Dự án khu nhà ở Gia Quất – Thượng Thanh (thuộc phường Thượng Thanh, Long Biên) được UBND TP cho phép triển khai thực hiện theo phương thức doanh nghiệp (DN) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ dân. Thế nhưng, UBND quận Long Biên lại “sốt sắng” ra quyết định thu hồi đất cho DN.

Lô đất xen kẹt mặt phố của người dân Thượng Thanh bị UBND quận đe cưỡng chế cho doanh nghiệp.

Ngâm đất xen kẹt… làm dự án

Dự án khu nhà ở Gia Quất – Thượng Thanh do Cty CP BIC Việt Nam (Cty BIC) đề xuất thực hiện có quy mô trên 10.000m2 đất, trong đó UBND thành phố xác định có 5.233m2 đất của các hộ gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).
Theo các hộ dân ở tổ dân phố số 14 phường Thượng Thanh, những mảnh đất của họ là đất nông nghiệp xen kẹt nằm trong
khu dân cư. Ông Nguyễn Văn Kế cho biết: “Năm 2009, khi thành phố ban hành quyết định cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp xen kẹt thành đất thổ cư, người dân đã nhiều lần đề nghị được đóng tiền sử dụng đất để chuyển đổi, nhưng câu trả lời của chính quyền quận là: “Chưa giải quyết””. Còn bác Vũ Đình Toàn khẳng định: “UBND quận Long Biên trây ỳ quyền lợi của người dân, nhưng lại “sốt sắng” vì lợi ích của DN. Thành phố cho phép Cty BIC làm dự án theo phương thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của chúng tôi, tức là Cty BIC phải thương lượng với chúng tôi mua lại quyền sử dụng đất, chứ không thể dùng chính quyền quận ép chúng tôi”.
Theo phản ánh của người dân, những lô đất của họ đủ điều kiện để chuyển đổi thành đất thổ cư nên có giá trị chuyển nhượng từ 40 – 60 triệu đồng/m2, thế nhưng Cty BIC chỉ ép giá 252.000 đồng/m2 đất nông nghiệp.
Ra tay… bất chấp pháp luật
Theo CV số 9491/UBND-KH&ĐT ngày 22.11.2010 của UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương lập Dự án khu nhà ở Gia Quất – Thượng Thanh theo phương thức tự thỏa thuận với người sử dụng đất, UBND quận Long Biên được giao “chủ trì phối hợp với Sở TNMT kiểm tra việc thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Cty BIC và các hộ dân có đất trong phạm vi dự án”.
Thế nhưng, theo người dân thì Cty BIC chưa bao giờ “thỏa thuận” giá cả với họ. Còn theo hồ sơ giải phóng mặt bằng dự án mà PV Báo Lao Động thu thập được thì UBND quận Long Biên cũng chưa bao giờ thực hiện vai trò được giao là “chủ trì”, “kiểm tra” việc thực hiện chuyển nhượng giữa Cty BIC và người dân. Thay vào đó, UBND quận Long Biên ban hành hàng loạt văn bản theo quy trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư và... cưỡng chế giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, tại “Kế hoạch giải phóng mặt bằng thực hiện dự án khu nhà ở Dung Quất, phường Thượng Thanh” (số 253/KH-UBND ngày 16.5.2011 do ông Đỗ Huy Chiến ký) không hề đả động một dòng nào đến “thỏa thuận chuyển nhượng”. UBND phường Thượng Thanh được ông Chiến giao: “Tuyên truyền vận động người bị thu hồi đất chấp hành chủ trương thu hồi đất...”; đối với Tổ công tác GPMB phường thì: “Niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...”; đối với chủ đầu tư – Cty BIC - thì được quyền: “Lập và trình UBND quận phê duyệt dự toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...”...
Trước việc “đi đêm” của lãnh đạo quận Long Biên với DN, người dân hết sức bức xúc và gửi đơn kêu cứu đi nhiều nơi. Ngày 16.10.2013, Thanh tra Bộ TNMT đã có CV (số 298/TTr-TDXLĐT) đề nghị Cty BIC thực hiện đúng ý kiến của UBND TP.Hà Nội trong việc thỏa thuận chuyển nhượng với người dân. Ngày 9.12.2013, Văn phòng Chính phủ có CV số 10395/VPCP-V.I chuyển đơn khiếu nại của người dân phường Thượng Thanh đến UBND TP.Hà Nội “kiểm tra, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả giải quyết”.
Thế nhưng cũng giống như sai phạm trong Dự án cải tạo nút giao thông Nguyễn Sơn – Nguyễn Văn Cừ (trong lúc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo, chính quyền quận đã nhanh tay tổ chức cưỡng chế trái pháp luật - xem bài “Quận “ra tay” xóa dấu vết?” trên báo Lao Động số 247/2013 ra ngày 25.10), ngày 11.12.2013, ông Đỗ Huy Chiến – Phó Chủ tịch UBND quận - ký hàng loạt quyết định “về việc cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất” để giải phóng mặt bằng cho Dự án khu nhà ở Gia Quất – Thượng Thanh, các hộ dân có “thời hạn 15 ngày kể từ ngày được giao quyết định và chịu chi phí phục vụ cho công tác cưỡng chế”.
Để kết thúc loạt bài này, chúng tôi xin nhắc lại tâm nguyện của người dân Thượng Thanh: “Lòng tin của chúng tôi vào một Nhà nước pháp quyền XHCN đang bị UBND quận Long Biên xúc phạm một cách nghiêm trọng”. Luật Đất đai 2003 cũng vừa được Quốc hội sửa đổi, thế nhưng tinh thần thượng tôn pháp luật, kỷ luật công vụ không được siết chặt thì liệu có chấm dứt được những khiếu nại của người dân bị thu hồi đất trái pháp luật?.

“Nhà nước không thực hiện việc thu hồi đất trong trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất” (trích khoản 6 Điều 36 Thu hồi đất và quản lý quỹ đất đã thu hồi. Nghị định của Chính phủ số 181/2004/NĐ-CP ngày 29.10.2004)

Đỗ Văn (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.