17/10/2014 7:54 AM
Dự kiến đến năm 2020, trung tâm thương mại dịch vụ phức hợp khang trang sẽ mọc lên thay thế nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Những hộ dân sống lâu năm đang trông chờ chính sách thỏa đáng của Nhà nước, còn đối với người sống tạm bợ thì tới đâu hay tới đó.

Nhiều người không một tấc đất cắm dùi, chọn nghĩa trang làm nơi sinh sống. Nơi yên nghỉ của người cõi âm đã trở thành nơi lưu giữ bao ký ức buồn vui...

Ở nhờ nghĩa trang

Khu vực nuôi ngựa của ông Năm Gò Công bị thu hẹp hơn từ khi có thêm một số ngôi mộ mới, kể cả sau thời điểm nghĩa trang ngưng cho chôn cất. Tuy vậy, ông không lấy điều đó làm phiền lòng. “Người cõi dương thường gây mích lòng nhau chứ người cõi âm có khi nào làm phiền mình đâu” - ông nói. Từng được biết đến là ông vua ngựa đua, cả đời ông Năm Gò Công cống hiến cho thú chơi vương giả này. Hơn 15 năm trước, ông thuê đất ở nghĩa trang để nuôi ngựa. Đã ba năm nay, ngựa đua của ông chưa có dịp tỉ thí vì trường đua Phú Thọ đã đóng cửa.

Ngày ngày nhìn những con ngựa chồn chân nơi góc nghĩa địa, cõi lòng tê tái nhưng ông vẫn không thôi nuôi hy vọng cánh cửa truờng đua lại sẽ mở. Đàn ngựa từ 30 con nay chỉ còn 18 con vì ông đã bán dần đi để trang trải chi phí. “Bán hết cả đàn thì khi trường đua mở lại sẽ biết lấy gì mà chơi. Nếu giải tỏa nghĩa trang thì tôi sẽ đưa bầy ngựa ra ngoại thành chăm sóc” - ông quả quyết. Chẳng biết nghĩa địa sẽ giải tỏa trước hay trường đua sẽ mở cửa trước nhưng chẳng có gì ngăn cản được ông Năm ấp ủ giấc mơ đưa những chú ngựa trở lại đường đua.

Trong căn nhà tuềnh toàng nền đất chưa đầy 10 m2, em Kiều Minh Tuấn (sáu tuổi), con trai chị Kiều Thị Ánh Liên đang chăm chỉ làm bài tập trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Năm năm trước, chồng chị đã bỏ đi, để mặc chị cáng đáng nuôi ba đứa con. Thấy hoàn cảnh của chị, một người tốt bụng mới cho chị ở tạm căn chòi trong nghĩa địa.

Nhớ lại lúc mới chuyển nhà đến sinh sống với người đã khuất, chị Liên vẫn còn rùng mình. “Ban đêm, ba mẹ con chỉ biết ru rú ở trong nhà, sợ nhất là những hôm mưa gió, căn chòi đổ sập thì chẳng biết kêu ai, mà có kêu cũng chẳng ai nghe. Lỡ con có đau ốm thì lấy thuốc mua sẵn cho uống. Nhà có giàn nồi đáng giá nhất thì bọn nghiện cũng lấy sạch” - chị kể. Bù lại, các con chị rất ham học. Hai đứa nhỏ học trường tiểu học tình thương, đứa lớn học trung tâm giáo dục thường xuyên. Đã đến giờ chị đi làm tạp vụ ở trường tiểu học, đứa con nhỏ lẽo nhẽo đòi đi theo vì ở nhà không có bạn chơi. Chị chào từ biệt rồi lên chiếc xe cà tàng còng lưng đạp, thằng bé mặt mày hớn hở vì được mẹ chở đi.


Nhà ông Cộng sống chung với mộ bao nhiêu năm nay.

Hai mẹ con chị Liên được một người tốt bụng cho ở tạm trong căn chòi tại nghĩa trang mấy năm nay. Ảnh: HOÀNG LAN

Sống nhờ người chết

30 năm qua, ông Lê Văn Cộng tiếp xúc với mồ mả, thi thể người chết có lẽ còn nhiều hơn cả người sống. Năm 1978, tưởng ông đã bỏ xác ở chiến trường Campuchia, chị ông bán đi mảnh đất ông từng ở. Trở về tay trắng, ông cất tạm căn chòi trong khu vực nghĩa trang của chùa Quan Bế rồi bén duyên với bà xã cũng trồng cây thuê ở đây. “Ngày đó làm gì có mồ mả nhiều như bây giờ. Đất rộng mênh mông, trồng nấm, đu đủ bán cũng đủ ăn” - ông kể. Dần dà mộ lấn mất đất canh tác, ông đổi nghề nhổ cỏ, quét vôi, đào huyệt để nuôi hai đứa con.

“Mấy năm trước, con nghiện thường đập mộ lấy sắt bị tui la hoài, từ 6 giờ trở đi không có ai dám vào đây đâu, thỉnh thoảng lại có người treo cổ, giết nhau, giờ có dân phòng đi tuần cũng đỡ nhiều. Mới đầu bốc mộ, tui bỏ ăn luôn nhưng riết rồi quen. Nếu mộ được chôn sâu thì phải bắc thang xuống vác cả xác người chết lên. Nhiều mộ ướp kỹ, hơn 10 năm vẫn còn tươi, người nhà yêu cầu róc thịt và nội tạng thì cũng phải róc, ba ngày sau cái mùi đặc trưng vẫn còn bám trên tay” - ông kể. Từ ngày vắng tiếng kèn thổi đám, thân nhân ít nhờ chăm sóc mộ hẳn đi nên ông tận dụng thời gian thừa thãi nuôi thêm mấy con bò. Đường phố đã lên đèn, ông Cộng đốt xác mía đuổi muỗi nhưng không xua đi được cái lạnh lẽo, buồn bã của nơi này.

