10/06/2018 8:58 AM
Báo KT&ĐT đã nhận được đơn của các hộ dân thuộc tổ dân phố Nguyên Xá, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh về việc UBND quận Bắc Từ Liêm chủ trương thu hồi đất và bàn giao đất cho dự án mở rộng Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội tại cơ sở I (phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm), theo quyết định số 6038/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

“Đất vàng” đền bù rẻ mạt

Theo đơn thư, ngày 25/11/2016, UBND quận Bắc Từ Liêm chính thức ra Thông báo thu hồi đất số 2592/TB-UBND và Quyết định số 5470/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện dự án nói trên. Theo đó, toàn bộ diện tích 1,8 ha mặt Quốc lộ 32, địa phận thôn Nguyên Xá (đoạn đường Văn Tiến Dũng – Nhổn) nằm trong diện bị thu hồi giao cho Trường Đại học Công nghiệp sử dụng mở rộng khuôn viên trường. Cùng với đó phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân với mức giá 201.600 đồng/m2.
Việc thu hồi đất khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân bị đảo lộn và có nhiều kiến nghị bức xúc. Theo nội dung đơn thì nguyên nhân bắt nguồn từ chính các quyết định phê duyệt dự án chưa đúng trình tự, luật định và công tác bồi thường, tái định cư,… còn nhiều điểm chưa rõ ràng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân.

Khu vực đất bị thu hồi phía trước cổng trường ĐHCN HN cơ sở 1 chỉ được bồi thường với giá rẻ mạt.

Người dân có đất trong phần diện tích thu hồi để làm dự án cho rằng, với mức bồi thường cho hơn 1,8ha đất có đơn giá 201.600 đồng/m2 là quá thấp. Vì 1m2 đất ở vị trí được coi là "đất vàng" giá đền bù lại chỉ tương đương với 2kg thịt. Lãnh đạo UBND phường Minh Khai khẳng định, toàn bộ diện tích 1,8ha đất bị thu hồi trên địa bàn nêu trên đều là đất nông nghiệp, được giao theo Nghị định 64 của Chính phủ, không có đất nào nào là đất ở. Theo đó, khi tiến hành bồi thường, Nhà nước sẽ áp dụng tính chất đất nông nghiệp để áp giá bồi thường.

Tuy nhiên, theo hồ sơ phóng viên có được, khu vực nêu trên đã được phê duyệt quy hoạch thành đất ở tại Quyết định số 14/2000/QĐ-UB ngày 14/02/2000 phê duyệt quy hoạch chi tiết huyện Từ Liêm - Hà Nội đến năm 2020 cho thấy khu đất trên có chức năng là đất công cộng thành phố, khu ở.

Gần đây hơn, trong Quyết định số 6308/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký, về phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị S2 tại khu đất thuộc phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm cũng nêu rõ: Thay đổi đất khu ở từ 23,93ha xuống còn 22,09ha. Số diện tích được điều chỉnh bằng đúng 1,84ha. Đây chính là phần diện tích được điều chỉnh để phục vụ đất cho việc mở rộng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Như vậy, cần phải xác định lại và làm rõ nguồn gốc số diện tích đất được lấy cho dự án Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Quyết định thu hồi đất có đúng luật?

Trong đơn gửi đến Báo Kinh tế và Đô thị, đại diện cho các hộ dân khẳng định, các thông báo thu hồi đất của UBND quận là trái pháp luật, không có cơ sở pháp lý, việc thay đổi quy hoạch chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, phá vỡ quy hoạch Thủ đô.

