04/08/2015 3:01 PM
Quản lý chung cư, một vấn đề “nhạy cảm” của thị trường bất động sản, rất dễ bùng phát tranh chấp. Vì thế, trong quá trình Bộ Xây dựng lấy ý kiến để có một “quy định khung” về quy chế quản lý và sử dụng chung cư, phía doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản đã có nhiều ý kiến trái chiều. Đầu tư Bất động sản ghi nhận một số ý kiến của các chủ đầu tư liên quan về vấn đề này.

Nóng nhất là phí bảo trì và sở hữu chung - riêng

Ông Trần Kiên Cường, Tổng giám đốc Golden Gain, chủ đầu tư Dự án Mandarin Garden

Tôi đã đọc khá kỹ bản dự thảo quy chế quản lý và sử dụng chung cư. Tôi cho rằng, trong quản lý chung cư hiện nay nóng nhất vấn đề quỹ bảo trì và vấn đề sở hữu chung - riêng, bởi những vấn đề này rất dễ phát sinh tranh chấp. Hiện Luật mới đã có, nhưng nghị định hướng dẫn chi tiết thì chưa.

Song theo tôi, Luật mới không gây khó khăn hay gây vướng gì cho doanh nghiệp. Việc quản lý và sử dụng, vai trò của chủ đầu tư còn tùy thuộc vào từng tòa chung cư. Chẳng hạn, chung cư đã bán rồi, chuyện sở hữu chung - riêng ra sao cần tách bạch là được.

Tuy nhiên, có một thực tế rất nguy hiểm hiện nay là nhiều chủ đầu tư vẫn nghĩ bán hàng xong là xong, mà không hề nghĩ đến việc bảo vệ uy tín, thương hiệu. Chính vì thế, mới có chuyện một số chủ đầu tư sau khi thu quỹ bảo trì lại đem tiền đi làm việc khác. Câu chuyện của chủ Dự án Keangnam tại Hà Nội là một ví dụ điển hình.

Hiện nay, tại nhiều khu chung cư, Ban quản trị chung cư đã đại diện đứng ra thuê đơn vị quản lý, trong khi một số dự án, cư dân họ tự lo liệu, tổ chức việc này. Tuy nhiên, đó là những trường hợp cực chẳng đã. Tôi cho rằng, cư dân của hầu hết các dự án chung cư đều muốn chủ đầu tư đứng ra quản lý chung cư, nếu chủ đầu tư uy tín và đưa ra một mức phí hợp lý. Bởi nếu có vấn đề gì, người dân còn có cửa để gõ…

Phải thống nhất được quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GPInvest

Tôi cho rằng, không phải những quan điểm nào, cách nhìn nào về việc quản lý chung cư của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đưa ra cũng phù hợp với thực tế. Bởi việc quản lý, sử dụng nhà chung cư hiện đang diễn ra muôn hình muôn dạng ở mỗi dự án.

Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp và thực tế khách quan chung của thị trường, chứ không phải không quan tâm tới người mua nhà, chúng tôi đã có một số góp ý đối với Dự thảo quy chế quản lý và sử dụng chung cư.

Chẳng hạn, chúng tôi đã kiến nghị sửa đổi hoặc bổ sung với hàng loạt, điều, mục liên quan đến diện tích chung, riêng; tư cách người tham gia thành viên Ban quản trị chung cư, việc đóng phí và quản lý, sử dụng quỹ bảo trì… Chỉ khi thống nhất được quan điểm của đa dạng các thành viên thị trường và các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng chung cư thì quy định mới có thể đi vào thực tế cuộc sống. Bởi đó đều là quyền lợi thiết thân với mỗi người dân sống ở chung cư cũng như uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư.

Với những kiến nghị sửa đổi, bổ sung này, tôi mong muốn sẽ có một quy chế sử dụng, quản lý chung cư rõ ràng, minh bạch hơn, để tránh xảy ra những tranh chấp có thể xảy ra sau này.

Nhiều Ban quản trị có tư tưởng xưng hùng, xưng bá

Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT CTCP Constrexim HOD

Nhiều chủ đầu tư cho rằng, căn văn bản, dự thảo văn bản về chính sách mới với thị trường bất động sản có nhiều điểm đá nhau, nhiều quy định không phù hợp thông lệ đầu tư các tòa nhà lớn, vô tình tước đi quyền hạn của chủ đầu tư.

Đối với Dự thảo Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư hiện nay cũng còn nhiều điều bất cập, nhiều quan điểm gây tranh cãi. Là nhà phát triển bất động sản, tôi cho rằng, doanh nghiệp địa ốc, nếu thực sự muốn “ở lại” thị trường lâu dài, họ sẽ rất coi trọng đến chuyện bảo vệ thương hiệu tại các dự án đã hoàn thành. Bởi với doanh nghiệp, bán xong nhà không phải đã khép lại một chu trình, mà tên tuổi của doanh nghiệp vẫn còn gắn với dự án ấy và họ còn những tài sản gắn với dự án ấy.

Thế nhưng, với quy định giao quá nhiều quyền cho Ban quản trị của cư dân lập ra, tôi cho rằng, hoạt động quản lý nhiều tòa nhà sẽ rất bất ổn, khi những người được bầu ra có tư tưởng tư lợi, bởi không có một chế tài nào xử lý họ khi sai phạm xảy ra. Trên thực tế, chuyện này đã xảy ra tại một số khu chung cư. Không ít người trong Ban quản trị tòa nhà có tư tưởng xưng hùng xưng bá, gây khó khăn, yêu sách trong quản lý, trong khi doanh nghiệp đầu tư cả nghìn tỷ phát triển dự án nhiều khi lại bị bỏ ra ngoài cuộc.

Tôi cho rằng, nếu Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư không có sự điều chỉnh thì những bất cập trong quản lý sử dụng nhà chung cư không những không bị triệt tiêu, mà sẽ còn tiếp tục nảy sinh.

Trọng Tuyến (ĐTBĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.