11/02/2024 12:05 PM
Sử dụng vật liệu xanh để xây dựng một không gian sống lý tưởng đang là xu hướng tất yếu của thời đại khi cả người dùng và giới đầu tư bất động sản đều đặt tiêu chí an toàn và bền vững lên hàng đầu.

Trong cái khó, ló cái mới

Nhìn công nhân kéo từng xe rùa đầy ắp gạch ống trong một căn biệt thự đang xây dựng trên đường D2, phường Bình Trưng Tây (TP Thủ Đức), anh Nam, nhân viên giám sát công trình của Công ty Xây dựng Gia Long, luôn nhắc nhở anh em công nhân phải thật cẩn thận.

“Nếu như trước đây, mỗi viên gạch ống này có giá khoảng 1.200-1.300 đồng/viên, thì nay đã lên đến 1.800-1.900 đồng/viên. Việc vận chuyển phải nhẹ tay, vì vỡ viên nào là xót tiền viên đó”, anh Nam mở đầu câu chuyện khi đề cập đến tình hình tăng giá vật liệu xây dựng.

Thoạt nghe, mỗi viên gạch chỉ có giá chưa tới 2.000 đồng thì có vẻ thấp, nhưng để xây lên một căn biệt thự 4 tầng lầu và 1 tầng hầm sẽ cần tới hàng chục vạn viên gạch. “Nếu mỗi lần vận chuyển mà vỡ 3-4 viên gạch thì tổng số tiền thiệt hại cũng không nhỏ”, anh Nam nói thêm.

Không chỉ có gạch xây, các mặt hàng khác từ sắt thép, xi măng, cát đá… cho đến vật liệu hoàn thiện cũng “đùng đùng” tăng giá từ 20-40% tùy theo từng mặt hàng, khu vực. Người dân lẫn doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng cho biết mỗi lần thấy giá vật liệu xây dựng tăng đều sợ "toát mồ hôi" vì những tác động khó lường. Bão giá thực sự là cơn ác mộng với ngành xây dựng.

Sản phẩm đá nung kết được sản xuất trên dây chuyền công nghệ Continua+ của Sacmi

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố bất lợi, làn sóng tăng giá vật liệu xây dựng thời gian qua cũng có mặt tích cực là giúp thúc đẩy quá trình đổi mới, tái cấu trúc sản phẩm của ngành này. Nói cách khác, điều này tạo thời cơ cho các dòng vật liệu mới xuất hiện, chiếm lĩnh thị trường.

Lãnh đạo Công ty Bê tông khí Viglacera, nhận định: “Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp sản xuất tái cấu trúc sản phẩm theo hướng thân thiện môi trường. Đồng thời, cũng là hướng đi tất yếu giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển”.

Theo ông Phong, trong vài năm tới, xu hướng sử dụng các loại vật liệu thay thế trong xây dựng như bê tông nhẹ, tấm giả gỗ, vật liệu ốp tường, lát sàn, trang trí nội ngoại thất… sẽ phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, xu hướng thiết kế, xây dựng nhà ở hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi. Người dân có xu hướng chọn lựa các loại vật liệu nhẹ, đẹp và thiết kế tiện ích, dễ thay thế với giá cả hợp lý.

Có thể thấy rằng, bão giá vật liệu là thách thức lớn đối với ngành xây dựng, nhưng cũng mở ra cửa sáng để các doanh nghiệp đổi mới tư duy về sản phẩm.

Việt Nam làm chủ nhiều công nghệ sản xuất hàng đầu thế giới

Trong lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát, trước đây Việt Nam chỉ có thể sản xuất được gạch khổ nhỏ. Vì vậy, với những gạch khổ lớn phải nhập khẩu với chi phí đắt đỏ.

Tấm gạch khổ lớn cho phép ứng dụng linh hoạt trong không gian nội, ngoại thất

Từ năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án đổi mới công nghệ sản xuất gạch ốp lát khổ lớn để cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. So với các sản phẩm khổ nhỏ, gạch ốp lát khổ lớn có nhiều ưu điểm như hạn chế đường ron khi thi công, tạo cảm giác nguyên khối, liền mạch, mang đến thẩm mỹ cao cho không gian.

Ngoài ra, với kích thước lớn, gạch có thể dễ dàng cắt thành các hình dạng, kích cỡ, phù hợp với nhiều bề mặt khác nhau. Sản phẩm dùng cho bề mặt sàn, tường phẳng, trang trí không gian bếp, bồn tắm... giúp không gian liền mạch, hạn chế đường mạch vữa, dễ dàng vệ sinh trong quá trình sử dụng.

Nhiều ưu điểm là thế, song công nghệ sản xuất gạch ốp lát khổ lớn cũng không đơn giản. Vật liệu này đòi hỏi được sản xuất từ công nghệ Continua+, công nghệ sản xuất hiện đại của Sacmi (Italia) được thiết kế để chuyên sản xuất gạch porcelain khổ lớn và đá nung kết.

Tại châu Á, hiện có khoảng hơn 50 dây chuyền Continua+ được lắp đặt, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia dẫn đầu châu lục về số doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ này.

Ngày 11/9/2023, tấm đá nung kết sản xuất bằng công nghê Continua+ tại nhà máy của Viglacera, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được chứng nhận kỷ lục lớn nhất Việt Nam, với kích thước 1.620x3.310mm. Sự kiện này đánh dấu bước tiến mới trong việc làm chủ công nghệ hiện đại trong sản xuất gạch khổ lớn của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo nhà sản xuất, đá nung kết là sản phẩm thân thiện môi trường, có nhiều ưu điểm vượt trội so với các dòng đá tự nhiên và đá nhân tạo khác, giúp hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là xu hướng vật liệu đã được sử dụng nhiều năm nay tại các nước châu Âu.

