19/08/2015 10:02 AM
Ý tưởng xây 10 sân golf cần phải được đánh giá kĩ các tác động, đặc biệt là mục đích dành đất để đầu cơ dự án bất động sản.
Ý tưởng xây dựng 10 sân golf tại Quảng Bình với tổng số vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng mà lãnh đạo tỉnh này đưa ra mới đây đang làm nóng dư luận. Người thì cho rằng việc xây dựng sân golf là cần thiết đối với Quảng Bình – địa phương xác định du lịch là ngành mũi nhọn với lợi thế có quần thể hang động đa dạng và rộng lớn thuộc hàng tốp đầu trên thế giới. Song vẫn có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại bởi việc xây cùng lúc 10 sân golf là quá thừa và không cần thiết.
Không có dự án “đột phá” rất khó phát triển
Ông Lê Văn Phúc, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Bình khẳng định, dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển du lịch. Theo ông Phúc, nhà đầu tư chọn vùng cát ven biển từ huyện Quảng Ninh đến huyện Lệ Thủy để xây sân golf có nhiều thuận lợi, vì đây là vùng cát trắng hoang vu, rộng khoảng 3.000 ha hầu như không có đất sản xuất nông nghiệp. Người dân sinh sống ở vùng này hầu hết đang khó khăn về kinh tế. Vì vậy nếu nhà đầu tư xây dựng chuỗi sân golf ở đây thì người dân sẽ có việc làm, thu nhập, hạn chế được tình trạng cát bay, cát nhảy.
Quảng Bình đang có ý tưởng xây dựng 10 sân golf tvới tổng số vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho biết, các sân golf này chưa có trong quy hoạch phát triển sân golf quốc gia, đồng thời khẳng định Sở KH&ĐT sẽ quyết tâm thực hiện các trình tự thủ tục trình Chính phủ phê duyệt.
“Việc xây dựng sân golf phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư cũng như nằm trong quy hoạch của Chính phủ. Do vậy việc bổ sung quy hoạch sân golf sẽ do Sở KH&ĐT làm văn bản trình Thủ tướng. Sau khi có quy hoạch sẽ tiếp tục thực hiện các bước khác. Chủ trương đầu tư sẽ thực hiện theo Luật đầu tư”, ông Phúc khẳng định.
Còn theo ông Nguyễn Đình Phương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, do Quảng Bình xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên phải có hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch phong phú. Trong đó, sân golf vừa là hạ tầng, vừa là sản phẩm du lịch chất lượng cao. Ông Phương cho rằng, việc xây dựng tổ hợp sân golf không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cải tạo được vùng cát trắng Quảng Bình nhưng trước hết phải thực hiện nghiêm báo cáo đánh giá tác động môi trường.
“Nếu Quảng Bình có đề án và được Chính phủ duyệt thì phải đánh giá được những tác động của sân golf thật kỹ càng. Khi đã cân đối được việc đánh giá tác động và nguồn lợi thu được ở các sân Golf mới triển khai. Điều này đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo những vấn đề xã hội quan tâm lo lắng”, ông Phương chỉ rõ.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Trương An Ninh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, nói tỉnh nghèo chơi trội là hoàn toàn không đúng và hiểu sai bản chất của vấn đề. Với một địa phương có điểm xuất phát thấp như Quảng Bình không có những ý tưởng, hay dự án mang tính đột phá thì rất khó phát triển.
Cùng lúc xây 10 sân golf là phát triển quá nóng
Trái ngược với sự tự tin của lãnh đạo tỉnh về dự án xây tới 10 sân golf cùng lúc, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại: Ý tưởng hay và có tính đột phá là cần thiết để phát triển, nhưng đột phá phải có tính khả thi. Trong khi rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình cần được đầu tư nâng cấp, hướng tới sự chuyên nghiệp và tiện nghi; rồi cơ sở hạ tầng về giao thông, các dịch vụ khác chưa đồng bộ.
Đặc biệt, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại việc xây dựng một chuỗi 10 sân golf dọc bờ biển vốn đang còn sạch, đẹp sẽ ảnh hướng đến chất lượng nước ở các bãi tắm du lịch hoang sơ. Việc bảo dưỡng thảm cỏ của sân golf phải sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến môi trường cũng là mối quan tâm của người dân vùng dự án.
Ở góc độ kinh tế, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho rằng, việc xây dựng sân golf để thu hút khách du lịch cũng là bình thường nhưng mà xây dựng đến 10 sân golf thì cần thận trọng bởi khó có sự bùng nổ khách du lịch chất lượng cao. Vì vậy, theo TS. Trần Đình Thiên, nên có lộ trình cụ thể, thận trọng đối với môi trường.
“Tôi nghĩ là sân golf chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường, dù nói như thế nào thì sân golf phải sử dụng hóa chất, điều đó có tác động đến môi trường, ảnh hưởng rất lớn đối với vùng ven biển, ảnh hưởng đến đời sống của dân”, TS. Trần Đình Thiên cho biết.
