24/10/2019 7:19 AM
CafeLand - Theo một số chuyên gia, phát triển công trình xanh là giải pháp tối ưu để giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân trong bối cảnh ô nhiễm nguồn nước và không khí nghiêm trọng như hiện nay.

Ô nhiễm môi trường đe doạ cuộc sống đô thị

Thời gian qua, người dân Hà Nội được phen lao đao khi phải đối mặt với tình trạng chất lượng không khí được cho là vượt các ngưỡng chỉ tiêu. Trong khi tình trạng ô nhiễm không khí chưa chấm dứt thì mới đây, sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu thải tiếp tục khiến nhiều dân Hà Nội thêm khốn đốn.

Chưa bao giờ, vấn đề ô nhiễm không khí và nguồn nước lại được cảnh báo nhiều và trở thành mối nguy đe doạ đến cuộc sống người dân đô thị như hiện nay.

Tại buổi tọa đàm Cà phê xanh: "Nước và không khí trong phát triển công trình xanh” diễn ra ngày 22/10, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng - khẳng định môi trường đang là vấn đề rất nóng và nổi cộm, trong đó bức xúc lớn liên quan tới ô nhiễm đất, nước, không khí.

Theo bà An, có ba nguyên nhân dẫn đến chất lượng môi trường ngày càng xấu đi. Thứ nhất, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự phát triển công nghiệp lớn nhưng lại không đảm bảo tiêu chuẩn trong quá trình phát triển, dẫn đến ô nhiễm.

Ảnh minh hoạ.

Thứ hai, nước ta chưa có đủ điều kiện khoa học công nghệ. Từ năm 2000 - 2005, chúng ta đặc biệt quan tâm đến chất lượng nước, rác thải nhưng chưa quan tâm được đến chất lượng không khí.

Thứ ba là dân số tăng đột biến. Nội thành Hà Nội hiện có đến 6 - 7 triệu người ở, kéo theo là lượng ô tô rất lớn. Nhiều làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm vẫn đang hoạt động trong nội đô mà chưa được di dời.

“Rõ ràng không khí ô nhiễm tăng lên và chất lượng môi trường đang giảm xuống”, bà An nhấn mạnh.

Ông Hoàng Dũng, Tổng giám đốc Công ty D&L, đơn vị sở hữu PAM Air, cho biết đã có nhiều luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nước, không khí… nhưng lại chưa được thực thi. Đơn cử như đi trên đường chúng ta có thể thấy nhiều xe buýt xả khói gây ô nhiễm. Về luật thì các xe đó đăng kiểm là không được lưu thông, nhưng không có chế tài gì để phạt, để cấm.

“Ô nhiễm không khí có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng hiện nay chúng ta chưa có bất cứ một nghiên cứu nào để phân tích rõ mức độ gây ô nhiễm của từng thành tố", ông Dũng chia sẻ.

Liên quan đến vụ việc nước sạch sông Đà, ông Dũng đánh giá, về luật, các nhà máy xử lý nước đều phải có hệ thống quan trắc nước tự động. Như vậy nghĩa là Nhà máy nước sông Đà có thể không có hoặc không cho hoạt động hệ thống này.

Công trình xanh – bài toán giải quyết ô nhiễm

Tại toạ đàm, PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh - nhấn mạnh công trình xanh hướng tới nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nước và không khí. Theo đó, phát triển công trình xanh là giải pháp bền vững trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sống.

Theo ông Nguyên, công việc tạo dựng một công trình kiến trúc hay quy hoạch đô thị bản chất là hướng đến con người, là tạo ra môi trường sống cho chính chúng ta. Với yêu cầu như vậy, tất cả những người tham gia vào quá trình xây dựng đó, bao gồm chủ đầu tư, nhà quản lý, bộ phận chuyên môn làm về tư vấn, kỹ thuật... đều hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo chất lượng sống của con người bên trong công trình.

Về vấn đề này, ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Capital House – nhận định công trình xanh ngày càng có ý nghĩa trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

"Cây xanh đem lại lợi ích lớn, rõ nét nhất là giảm nhiệt. Bên cạnh đó, là thiết kế thông thoáng, tận dụng tài nguyên. Chất lượng không khí không chỉ là bụi mịn, nó còn là độ ẩm, lượng CO2… Phải đủ các yếu tố này thì mới đảm bảo được chất lượng không khí.

Nước sinh hoạt cũng là vấn đề vô cùng quan trọng. Vì thế khi xây dựng mỗi dự án, chúng tôi đều phải xét nghiệm nước ở các dự án xung quanh và hỏi cư dân quanh đó xem có thắc mắc gì về chất lượng nước hay không”, ông Bách nói.

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, các doanh nghiệp nên nhận thức rõ và tham gia nhiều hơn vào việc phát triển công trình xanh. “Xây dựng căn hộ cho người dân phải đi kèm với trách nhiệm đảm bảo môi trường sống”, bà An nhấn mạnh.

Để phát triển bền vững công trình xanh, bà An cho rằng cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách, quy hoạch đến nhận thức của doanh nghiệp và cả người dân. Bản thân chủ doanh nghiệp phải nhận thức được vai trò của công trình xanh, có trách nhiệm xã hội.

“Luật pháp liên quan đến môi trường, công trình xanh đã có tương đối nhưng chúng ta chưa thực hiện quyết liệt. Chúng ta vẫn giải quyết nhưng cần quyết liệt hơn trong từng bước. Những doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chuẩn thì mới cho phát triển, còn không thì phải cho dừng lại ngày. Có như vậy thì môi trường sống mới có thể trong sạch, bà An kiến nghị.

Vị này cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công trình xanh, bởi mục tiêu của Chính phủ nêu ra là vì chất lượng cuộc sống của nhân dân, là mục tiêu phấn đấu của mọi ngành, mọi đất nước. Khi xây dựng được các dự án bảo đảm được tiêu chí công trình xanh thì chất lượng cuộc sống của người dân sẽ tăng lên.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.