“Chúng tôi đang phải đối diện với câu chuyện đáng buồn khi đặt bút ký về vấn đề gì đó, rất suy nghĩ”.

Ảnh minh hoạ

Đó là một trong những ý được bà Lê Anh Thư, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Hà Nội, chia sẻ tại buổi hội thảo hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày 21.12.

Bà Thư cho biết quản lý đất đai tại Sở TN&MT không chỉ bằng văn bản, có khi phải mời cả chuyên gia về trực tiếp làm việc trong từng trường hợp cụ thể cần phải tháo gỡ, bởi có những trường hợp buộc phải giải quyết theo tình thế, cơ chế đặc thù chung.

Tuy nhiên, cơ chế đặc thù có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho một tình huống nào đó nhưng lại gây nguy hiểm cho người lãnh đạo quản lý.

“Chúng tôi đang phải đối diện với câu chuyện đáng buồn, khi đặt bút ký về vấn đề gì đó. Trước nhiệm vụ của mình, lãnh đạo làm việc phải rất dũng cảm... Lãnh đạo đặt bút ký phải tin tưởng vào cấp dưới của mình. Nhưng thời gian qua, có rất nhiều trường hợp lãnh đạo phải đối diện với nhiều câu chuyện đáng buồn”, bà Thư cho biết và mong sự thông cảm, thấu hiểu của các cơ quan ban ngành, nhất là các cơ quan kiểm toán, thanh tra Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm giám sát.

Bà cũng kiến nghị Quốc hội xem xét sửa Luật Nhà ở đảm bảo có sự thống nhất về đối tượng, dự án thực hiện quy định trong các điều của Luật Đất đai và với Luật Đầu tư, Đấu thầu, Nhà ở để trong quá trình thực hiện không có nhiều cách hiểu khác nhau.

Đồng thời, sửa đổi Luật Đất đai, bổ sung quy định chế tài thực hiện đối với diện tích còn lại không có khả năng thực hiện việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng…

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng KTNN, đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia, là nguồn lực quý giá nếu được quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn hạn chế, văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất. Đáng lưu ý, chất lượng quy hoạch còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững.

Việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa tuân thủ các quy định…

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trong công tác quản lý sử dụng đất đang có những lỗ hổng, thậm chí là lỗ hổng rất lớn, dẫn đến sai phạm trong lĩnh vực này trở nên phổ biến, ngày càng tăng và mức độ, quy mô càng lớn, tranh chấp liên quan đến đất đai nhiều năm liền chiếm tỷ lệ đa số.

“Nếu như rà soát toàn bộ quá trình từ quản lý đến sử dụng đất đai gần như nhìn vào khâu nào, lĩnh vực nào cũng thấy lỗ hổng, sai phạm. Từ khâu quy hoạch cho đến vấn đề giao đất có thu tiền sử dụng cho đến vấn đề đấu giá đất. Vấn đề định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính với đất đai cũng đều thấy rất nhiều lỗ hổng và sai phạm”, ông Ánh nhận xét.

Chủ đề: Bất động sản 2022,
Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.