Theo Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Khá (Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Trà Vinh), xây sân golf mục đích là kêu gọi doanh nghiệp, thu hút đầu tư, mặt khác nguồn thu thuế cũng khá lớn. Song golf thường dành cho người có tiền chứ không phải ai cũng chơi được. Với 10 sân golf như vậy, có sử dụng hết không hay sẽ gây lãng phí? Theo bà Nguyễn Thị Khá, tỉnh Quảng Bình cần tính kỹ giữa cái lợi và cái hại. Quảng Bình làm 1 - 2 sân golf thì được, còn 10 sân thì quá nhiều.
Việt Nam không thiếu sân golf, nhiều địa phương làm xong bị "ế".(Ảnh: KT)
Quan điểm của Đại biểu quốc hội Trần Du Lịch (Đoàn Đại biểu TP HCM) cho rằng, địa phương và nhà nước không nên làm thay nhà đầu tư, doanh nghiệp. Việc xây dựng bao nhiêu sân golf là hợp lý nhà đầu tư sẽ tính toán kỹ lưỡng, nếu có lợi, thấy nhu cầu đến đâu họ sẽ đề xuất xây dựng đầu tư đến đó. Còn về mặt quản lý nhà nước, địa phương cần xem xét kỹ xem dự án có phù hợp với quy hoạch hay không; đảm bảo điều kiện môi trường ra sao.
Theo tỉnh Quảng Bình, dự án 10 sân golf sẽ sử dụng hơn 1.000 ha đất ven biển. Đây là đất cát, hoang hóa không sử dụng được cho nông nghiệp nên chuyển sang đầu tư sân golf là hợp lý. Tuy vậy, rất nhiều ý kiến lo ngại việc xây dựng một chuỗi 10 sân golf dọc bờ biển vốn đang còn sạch, đẹp sẽ ảnh hướng đến chất lượng nước ở các bãi tắm du lịch hoang sơ.
Bài học Khánh Hòa là một ví dụ: Phát triển quá nóng về hạ tầng du lịch ven bãi biển khiến cho bãi biển chung của người dân giờ đây bị băm nhỏ cho các nhà đầu tư xây các nhà cao tầng chắn hướng gió biển và chắn khắp lối ra biển của người dân và du khách.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, phải xem xét đề xuất của Quảng Bình. “Cần kiểm soát chặt việc xin đất làm sân golf, tránh đến lúc không hiệu quả lại chuyển sang khu đô thị, resort…”. Chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam – ông Trần Ngọc Hùng cũng có cùng ý kiến này khi cho rằng, tỉnh Quảng Bình phải đưa ra quy định rất cụ thể, buộc nhà đầu tư phải cam kết không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ dự án sân golf sang kinh doanh bất động sản hay vì mục đích khác, xin điều chỉnh quy hoạch để dành đất để đầu cơ.
Nhiều địa phương làm xong sân golf bị "ế"
Hẳn mọi người vẫn còn nhớ, vào những năm 2008 - 2011, xu hướng phát triển nóng sân golf diễn ra ở hầu khắp các địa phương từ Bắc vào Nam như: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đăk Lăk, Long An...
Trước những ý kiến phản biện của người dân, các nhà khoa học và báo chí về những hệ lụy đã và sẽ không thể tránh khỏi của sân golf, cuối năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải cắt giảm đến 76 dự án do chính quyền các địa phương trình đề nghị bổ sung cho quy hoạch sân golf đến năm 2020. Đến lúc đó, số lượng dự án sân golf đã là 90.
Một cuộc kiểm tra của Bộ KH&ĐT năm 2011 cũng đã kết luận, có đến 69 dự án - chiếm tỷ lệ khoảng 70% số dự án - nghiêng về kinh doanh bất động sản thay vì mục tiêu ban đầu là kinh doanh sân golf.
Thực tế phát triển sân golf trong giai đoạn thị trường bất động sản phát triển nóng cho thấy, không ít chủ đầu tư lợi dụng “sân golf” để mở rộng khu bất động sản cao cấp và bán biệt thự lấy tiền bù chi phí, còn sân thì không thấy đâu. Và khi quả bóng bất động sản bị vỡ, nhiều dự án dang dở; đất bị chiếm dụng bỏ hoang; cả xã hội đọng nguồn vốn hàng chục nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế mà tới giờ chúng ta vẫn đang phải khắc phục.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, quy hoạch sân golf của Thủ tướng đến năm 2020 cả nước chỉ còn 90 sân golf nằm trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố, gắn với các vùng, địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ. Trong quy hoạch này Thủ tướng đã loại 9 dự án và bổ sung thêm 11 dự án. Trong số 11 sân golf được đề nghị bổ sung vào quy hoạch, không có tên tỉnh Quảng Bình.
Do đó cần hiểu rằng, hiện nay Việt Nam không thiếu sân golf, nhiều địa phương làm xong bị "ế". Huế, Đà Nẵng được xem là thành phố du lịch, thu hút rất nhiều du khách nước ngoài tới thăm quan nhưng cũng chưa đủ dũng cảm xây dựng. Hơn lúc nào hết, tỉnh Quảng Bình cũng nên cân nhắc về dự án 10 sân golf với hơn 1.000 ha đất ven biển./.
  • Quảng Bình vẫn cho xây 10 sân golf

    Quảng Bình vẫn cho xây 10 sân golf

    Bất chấp sự băn khoăn của giới truyền thông và các nhà chuyên môn những ngày qua, ngày 14-8, tại hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Bình 2015, lãnh đạo tỉnh này đã đồng ý cho Công ty CP Tập đoàn FLC xây dựng tổ hợp 10 sân golf trải dài trên diện tích 2.000 ha với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng.

  • "Việc xây dựng 10 sân golf ở Quảng Bình chỉ là ý tưởng của FLC"

    "Việc xây dựng 10 sân golf ở Quảng Bình chỉ là ý tưởng của FLC"

    Chánh Văn phòng UBND Quảng Bình cho biết đến thời điểm này, việc xây dựng 10 sân golf tại Quảng Bình mới chỉ là ý tưởng của Tập đoàn FLC khi tham gia khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở địa phương.

Thanh Trường (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.