05/11/2020 8:01 AM
CafeLand - Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý 3 và chín tháng đầu năm 2020” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức mới đây.

Lãi suất liên ngân hàng lao dốc cuối tháng 9

Theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 3/2019 đạt ở mức khiêm tốn với 2,62%, trong 9 tháng đầu năm đạt 2,12%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 tăng 2,69%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ trong 10 năm gần đây.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng tăng tốt nhất. Tính đến tháng 8/2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt tiến độ bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân vốn đầu tư công được cho là động lực tạm thời hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.

Khu vực dịch vụ đạt mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước trong 10 tháng gần đây. Điển hình là ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 17% do ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9 ước tính chỉ đạt 13,8 nghìn lượt khách, giảm 15,5%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Viẹt Nam ước đạt hơn 3.700 lượt, giảm 70,6%.

Nghiên cứu của VEPR cho biết, trong quý 3, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và một tuần có nhiều biến động đáng kể và theo sát diễn biến của nhau. Lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ trong nửa đầu tháng 8 đến đỉnh trong quý vào 0,25% với thời hạn một tuần do NHNN ngừng giao dịch trên thị trường mở; sau đó giảm mạnh xuống mức 0,13% vào cuối tháng 9 nhờ thanh khoản dồi dào.

Ảnh minh hoạ

Trước những diễn biến kém thuận lợi trên thế giới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, vào ngày 30/09/2020, NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành giảm 0,5%/năm. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 4,5% xuống còn 4,0%, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,0% còn 2,5%.

NHNN cũng hạ lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam, giảm 0,25%/năm. Cụ thể, lãi suất đối với tiền gửi dưới sáu tháng giảm từ 4,25% xuống còn 4%, lãi suất tiền gửi VND tại Qũy tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô kỳ hạn dưới sáu tháng giảm từ 4,75% xuống còn 4,5%.

NHHN cũng hạ lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND 0,5%/năm. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của TCTD giảm từ 5% xuống còn 4,5%, của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6% xuống 5,5%.

TS.Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng VEPR đánh giá, động thái này của NHNN hoàn toàn phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại, giúp thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Dự báo sang quý 4/2020, lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn ở mức thấp nhờ vào thanh khoản dồi dào và NHNN có thể sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành như thời hiểm hiện tại.

“Dịch bệnh bùng phát đợt 2 vào đầu tháng bảy khiến nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, gây ảnh hưởng mạnh lên tăng trưởng tín dụng”, ông Thành nhận định.

Bất động sản đối mặt nhiều khó khăn

Theo CBRE, trong quý 3, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội giảm mạnh, chỉ mở bán 3.503 căn, giảm 42,5% (quý 2/2020 mở bán 5.600 căn). Dịch bệnh bùng phát đợt hai vào đầu tháng 7 cùng việc Chính phủ thắt chặt kiểm soát quy trình phê duyệt quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng, số dự án hoàn thiện pháp lý và đủ điều kiện mở bán thấp gây nên sự sụt giảm đáng kể nguồn cung căn hộ tại Hà Nội.

Nguồn cung căn hộ tập trung ở phân khúc trung cấp và bình dân, không có dự chào bán căn hộ hạng sang nào. Tổng lượng căn hộ bán được trong quý 3 đạt 4.210 căn, giảm 53,7% (quý 2 bán 4.600 căn).

Lượng căn hộ bán được chủ yếu thuộc thị trường căn hộ phân khúc trung cấp với mức giá khoảng 1.323 USD/m2, tăng 5% theo năm, cao hơn so với quý trước (3% theo năm). Giá bán căn hộ tiếp tục tăng ám chỉ nguồn cung căn hộ sụt giảm mạnh không đáp ứng đủ nhu cầu mua nhà của người dân.

Trong khi đó, tại TP.HCM, thị trường bất động sản có phần sôi động hơn. Lượng căn hộ mở bán mới trong quý 3 tăng mạnh so với quý trước, đạt 3.964 căn, tăng 141% (quý 2 mở bán 1.644 căn). Lượng căn hộ bán được trong quý đạt 3.552 căn, tăng 124,6% (quý 2 bán 1.581 căn).

Nhu cầu căn hộ chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp với mức giá khoảng 2.518 USD/m2 (chiếm 89% tổng số giao dịch trong quý). Tuy nhiên, ông Thành cho biết, những lo ngại về mặt pháp lý, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính, đã cản trở quyết định đầu tư của các chủ đầu tư cũng như các nhà đầu tư.

Ở một khía cạnh khác, do nguồn cung hạn chế cùng nhu cầu mua tốt từ thị trường tại TP.HCM, mức giá căn hộ ổn định so với quý trước. Giá bán căn hộ cao cấp chỉ tăng nhẹ 1% so với năm trước.

“Có thể thấy rằng, bất động sản vẫn là một trong những kênh cất giữ tài sản trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ sự lo ngại VND mất giá trong tương lai khiến người tiêu dùng tái phân bổ tiết kiệm vào các tài sản an toàn hơn như bất động sản và vàng. Đồng thời, chính sách pháp lý thắt chặt khiến rủi ro trên thị trường bất động sản giảm, giúp người mua tiếp cận tốt hơn với các dự án chất lượng và an toàn hơn. Nhưng đồng thời cũng làm sụt giảm nguồn cung căn hộ trên thị trường, gây áp lực tăng tới giá bán”, ông Thành nhận định.

Ông Thành cho rằng, trong thời gian tới, việc cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu COVID-19 hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này trong những năm tới.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đưa ra một số kiến nghị về chính sách, cho rằng Việt Nam vẫn phải thực hiện mục tiêu “kép” trong năm nay và năm tới. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm một số động lực tăng trưởng mới hoặc thay thế cho động lực truyền thống đang gặp khó khăn như xuất khẩu, cùng chia sẻ khó khăn với các nước trên thế giới.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu – Chuyên gia tư vấn Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI), bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh là một cơ hội tốt để Việt Nam bắt kịp các nước khác khi vượt qua cuộc khủng hoảng này, nhưng với điều kiện Việt Nam giảm được các tác dộng tiêu cực từ đại dịch lên nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam trong đại dịch tốt hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 2008.

Với tình hình hiện tại, ông cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam là điều quan trọng nhất. Chính phủ nên có các biện pháp thúc đẩy, tăng động năng của nền kinh tế. Cải cách hệ thống thuế theo hướng dài hạn. Giảm thuế trần cho thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.