Phân khúc bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ là điểm sáng trong năm 2023 nhờ sự phát triển của hạ tầng giao thông.

Ảnh minh hoạ

Diễn biến ổn định

Tình hình phát triển bất động sản công nghiệp ở Hà Nội và TP.HCM quý mới nhất ghi nhận sự ổn định. Báo cáo thị trường quý 4.2022 của Colliers Việt Nam cho biết, tại TP. HCM, thị trường bất động sản công nghiệp ổn định với mức lấp đầy 92% và giá thuê trung bình khoảng 205 USD (khoảng 4,9 triệu đồng)/m2/kỳ hạn.

Các khu vực lân cận của TP.HCM tiếp tục là khu vực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài bởi các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp cũng như sự phát triển hạ tầng, tăng khả năng kết nối đến các khu vực này.

Điển hình, khu vực Long An tính đến hết quý 4.2022 ghi nhận tổng vốn đầu tư FDI đạt mức 539.4 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự tăng trưởng của khu vực lân cận sau đại dịch.

Theo Colliers, việc hạn chế về quỹ đất và chi phí thuê đất cao nên nguồn cung khu công nghiệp TP. HCM quý 4.2022 không ghi nhận nguồn cung mới. Riêng thị trường khu công nghiệp tại khu vực Long An trở nên sôi nổi hơn nhờ vào các chính sách khuyến khích đầu tư và tiềm năng của khu vực khi Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng 4 dự án với tổng diện tích 1,770ha, tổng mức vốn đầu tư là 962.52 triệu USD.

Bên cạnh đó, một số dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khiến nguồn cung tương lai tại khu vực này dự kiến có nhiều biến động.

Diễn biến ổn định này cũng xảy ra tương tự tại Hà Nội. Giá thuê bất động sản công nghiệp trung bình tại Hà Nội ở mức 146 USD (khoảng 3,5 triệu đồng)/m2/kỳ hạn và tỷ lệ lấp đầy ổn định ở mức 91%.

Đáng chú ý, khu vực lận cận Hà Nội là điểm thu hút dòng vốn đối với các chủ đầu tư nước ngoài, nổi bật với tỉnh Hưng Yên ghi nhận tổng mức vốn đầu tư FDI từ đầu năm đến nay đạt mức 555 triệu USD, vượt 23.33% so với kế hoạch và tăng 11% so với năm 2021.

Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư FDI, các khu vực lân cận còn chú trọng vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng quản lý khu công nghiệp.

Thị trường khu công nghiệp Hà Nội quý 4 cũng không ghi nhận nguồn cung mới mà mở rộng ra các tỉnh thành lân cận. Đáng chú ý với dự án khu công nghiệp Quang Châu mở rộng (tỉnh Bắc Giang) được Chính phủ phê duyệt chủ trương với quy mô 90ha, với tổng vốn đầu tư hơn 42 tỉ USD.

Ngoài ra, lễ khởi công xây dựng khu công nghiệp tại tỉnh Hưng Yên với tổng diện tích đất 143.08ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 77 triệu USD vào quý này, cho thấy sức hút nguồn vốn đầu tư của các vùng lân cận Hà Nội là rất rõ.

Nhiều triển vọng trong năm 2023

Dự báo về triển vọng của bất động sản công nghiệp năm 2023, Colliers cho rằng, phân khúc này tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào chi phí thấp, và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất ô tô, linh kiện điện tử, thương mại điện tử và chính sách đầu tư của Nhà nước vào các vùng kinh tế trọng điểm.

Mặc dù đang được đánh giá là nhóm ngành triển vọng, nhờ vào làn sóng vốn FDI tích cực. Tuy nhiên, theo số liệu ghi nhận từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20.12.2022 ước đạt gần 27,72 tỉ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy Việt Nam vẫn đang phải cạnh tranh thu hút FDI với các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, với tổng số vốn FDI trong 9 tháng 2022 là 31 tỉ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn đến từ các doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng xe điện.

Vì vậy, Colliers cho rằng, dù có những lợi thế như vị trí gần Trung Quốc, giá thuê đất thấp, chi phí năng lượng cạnh tranh và lao động lành nghề, Việt Nam vẫn có thể bị giảm sức hấp dẫn trong việc thu hút dòng vốn FDI do dòng vốn được rót vào các ngành xe điện và bán dẫn tại các quốc gia khác trong khu vực, đây là hai ngành quan trọng sẽ định hình bối cảnh đầu tư các khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, chuyên gia của Colliers cũng nhận định, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới vẫn là điểm sáng trong lĩnh vực bất động sản với sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc đẩy mạnh đầu tư vào cơ sơ hạ tầng giao thông, phát triển kết nối giao thông giữa các vùng và khu vực cảng biển, hỗ trợ cho lĩnh vực hậu cần.

“Nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp làm dịch vụ hận cần được ghi nhận tại hầu hết các khu kinh trọng điểm của cả nước và kể cả các vùng lân cận. Điều này cho thấy bất động sản công nghiệp đang được các nhà đầu tư xem như một kênh an toàn trong tình hình vĩ mô toàn cầu còn nhiều bất ổn”, Colliers nhận định.

Phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển khi chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều dự án sản xuất được xây dựng và sự tăng trưởng về giá trong lĩnh vực đó. Cùng lúc đó, hệ thống cơ sở hạ tầng trên khắp cả nước giúp làm tăng giá trị của các dự án bất động sản công nghiệp ở nhiều địa phương. Một lĩnh vực ngách là dịch vụ về hậu cần, kho lạnh đang nổi lên sẽ khá thú vị nhờ sự tăng trưởng của ngành bán lẻ. Ngành hoa học dữ liệu cũng đang phát triển nhanh với nhu cầu cao về trung tâm dữ liệu (data center). Với tất cả những yếu tố đó, vị này cho biết rất lạc quan về sự phát triển của phân khúc này trong năm 2023.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.