vọt trên thị trường.
Tỉnh Quảng Ngãi đang gấp rút tìm giải pháp “hạ nhiệt” giá cát
Theo đó, cùng với đôn đốc các doanh nghiệp trúng đấu giá các mỏ cát, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục; đẩy nhanh thời gian thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt và cấp phép khai thác… Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đưa ra lộ trình dự kiến thực hiện.
Trong năm 2022, Quảng Ngãi đã tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò đối với 5 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Tổng diện tích là 7,78ha và tổng khối lượng cát dự báo là 9,7 triệu m3.
Ngoài ra, Sở TNMT đã trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác đối với 6 mỏ cát, tổng diện tích là 55,28ha và khối lượng cát dự báo là 4,1 triệu m3.
Trong tháng 4/2023, sẽ đưa 4 mỏ cát vào khai thác, kịp thời cung cấp cát cho thị trường hiện đang rất khan hiếm, nhất là phục vụ xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, đến hết tháng 5/2023, Sở TNMT sẽ trình UBND tỉnh xem xét, cấp phép khai thác thêm 4 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, có mỏ cát lớn nhất từ trước đến nay là mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi), với trữ lượng 3,5 triệu m3.
Sở Xây dựng cho biết, từ nay đến năm 2025, nhu cầu cát xây dựng nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng vào khoảng 1,3-1,7 triệu m3/năm. Còn nhu cầu cát phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam sẽ tăng thêm khoảng 1,1 triệu mét khối.
Tuy nhiên trên thực tế, nguồn cát hiện nay rất khan hiếm, cả tỉnh Quảng Ngãi chỉ còn 1 mỏ ở huyện Mộ Đức, với trữ lượng 59.000 m3. Thiếu cát trầm trọng đã dẫn đến khó khăn trong xây dựng, đồng thời là nguyên nhân xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra trên địa bàn tỉnh. Vì thế, cần phải khẩn trương đưa các mỏ cát trúng đấu giá vào khai thác.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong vòng 6 tháng sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp phải đưa vào khai thác mỏ cát. Doanh nghiệp phải cam kết, nếu quá trình khai thác để xảy ra sạt lở thì phải dừng khai thác vô điều kiện.
Ngoài ra, việc vận chuyển cát phải đảm bảo an toàn giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường; không được khai thác cát vào ban đêm. Tại nơi khai thác phải gắn camera, khi bán ra thị trường phải niêm yết công khai giá theo quy định.
-
Giải quyết tình trạng khan hiếm, đội giá cát xây dựng bằng cách nào?
Thiếu nguồn cát xây dựng đã khiến giá mặt hàng này tăng vọt, nhiều công trình bị ngưng trệ, có khả năng không đạt tiến độ đề ra... Trong bối cảnh đó, việc sử dụng cát biển thay thế là giải pháp cấp thiết lúc này.
-
Thủ tướng chỉ đạo nóng về vấn đề “sống còn” ảnh hưởng đến các dự án, công trình giao thông trọng điểm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao th...
-
Hơn 70% doanh nghiệp xây dựng không tiếp cận được các gói vay ưu đãi
Không có hợp đồng xây dựng mới và giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với việc khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng trong quý 4.2023....
-
Nhìn lại năm 2023: Giá vật liệu xây dựng vẫn tăng cao dù thị trường ảm đạm
Dù tình hình tiêu thụ ảm đạm nhưng thị trường vật liệu xây dựng với hàng trăm sản phẩm từ sắt thép, xi măng cho đến các loại vật liệu hoàn thiện vẫn chịu nhiều áp lực tăng giá trong năm 2023....