Dự án nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 22/9/2022. Hình thức dự án là đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh, thời gian 3 năm, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng.
Đây là dự án điện rác đầu tiên của tỉnh Đồng Nai nhằm giảm chôn lấp rác, giảm khí thải nhà kính và bổ sung điện tái tạo. Dự án gồm 2 giai đoạn với tổng công suất xử lý rác 1.200 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 30 MW.
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện. Ảnh minh họa
Tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai mới đây, Giám đốc Ban Quản lý dự án Công ty CP Le Delta Hoàng Tuấn Anh cho biết, đơn vị đã hoàn thành khảo sát địa hình, địa chất khu vực nhà máy và tuyến đường dây truyền tải điện.
Huyện Vĩnh Cửu đã hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch xây dựng trình Sở Xây dựng lấy ý kiến thành viên hội đồng. Hồ sơ đánh giá tác động môi trường đã nộp Bộ Tài nguyên và Môi trường. Song, vướng mắc là huyện Vĩnh Cửu chưa được ứng vốn để thực hiện lập hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng nên chưa ký hợp đồng với đơn vị tư vấn. Ranh giới dự án lập báo cáo khả thi lệch so với ranh giới trước đây.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, dự án đầu tư theo phương thức PPP thì báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được duyệt trước khi phê duyệt báo cáo khả thi. Trong khi đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cuối tháng 3/2024 mới hoàn chỉnh để trình lại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nếu hồ sơ chỉnh sửa đạt yêu cầu, cần thêm thời gian thẩm định và phê duyệt tối đa là 65 ngày.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, để có báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án này, cần thực hiện 2 đầu việc: lập hồ sơ quy hoạch chi tiết và lập hồ sơ dự án.
Về hồ sơ quy hoạch chi tiết, hiện mới thực hiện được 2/7 nhiệm vụ. 5 nhiệm vụ còn lại phải đến ngày 28/6/2024 mới hoàn thành. Các nhiệm vụ gồm: phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/500; lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500; lấy ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án quy hoạch chi tiết 1/500; hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến thẩm định; trình thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500.
Tương tự, lập hồ sơ dự án cũng có 7 nhiệm vụ, trong đó các nhiệm vụ chưa triển khai gồm: thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định công nghệ dự án, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt; công bố thông tin dự án. Thời gian nhanh nhất là ngày 22/8/2024.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho rằng tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đang rất chậm. Đơn vị tư vấn cần tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh để hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai giao Sở Kế hoạch và đầu tư hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện dự án trình UBND tỉnh ký ban hành, cùng với đó, phải ký lại thỏa thuận với đơn vị tư vấn. Sở Xây dựng thẩm định và tham mưu tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/500 làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
“Các sở, ngành, địa phương phải xem xét nội dung nào thuộc thẩm quyền của tỉnh. Nếu có thể rút ngắn được thì rút bớt thời gian để sớm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Trước đó, tháng 5/2023, UBND tỉnh Đồng Nai cùng đơn vị tư vấn là liên danh Công ty CP Thương mại và Đầu tư công nghệ ECOTECH Việt Nam và Công ty CP Le Delta đã ký thỏa thuận lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện rác Vĩnh Tân.
Văn bản thỏa thuận yêu cầu đơn vị tư vấn thực hiện lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và các thủ tục khác có liên quan trong 6 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo chất lượng, không được phê duyệt hoặc kéo dài thời gian quá 6 tháng, đơn vị tư vấn chịu hoàn toàn trách nhiệm chi phí và không được tiếp tục lập hồ sơ dự án.
Tới tháng 11/2023, hết thời hạn, đơn vị tư vấn đã báo cáo các khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị và được tỉnh Đồng Nai cho gia hạn 2 tháng.
-
Tiến độ mới nhất dự án nhà máy đốt rác phát điện hơn 2.200 tỷ đồng tại Đồng Nai
Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có công suất xử lý 1.200 tấn rác mỗi ngày, tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.
-
Nhu cầu nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận lên tới hàng nghìn người
Việt Nam cần khoảng 2.400 nhân lực trong trường hợp tái triển khai 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
-
Quảng Ninh, Lâm Đồng, Thái Nguyên và nhiều địa phương đề nghị bổ sung công suất điện tái tạo vào quy hoạch
Các tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang, Lâm Đồng, Thái Nguyên... kiến nghị được nâng công suất điện gió, điện rác, điện mặt trời khi thực hiện điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII.
-
Nga sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Đại sứ Nga tại Việt Nam khẳng định với năng lực hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hạt nhân, Nga luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam phát triển năng lượng hạt nhân.