Cơ sở kinh doanh của Cty Hiếu Ngọc. Ảnh: Văn Lưu
Giao đất không làm, không giao đất vẫn cứ làm
Công trình bia tưởng niệm chiến thắng đường 19 do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, xây dựng tại thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận. Ngày 2.7.2010, UBND tỉnh Bình Định ban hành công văn 2230/UBND-NĐ chấp thuận đầu tư và giới thiệu địa điểm. Chủ đầu tư được yêu cầu lập thủ tục trình UBND tỉnh ra quyết định giao đất. Yêu cầu trên cuối cùng đã không được thực hiện. Không có quyết định giao đất, nhà bia vẫn được tổ chức thi công. Năm 2011, công trình hoàn thành, đưa vào khai thác với diện tích 1.470,87m2. Kiểu “ăn cơm không cần… kẻng” ấy còn tái diễn với hàng loạt công trình khác: Bãi chứa chất thải bùn đất ở thôn Phú An, xã Tây Xuân, diện tích 2.500m2 do Ban Quản lý cấp thoát nước Tây Sơn làm chủ đầu tư; Trạm Y tế xã Tây Giang 1.709m2, UBND xã Tây Giang làm chủ đầu tư…
Ngược lại, nhiều dự án, công trình có quyết định giao đất song vẫn cứ “phơi gan cùng tuế nguyệt”, gây lãng phí trầm trọng và làm xáo trộn quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai. Năm 2011, DNTN Thương mại Ba Đàm được tỉnh cho thuê 3.209,1m2 đất ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường. Theo hồ sơ, khu đất trên được sử dụng xây cửa hàng bán lẻ xăng dầu Hòa Hiệp. Dẫu vậy, sau khi san ủi mặt bằng, Ba Đàm đã “án binh bất động”. Cũng năm 2011, Cty CP Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh được UBND tỉnh Bình Định cho thuê 378.277,5m2 ở Bình Nghi và Tây Xuân. Dự án, theo tiến độ, phải hoàn thành, đưa vào sử dụng sau quý IV/2013. Cho đến nay, Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh vẫn chưa hoàn thành san lấp mặt bằng, chưa xây dựng cơ sở hạ tầng mà thời hạn ghi trong giấy phép đầu tư thì đã hết. Tại Bình Tân, 103.178,3m2 đất được giao cho UBND xã làm điểm chăn nuôi tập trung. Rốt cuộc, chỉ có 1 gia đình đăng ký thuê 27.000m2 xây dựng khu chuồng trại không đảm bảo vệ sinh môi trường. Đã quá thời hạn triển khai dự án theo quy định pháp luật, UBND xã Bình Tân vẫn chưa xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích đất được giao. Một dẫn chứng khác là vụ “trùm mền” của dự án xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu của Cty CP Long Hải Bình Định, trên khu đất rộng đến 82.996,5m2. Theo kết luận của Thanh tra Bình Định, việc “vung vãi” hàng trăm ngàn mét vuông đất đã có kế hoạch sử dụng, ngoài trách nhiệm các cơ quan chức năng ở Tây Sơn, còn có vai trò quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh.
Lấn chiếm vô tư, thấy sai không xử
Năm 2012, Cty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hoàng Mai thuê 38.381,3m2 đất để xây nhà máy chế biến ván gỗ ghép xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Trong quá trình sử dụng, ngoài diện tích đất được thuê, Hoàng Mai lấn chiếm thêm 11.320m2, gồm cả đất quy hoạch đường giao thông nội bộ (8.596m2) lẫn đất nông nghiệp đã được đền bù, giải phóng mặt bằng (2.513m2) và đất chưa sử dụng do UBND xã Bình Nghi quản lý (373m2). Điều đáng nói là hành vi bao chiếm đất công của Hoàng Mai diễn ra một cách công khai, lộ liễu ngay mặt tiền quốc lộ 19. Trên diện tích lấn chiếm, doanh nghiệp dồn dập cho xây dựng nhiều hạng mục “hoành tráng” như tường rào, cổng ngõ dài 68,5m, nhà làm việc 279m2, nhà bảo vệ 25m2, nhà cân 25m2, trạm cân xe 40m2.
Đáng kinh ngạc nhất, là sự im lặng khó hiểu của Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn trước sai phạm của Cty TNHH xây dựng Hiếu Ngọc. Hiếu Ngọc được cấp quyền sử dụng 4.543m2 đất ở thôn Phú An, xã Tây Xuân hồi tháng 7.2004 để xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Năm 2009, Cty tự ý lấn chiếm 7.103,7m2 nhằm mở rộng cơ ngơi. Hành vi trên bị chính quyền xã Tây Xuân phát hiện, lập biên bản và kiến nghị UBND huyện xử phạt hành chính, ngày 21.1.2009. Huyện Tây Sơn sau đó có chỉ đạo kiểm tra, nhưng ngày 19.3.2009, khi Phòng Tài nguyên - Môi trường gửi báo cáo, kiến nghị xử phạt hành vi vi phạm hành chính và thu hồi toàn bộ diện tích lấn chiếm, thì chủ tịch UBND huyện đã… làm ngơ! Năm 2012, thêm lần nữa, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường kết luận Hiếu Ngọc lấn chiếm 5.000m2 đất mở rộng cửa hàng xăng dầu, làm bãi đậu xe, xưởng cơ khí và trồng cây cảnh. Từ kiến nghị của Sở Tài nguyên - Môi trường, ngày 6.9.2012, UBND tỉnh Bình Định ra văn bản chỉ đạo UBND huyện Tây Sơn chấn chỉnh, báo cáo kết quả... Song, việc chế tài đối với sai phạm của Hiếu Ngọc đến nay là “vô kế khả thi”. Lý do: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết! Hiện cơ quan chức năng của Bình Định đang kiến nghị xử lý theo hướng lập thủ tục cho Hiếu Ngọc thuê lại phần diện tích bị lấn chiếm (?).