10/02/2025 6:50 PM
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh (REE), việc khó khăn nhất hiện nay là quy trình cấp phép. REE có dự án xử lý rác, tận dụng nhiệt để phát điện ở một số địa phương, nhưng 3 năm vẫn chưa thông qua được.

Ngày 10/2, Hội nghị Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, được tổ chức với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn hàng đầu Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh (REE) nhận định cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi trước vận hội mới của đất nước. Việt Nam đang có đủ điều kiện về chính trị xã hội cũng như phát triển kinh tế để bước vào một giai đoạn mới, điều này khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp rất nhiều.

Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố rằng GDP năm 2025 sẽ đạt thấp nhất là 8%, sau đó sẽ phát triển lên 2 con số. Cứ 1% GDP tăng trưởng thì cần có 1,2-1,5% tăng trưởng về công suất điện. Hiện những lĩnh vực mới như Data Center, xe điện, tàu điện đều cần rất nhiều điện mặc dù có nhiều giải pháp để tiết kiệm điện, đó là ESG-công thức mà tất cả các doanh nghiệp đều rất quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh (REE) phát biểu. Ảnh VGP

Hiện Việt Nam đã có chương trình điện hạt nhân để chạy nền thay cho điện than, điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhưng năng lượng tái tạo phải góp phần quan trọng để chúng ta đạt Net Zero vào năm 2050.

Vì vậy, lãnh đạo REE đề xuất phát triển không hạn chế điện gió gần bờ, điện mặt trời trên hồ trong quy hoạch điều chỉnh điện VIII. Bên cạnh đó cơ chế PPA, đặc biệt DPPA cần phải được hoàn thiện cũng như chính sách giá điện mới.

Đồng thời, bà Thanh đề nghị ban hành giá điện cho từng loại hình năng lượng và không cần đàm phán mất nhiều thời gian mà chưa chắc đưa ra được quyết định về giá.

Theo bà Thanh, trên một địa bàn mỗi doanh nghiệp đầu tư có cách và công nghệ khác nhau và suất đầu tư khác nhau. Không để trên một địa bàn mà trên suất đầu tư đó lại có giá điện khác nhau.

“Việc khó khăn nhất hiện nay là quy trình cấp phép. Ở địa bàn Trà Vinh và TP.HCM, REE có dự án xử lý rác, tận dụng nhiệt để phát điện, nhưng 3 năm vẫn chưa thông qua được. Việc chậm cấp phép cản trở việc phát triển kinh tế rất lớn", bà Thanh bày tỏ.

Tại hội nghị, ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn T&T Group cũng thông tin Tập đoàn T&T đã đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, tập đoàn đã đầu tư, hòa vào lưới điện và hiện nay có một số dự án đang đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời, tập đoàn đã đầu tư, hoàn thành hơn 1.000 MW. Hiện nay, T&T đang tiếp tục đầu tư 2 dự án điện khí, công suất là 3.000 MW.

Tập đoàn T&T cũng đã mua một dự án điện gió tại Lào, công suất hơn 300 MW, hiện nay đang thi công ở Lào. Tổng giá trị dự án đầu tư tại Lào là hơn 600 triệu USD.

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đang đầu tư vào các dự án điện sinh khối, xử lý rác thải, điện rác... tại một số tỉnh. Hiện nay chúng tôi cũng đang hợp tác với tập đoàn SK (Hàn Quốc), để đầu tư tổ hợp khí sản xuất hydrogen xanh và thu hồi khí thải carbon.

Chủ đề: Điện tái tạo
Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.