Thực tế cho thấy, tại các Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội trong 2 năm 2015 - 2016, trên địa bàn phường Minh Khai, HĐND TP Hà Nội chỉ đồng ý thông qua thu hồi đất để thực hiện 3 dự án: Dự án xây mới trường mầm non Nguyên Xá; Dự án xây dựng khu trung tâm hành chính quận thực hiện năm 2015; Dự án cải tạo nâng cấp đường, rãnh thoát nước Nguyên Xá thực hiện năm 2016 và gần nhất, tại danh mục các dự án vốn ngoài ngân sách thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2018, kèm theo Nghị quyết số 19/NQ–HĐND ngày 5/12/2017, cũng chỉ có 1 dự án được HĐND TP thông qua trên địa bàn phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm), là Dự án đầu tư trạm trung chuyển đa phương thức, điểm đỗ xe công cộng và điểm cuối xe buýt và tuyệt nhiên không thấy "bóng dáng" dự án thu hồi đất để mở rộng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cơ sở 1 tại Tổ dân phố Nguyên Xá, Minh Khai (Bắc Từ Liêm). Vậy căn cứ để UBND quận Bắc Từ Liêm thu hồi đất của khu vực này là gì?

Theo Bảng 5 khung giá đất của UBND TP Hà Nội ban hành theo Quyết định 96/2014/QD-UBND ngày 29/12/2014 thì khung giá đất tại vị trí từ đường Văn Tiến Dũng đến Nhổn có giá là 20.000.000 đồng/m2, giá thị trường xét theo thời điểm hiện tại thấp nhất là 50.000.000/m2.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu Trường Đại học Công nghiệp hiện có 3 cơ sở đào tạo, với tổng diện tích đến 50 hecta, có đủ điều kiện để đào tạo 60.000 sinh viên, nhưng trên thực tế hiện nay trường mới chỉ có 30.000 học sinh – sinh viên. Tất cả số học sinh đó được chia ra các cơ sở khác nhau theo từng ngành học, trong đó đa phần sinh viên được học tại cơ sở tại tỉnh Hà Nam, mới được xây dựng khang trang, điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ. Điều này phù hợp với chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng ở khu vực nội đô ra các đô thị vệ tinh hoặc các tỉnh theo kế hoạch của Chính phủ tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg (ngày 26/07/2011) về việc Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, dự án mở rộng cơ sở của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội để xây bể bơi và khuôn viên cây xanh… ít mang lại lợi ích to lớn và sự cần thiết cho xã hội, không phải là dự án phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Như vậy, cho thấy việc mở rộng cơ sở 1 của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là chưa phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong tầm nhìn xây dựng Thủ đô đã được phê duyệt.

Mặt khác, việc UBND quận Bắc Từ Liêm thu hồi đất của dân để cấp cho Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là chưa đúng đối tượng được cấp. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là đơn vị tự chủ, vì vậy cũng được tính là chủ thể sử dụng đất, có địa vị pháp lý ngang bằng với công dân sử dụng đất. Nên khi thực hiện thu hồi đất để bàn giao cần có sự bình đẳng, không để xảy ra tình trạng xâm phạm đến quyền, lợi ích của công dân, đảm bảo hài hòa lợi ích, tránh gây thiệt hại cho người bị thu hồi đất và chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu, trước đó, vào năm 2010, một số gia đình ở thôn Nguyên Xá, Minh Khai bị thu hồi đất thực hiện dự án mở rộng đường Quốc lộ 32, đến thời điểm hiện tại, các phương án tái định cư cho người dân ở đây vẫn chưa thực hiện được. Điều đáng nói là dự án mở rộng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cơ sở I tiếp tục được phê duyệt trong khi các hộ dân bị thu hồi đất lần này cũng chưa được giải quyết.

Một hộ dân trong diện thu hồi nghẹn ngào cho biết: "Trước đây nhà tôi có hơn 400m2 đất, khi thực hiện dự án mở rộng đường Quốc lộ 32 bị thu hồi mất hơn 200m2, thế nhưng cho đến nay cũng không được bồi thường tiền đất. Giờ số diện tích đất còn lại, lại bị thu hồi cho dự án mở rộng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, bồi thường với số tiền 201.600 đồng/m2, đã đẩy gia đình tôi thêm khó khăn, không còn nơi nào để sống. Hiện tôi gia đình tôi đang thuê nhà ở huyện Hoài Đức".

Chủ đề: Thu hồi đất
Báo Kinh tế & Đô thị
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.