Cách nhà ông Cộng không xa, anh Phan Thanh Tú ngồi trầm ngâm trước cánh cửa treo biển bán nhà. Trong xóm này ai cũng biết anh Tú nhờ trúng vé số để mua nhà mới dám lấy vợ vào bảy năm trước. Cha mẹ mất sớm, 13 năm trước anh rời quê nhà An Giang lên thành phố kiếm sống rồi theo bạn bè làm nghề đào huyệt, bốc cốt.

“Lúc trước người ta còn thuê bốc cốt nhiều chứ giờ ít lắm. Nghĩa trang sắp giải tỏa rồi, tui bán nhà đi để kiếm ít vốn mướn nhà làm nghề rửa xe và lo cho hai đứa nhỏ ăn học” - anh tâm tình. Chị Như Ý, vợ anh đang ngồi luyện chữ cùng con gái góp chuyện: “Hồi tôi mới về đây, nơi này như một ổ tệ nạn nghiện hút, cướp bóc. Lâu lâu dân phòng đi thu gom cả xe kim tiêm. Người ta thường coi giờ bốc cốt vào nửa đêm hoặc gần sáng nên cứ giờ đó là ảnh lại ra khỏi nhà, tui ở nhà đâu dám ngủ vì sợ ma và kẻ xấu nên chỉ biết đọc kinh cầu nguyện”.

“Ngày trước, đất nghĩa trang cho không cũng không ai thèm, giờ có muốn nương náu cũng chẳng được nữa” - bà Lư Muội mở đầu câu chuyện. Năm 1975, bà theo cha vào đây sống, quản việc chôn cất, bốc cốt cho chùa Đại Giác rồi cưới chồng đến khi có cháu. Ngày mới tới, đất ruộng thênh thang, gia đình bà trồng rau lang, đậu bắp, bầu rồi quảy gánh ra chợ Bà Quẹo bán. Vôi vữa xây mộ dư, cha bà mua lại để cất nhà gạch thay cho cái chòi lá. Người nào chết vì bạo bệnh, tai nạn, đuối nước, bà đều nhớ. Người nhà mới xuất hiện ở cổng bà đã biết họ thăm mộ nào. Bà kể: “Có cô bé mới 17 tuổi đã lìa đời, cha mẹ đi Mỹ lâu chưa về thăm. Ngày nó chết, mẹ nó đem cho tôi quá trời quần áo đẹp, nói nó chỉ mới mặc một hai lần thôi. Tôi khấn nó đừng đòi lại, mà linh thật, mặc cho đến khi rách rưới mà không thấy nó về đòi”.

Sống đâu quen đó, những người sống trong nghĩa trang này đều nói rằng chắc sẽ nhớ lắm nếu một mai rời đi nhưng khi nào giải tỏa thì hẵng hay.

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ thành công viên cây xanh

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa được chôn cất từ trước năm 1975, có quy mô hơn 44 ha với khoảng 74.000 mộ. Đầu năm 2011, nghĩa trang ngưng tiếp nhận và chôn cất để phục vụ dự án bồi thường, di dời giải tỏa xây dựng trung tâm thương mại phức hợp, tháp lưu tro cốt và công viên cây xanh.

Trong giai đoạn đầu, sẽ di dời khoảng 18.000 ngôi mộ và lò thiêu để thu hồi 12 ha đất, trong đó 10 ha nằm trên đường Tân Kỳ-Tân Quý và hương lộ 3, phường Bình Hưng Hòa sẽ được đấu giá làm khu phức hợp, trung tâm thương mại, nhà ở. 2 ha còn lại trên đường Bình Long, thuộc phường Bình Hưng Hòa A sẽ xây dựng tháp lưu giữ hài cốt, hoa viên phục vụ tái định cư tại chỗ cho người chết. Số mộ còn lại sẽ di dời tiếp sau đó để lấy mặt bằng làm công viên, trồng cây xanh, dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành.

Ngày 19-4, UBND TP.HCM đã quyết định hỗ trợ chi phí để khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng. Mức hỗ trợ cụ thể: 2,5 triệu đồng/lượt cho diện chính sách (bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động...); 1,5 triệu đồng/lượt cho diện hưu trí, hộ cận nghèo, người dân có hộ khẩu tại TP.HCM. Trẻ em từ sáu tuổi trở xuống có hộ khẩu tại TP.HCM hoặc diện KT3 được miễn phí hỏa táng.

________________________________________

Đến thời điểm này, gần 2.300 ngôi mộ đã được cất bốc và chi trả bồi thường. Dự án chưa triển khai bốc mộ hàng loạt do chỉ mới được tạm ứng vốn 30 tỉ đồng trong khi dự kiến tiền bồi thường giai đoạn 1 là hơn 784 tỉ đồng. Quận đang tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký di dời và chi trả bồi thường trong khu đất 12 ha dùng để xây dựng trung tâm thương mại phức hợp và tháp lưu tro cốt. Đối với các hộ dân sinh sống tại khu vực nghĩa trang, sau khi giải tỏa mộ nếu đủ điều kiện sẽ được bồi thường, hỗ trợ về nhà ở, đất ở và xem xét tái định cư theo quy định.

Ông LẠI PHÚ CƯỜNG, Phó ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân

Chủ đề: Đền bù - Thu hồi
Hoàng Lan (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.