Mức trần phí dịch vụ chung cư trên địa bàn Hà Nội đã được ban hành và có hiệu lực từ tháng 9.2011, tưởng rằng sẽ hết cảnh mạnh ai nấy thu. Thế nhưng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay nhiều khu chung cư bỗng dưng lại có sự điều chỉnh mức phí dịch vụ cao hơn khiến người dân bức xúc.

Giàu, nghèo cùng “khóc”


Theo quyết định số 4520/QĐ-UBND ngày 29.9.2011 của UBND TP Hà Nội quy định cụ thể về mức trần phí dịch vụ chung cư. Cụ thể, mức cao nhất là 4.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 2.400 đồng/m2/tháng và một mức khác là 3.100 đồng/m2/tháng, mức giá dịch vụ tương ứng với dạng nhà chung cư, loại dịch vụ và thành phần công việc. Song, thành phố cho phép các chủ đầu tư tự đưa ra mức phí riêng, trên cơ sở thỏa thuận với các hộ dân và tùy theo tình hình của từng khu mà tăng hợp lý.


Quy định là vậy, nhưng cho đến nay vấn đề thu phí này tại nhiều khu chung cư Hà Nội vẫn chưa thể có tiếng nói chung giữa chủ đầu tư và người dân. Bởi lẽ, chủ đầu tư đơn phương quy định mức giá sẽ thu, còn người dân thì phản đối với nhiều lý do.


Theo khảo sát của PV, ngay cùng một huyện Từ Liêm nhưng tại khu đô thị Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2 lại có sự chênh lệch về giá dịch vụ khiến người dân bức xúc bởi chất lượng những tòa chung cư đó là tương đương nhau.


Ông Nguyễn Đình Vinh, Tổ trưởng tổ dân phố số 2, Mỹ Đình 1 cho biết: năm 2011, các hộ dân tòa nhà đang đóng mức phí dịch vụ là 70.000 đồng/tháng, thế nhưng sang năm 2012, tự nhiên mức phí được đơn vị quản lý nhà là Cty Quản lý Nhà và dịch vụ đô thị áp dụng mức giá 2.400 đồng/m2. Với giá này thì căn hộ có diện tích rộng nhất phải đóng hơn 280.000 đồng/tháng và căn diện tích nhỏ nhất cũng phải đóng trên 180.000 đồng/tháng.


Ông Vinh cho rằng, mức giá này so với năm trước tăng tới 3-4 lần, trong khi chất lượng không tăng là bất hợp lý. “Chúng tôi đã phải họp bà con tòa nhà lấy ý kiến và cùng làm đơn kiến nghị tới đơn vị quản lý, mới đây họ đã phải giảm giá xuống mức 100.000 đồng/tháng/căn hộ, tức là cao hơn trước 30.000 đồng/tháng”, ông Vinh cho biết thêm.


Song, với mức giá 100.000 đồng/tháng, nhiều người dân tòa nhà B5 cho rằng vẫn còn cao so với mặt bằng chung của các tòa chung cư khác trên cùng địa bàn.


Cụ thể, khu đô thị Mỹ Đình 2 do Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam (HUD) làm chủ đầu tư, trước đây cũng thu 70.000 đồng/tháng mỗi căn hộ và sang năm 2012 cũng chỉ thu tăng lên mức 90.000 đồng/tháng/hộ. Cùng thuộc huyện Từ Liêm và cách nhau chỉ vài trăm mét nhưng chung cư An Lạc chỉ áp dụng giá mới là 60.000 đồng/tháng/hộ, tăng thêm 15.000 đồng/tháng.


Cuộc đấu tranh về đóng mức phí dịch vụ của cư dân ở chung cư cao cấp Keangnam, đường Phạm Hùng chưa đến hồi kết thì mới đây, chủ đầu tư là Cty TNHH Một thành viên Keangnam Vina lại “ép” người mua nhà phải nộp giấy xác nhận tất toán phí quản lý đi kèm trong bộ hồ sơ làm giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ.


Tuy nhiên, khi các hộ dân liên hệ với đơn vị quản lý tòa nhà để xin giấy xác nhận tất toán phí quản lý thì được trả lời là nếu mới tạm nộp phí quản lý theo mức 4.000 đồng/m2 mà thành phố yêu cầu thì chưa nhận được giấy xác nhận và do vậy hồ sơ xin cấp sổ đỏ sẽ không đủ điều kiện. Ngược lại, những hộ dân nào nộp mức phí 18.800 đồng/m2 theo yêu cầu ban đầu của chủ đầu tư thì mới được cấp giấy xác nhận tất toán phí quản lý.


Trong khi đó, theo quy định pháp luật loại giấy tờ này không có trong danh mục hồ sơ làm sổ đỏ. Điều này khiến cư dân vô cùng bức xúc khi chủ đầu tư cố tình đưa ra điều phi lý để “ép” cư dân đóng mức phí quản lý cao ngất ngưởng.


Phải ràng buộc bằng hợp đồng

Hầu hết các hộ dân đều mong mỏi, các quyết định về việc thu phí cần có sự thống nhất với người dân, đồng thời phải phù hợp với lợi ích chung cũng như chất lượng dịch vụ mà các doanh nghiệp cung cấp. Nếu được hưởng chất lượng dịch vụ cao, họ sẵn sàng chi trả cho những cái họ được sử dụng. Sẽ chưa thể hết “đối đầu” giữa đơn vị quản lý tòa nhà với các hộ dân nếu như một bên cứ đơn phương áp giá.


Nói về điều này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, trong quy định của Nhà nước, phí quản lý chung cư phải được người mua nhà và người bán (tức chủ đầu tư) đồng thuận, Nhà nước không thể áp đặt một mức giá theo quy định.


Do đó, theo ông Hà trong hợp đồng mua - bán nhà phải luôn kèm theo phụ lục quy định những vận hành sau này. Đối với những trường hợp mua - bán nhà mà không kèm theo phụ lục hay những điều khoản thỏa thuận dịch vụ vận hành, Nhà nước sẽ can thiệp áp mức phí trần để giải quyết tranh chấp (nếu có) giữa cư dân và chủ đầu tư.


Song trên thực tế, mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư trong vấn đề áp mức phí quản lý chung cư vẫn diễn ra như cơm bữa. Vì thế, cách tự bảo vệ duy nhất là người mua nhà chung cư phải xem kỹ những điều khoản trong hợp đồng trước khi quyết định mua.

Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland