CafeLand - So với các nước trong khu vực và trên thế giới, số lượng các công trình, dự án được cấp chứng nhận công trình xanh tại Việt Nam còn ít, việc phát triển công trình xanh chưa trở thành phong trào phổ biến. Thực trạng này do nhiều rào cản, trong đó có liên quan đến chính sách, kinh nghiệm và năng lực chủ đầu tư.

Đâu là rào cản?

Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng, cho biết ở Việt Nam, công trình xanh bắt đầu phát triển từ khoảng năm 2000, và đến nay đã có trên dưới 100 công trình đã được cấp chứng nhận công trình xanh chính thức, một số công trình đang ở giai đoạn đăng ký chứng nhận công trình xanh.

“Việc xây dựng các công trình, các đô thị theo hướng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, giảm phát thải là xu hướng chung của các nước trên thế giới và Việt Nam”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo ông, mặc dù những lợi ích, hiệu quả về mặt năng lượng, môi trường, kinh tế và sức khỏe của công trình xanh mang lại là rõ ràng và đã được minh chứng cụ thể trong các dự án được cấp chứng nhận công trình xanh, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới, số lượng các dự án được cấp chứng nhận công trình xanh còn ít.

Việc phát triển công trình xanh chưa trở thành phong trào rộng khắp, chủ yếu ở đối tượng công trình, dự án của khối tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, chưa có các công trình có vốn ngân sách được thiết kế, thi công xây dựng, vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh.

Ông Thịnh cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này là do các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công trình xanh chưa đầy đủ. Chưa có các quy định bắt buộc để yêu cầu các công trình có vốn đầu tư công phải đầu tư xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh.

Ảnh minh hoạ.

Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu về thiết kế và xây dựng công trình xanh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, sự tham gia của các ngân hàng, tổ chức tài chính trong việc hỗ trợ tín dụng, vốn vay ưu đãi cho các dự án công trình xanh còn chưa nhiều.

Theo vị này, nhận thức của các bên liên quan, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước, chủ dự án, chủ đầu tư, các nhà thầu và cả của người mua, thuê nhà,… về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của công trình xanh còn chưa đầy đủ.

“Các rào cản này cần được dỡ bỏ để có thể thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh trong bối cảnh nguồn cung năng lượng đang hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng và nhu cầu ngày càng cao về chất lượng sống”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, cho rằng khách hàng hiện nay rất thông minh. Họ chọn dự án có xu hướng xanh, sạch. Với các dự án đã triển khai ở thành phố, một trong các yếu tố để dự án thành công là phải có nhiều cây xanh.

“Tuy nhiên, ở góc độ triển khai dự án, khó khăn của chúng tôi là không chỉ đảm bảo về cây xanh mà còn ở cả vấn đề thiết kế nữa. Việc thiết kế cần đầu tư nhiều, thiết bị trong tòa nhà cũng quan trọng. Đầu tư thiết bị tân tiến như vậy thì chúng tôi sẽ phải đội chi phí lên rất nhiều. Nếu Bộ Xây dựng không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng rất khó khăn để triển khai”, ông Tùng nói.

Theo ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban nghiên cứu và phát triển Công ty cổ phần Tập đoàn CHG - Capital House, khó khăn của doanh nghiệp làm công trình xanh hiện nay là không có cơ chế chính sách rõ ràng, không có nguồn vốn và nhận thức của chính khách hàng cũng rất kém.

“Ví dụ đối với công trình khoảng 2.000 tỉ đồng, chúng tôi thường mất thêm 1 - 3% để làm công trình xanh, tính ra có thể bằng một con siêu xe”, ông Bách dẫn chứng.

Cần được luật hoá

Để thúc đẩy công trình xanh phát triển tại Việt Nam, ông Thịnh đề xuất hai giải pháp:

Thứ nhất là về luật pháp. Quy định công trình xanh trong Luật Xây dựng chưa có, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và Luật Bảo vệ môi trường cũng vậy.

“Bộ Xây dựng đang chỉ đạo và chúng tôi cũng đã đưa vào dự thảo luật để trình Quốc hội. Chúng tôi sẽ cố gắng luật hóa công trình xanh để chủ đầu tư thực hiện”, ông Thịnh nói.

Thứ hai là nâng cao nhận thức của các chủ thể liên quan. Ông Thịnh cho biết, trước đây, không phải thị trường định hướng phát triển công trình xanh mà là chủ đầu tư định hướng phân khúc như vậy. Công trình xanh từ 2006 - 2009 tại TP.HCM chủ yếu do các công ty nước ngoài phát triển.

“Nay đã có rất nhiều nhà đầu tư định hướng phát triển công trình xanh về nhà ở, và tôi nghĩ rằng vấn đề nhận thức người dân đang dần nâng lên”, ông Thịnh đánh giá.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng đề xuất thiết lập và huy động sự tham gia của các ngân hàng, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư trong việc hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với các dự án đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn công trình xanh.

Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của các bên liên quan về công trình xanh, trong đó nhấn mạnh vai trò của người mua nhà, người thuê nhà, người sử dụng dịch vụ trong các công trình xây dựng về mục đích, lợi ích để tạo động lực, định hướng thị trường.

Ông Bách cho rằng, công trình xanh không phải là những giải pháp bình thường mà phải liên quan đến quá trình vận hành. Do đó cần phải nâng cao chất lượng công tác vận hành, bởi nếu sống trong công trình xanh nhưng chúng ta không biết sử dụng thì cũng không thể nào phát huy tác dụng.

Ông Đỗ Thanh Tùng đánh giá, hiện nay công trình xanh hay các tiêu chí Lotus hay Leed là do xã hội tự công nhận, các tổ chức tự đứng ra làm.

“Do đó, để thành vấn đề của quốc gia thì cần luật hóa, và các công trình nhà nước cần phải là công trình xanh. Khi xây dựng công trình xanh đương nhiên tư duy suất đầu tư của Nhà nước cũng phải thay đổi”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, khi đã luật hóa thì bất kể tổ chức, doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện theo quy chuẩn đó. “Tôi nghĩ nên có tư duy như vậy để tháo gỡ vướng mắc, cho cư dân có môi trường sống tốt hơn”, ông Tùng đề nghị.

  • Công trình xanh giúp giải quyết ô nhiễm môi trường

    Công trình xanh giúp giải quyết ô nhiễm môi trường

    CafeLand - Theo một số chuyên gia, phát triển công trình xanh là giải pháp tối ưu để giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân trong bối cảnh ô nhiễm nguồn nước và không khí nghiêm trọng như hiện nay.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.