Ngoài các sản phẩm đá nung kết, gạch porcelain khổ lớn, Việt Nam cũng đã sản xuất thành công những mét vuông kính siêu trắng đầu tiên với các độ dày từ 3-15mm, kích thước lớn lên tới 3.330x6.000mm, ứng dụng đa dạng công trình.

Đây là loại kính trong suốt và truyền sáng tối đa tại mọi độ dày sản phẩm, có khả năng giảm bức xạ UV và nhiệt từ mặt trời.

Hiện trên thế giới có khoảng 40 nhà máy sản xuất được kính siêu trắng, trong đó Việt Nam đã có 1 nhà máy. Những năm trước đây, kính siêu trắng sử dụng ở trong nước chủ yếu nhập khẩu và được ưu tiên lắp đặt mặt dựng cho các showroom, trung tâm thương thương mại, tòa cao ốc hạng sang.

Trong thiết kế nội thất, vật liệu kính siêu trắng thích hợp sử dụng tại các vị trí lan can cầu thang, ban công cho tới decor nội thất nhà cửa, tủ trưng bày các đồ giá trị như trang sức, tủ rượu... Ngoài ra, vật liệu này còn được ứng dụng để sản xuất pin năng lượng mặt trời và ứng dụng trong ngành công nghiệp ô tô.

Theo Bộ Xây dựng, đá nung kết khổ lớn và kính siêu trắng là sự đột phá trong hệ sinh thái sản phẩm, vật liệu xanh thân thiện môi trường. Điều này đánh dấu một bước tiến mới trong việc làm chủ công nghệ hiện đại của doanh nghiệp trong nước, khẳng định năng lực sản xuất và chất lượng của các sản phẩm thương hiệu Việt đã tiệm cận với những thị trường cao cấp trên thế giới.

Xu hướng vật liệu năm 2024

Ngày nay, sự phát triển của kiến trúc hiện đại đã đặt ra nhiều yêu cầu mới về việc sử dụng các loại vật liệu, bao gồm vật liệu kết cấu, vật liệu bao che, vật liệu lợp, vách ngăn và vật liệu hoàn thiện… để có thể theo kịp các ý tưởng của các kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế công trình.

Phát triển các vật liệu xây dựng tính năng cao, tiết kiệm năng lượng cũng đồng thời là cơ sở cho kiến trúc hiện đại phát huy tính sáng tạo và trở thành xu hướng phát triển tất yếu của ngành xây dựng.

Công trình xanh, vật liệu xanh là những cụm từ dần được các gia đình, chủ đầu tư quan tâm. Đây cũng là xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

Vật liệu xanh được hiểu đơn giản là những loại vật liệu ít tác động nhất tới môi trường và không gây hại cho sức khỏe con người trong suốt quá trình từ thu thập nguyên liệu, sản xuất, đến ứng dụng. Ngoài ra, vật liệu này còn có khả năng tái tạo, quay vòng, và giảm nguồn cung lâu dài.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều loại vật liệu xanh được ra đời và ứng dụng nhiều hơn trong xây dựng, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường mà còn mang lại kết cấu xây dựng bền vững hơn.

Chia sẻ về xu hướng sử dụng vật liệu xanh, bền vững, KTS Lê Trương, Tổng giám đốc Công ty tư vấn kiến trúc xây dựng TT-As, cho biết: "Trong sự đa dạng của các vật liệu hiện nay thì xu hướng sử dụng các loại vật liệu thân thiện môi trường là tất yếu và mang tính bền vững. Một trong những tiêu chí cơ bản của vật liệu này là sử dụng công nghệ cao để tạo ra các tính năng tích hợp nổi trội, nhằm giảm trọng lượng nhưng lại gia tăng khả năng chịu lực, cách âm, cách nhiệt và loại bỏ các công đoạn hoàn thiện không cần thiết”.

Hàm lượng formaldehyde trong ván gỗ công nghiệp, vật liệu dán tường được quy định rõ trong thông tư mới của Bộ Xây dựng

Một xu hướng vật liệu khác cũng đang được nhiều người quan tâm, lựa chọn là vật liệu an toàn. Với người tiêu dùng Việt Nam, chú trọng lựa chọn vật liệu an toàn không còn là trào lưu mà đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, trở thành lối sống tích cực, nhất là sau đại dịch Covid-19. Trong đó, tiêu chuẩn an toàn sức khỏe và môi trường đã trở thành thước đo cho các sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao.

Để bảo đảm tiêu chuẩn sức khỏe, các vật liệu sử dụng phải là những vật liệu đạt chứng chỉ xanh hay những chứng nhận phù hợp mang tính quốc tế. Ví dụ như tính kháng khuẩn, không phai màu, không có hàm lượng formaldehyde vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Vừa qua, Bộ xây dựng đã ban hành Thông tư 04/2023/TT-BXD quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có hiệu lực từ ngày 1.1.2024. Ngoài sơn tường dạng nhũ tương và tấm thạch cao, sẽ có thêm giấy dán tường và các sản phẩm gỗ công nghiệp được đưa vào nhóm sản phẩm nội thất phải đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn.

Trong đó, Thông tư 04 quy định rõ hàm lượng formaldehyde được phép phát tán đối với các loại ván gỗ công nghiệp gồm ván sợi, ván dăm và ván thanh. “Việc ban hành quy chuẩn mới với vật liệu nội thất, sản phẩm gỗ công nghiệp sẽ giúp những loại vật liệu này an toàn, thân thiện hơn với người sử dụng”, ông Nguyễn Quang Hiệp, Vụ phó Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Phát triển vật liệu xanh đang trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.
Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.