25/03/2011 4:21 AM
Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phần nào giải quyết được nhà ở cho người nghèo ở khu vực nông thôn, nhưng với khu vực đô thị, theo ông Nguyễn Lân, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, cần phải có cách làm đa dạng.

* Sau hơn hai năm triển khai, ông nhận xét như thế nào về chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp?

- Hàng triệu căn “nhà 167” đã và đang được xây dựng, bàn giao, cho thấy vai trò của các tổ chức thực hiện (nhà nước, cộng đồng, người dân) là khác nhau. Về đất đai, Nhà nước có thể hỗ trợ về chính sách, giúp người dân có đất làm nhà.

Có đất rồi, ngoài tự thân vận động, người nghèo có thể dựa vào cộng đồng để dựng nhà. Không phải cứ giải phóng mặt bằng, chuyển dân đến ở là xong.

Điều cốt lõi, làm thế nào để cuộc sống của người dân không bị đảo lộn, bởi đối với người nghèo, việc di chuyển đến nơi ở mới là không đơn giản. Chúng ta hoàn toàn có thể giúp người dân định cư tại chỗ. Nếu kết hợp được giữa Nhà nước, cộng đồng và người dân thì người nghèo sẽ có chỗ ở ổn định.

Việc đưa ra đánh giá lúc này là rất khó. Ngay trong việc huy động cộng đồng, người có nhu cầu về nhà ở cùng đóng góp cũng phải thực hiện từng bước.

* Theo Thông tư 36/2009/TT-BXD, cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách mà chưa có nhà ở sẽ được ưu tiên 20-30 điểm khi mua nhà xã hội. Ông nhận định thế nào về nội dung này?


- Với chính sách của Nhà nước, cái gì phù hợp thì thực hiện ngay, còn cái gì chưa phù hợp thì phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi. Tôi cho rằng, nên ưu tiên cho người chưa có nhà ở. Nhưng trong cách thức thẩm tra, phân loại... các địa phương cần có biện pháp, xác định thật chính xác đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.

* Vậy còn sự minh bạch trong khâu lập hồ sơ, xét duyệt đối tượng được hỗ trợ?


- Người dân mong muốn có sự minh bạch, trong chỉ đạo, nhà nước cũng nhấn mạnh điều này. Hiện, chương trình đang triển khai, phải một thời gian nữa mới có thể tổng kết lại và đánh giá cụ thể.

* Nhà “ổ chuột” đang gia tăng cùng tốc độ đô thị hóa. Theo ông, biện pháp nào giải quyết vấn đề này?

- Nhà ổ chuột, vấn đề hết sức bức xúc của đô thị, ta chưa giải quyết được bao nhiêu, hoặc giải quyết ở khu vực này lại nảy sinh ở khu vực khác. Đây là vấn đề khó xử lý, phải từng bước chứ không giải quyết ngay được. Bởi ở từng địa điểm, tùy theo đối tượng sống, mức độ nhà cửa, phải có những biện pháp xử lý khác nhau.

Cụ thể, việc giải quyết nhà cho dân vạn đò ở Huế khác với giải quyết nhà “ổ chuột” hai bên kênh rạch ở đồng bằng sống Cửu Long. Tuy nhiên, với nhà “ổ chuột” của TP.Hồ Chí Minh lại khác. Một số địa điểm, có thể giải quyết định cư tại chỗ, nhưng với những khu nhà trên kênh rạch đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị thì phải chuyển họ đến nơi thích hợp.

* Thay cho việc áp dụng quá nhiều biện pháp theo kiểu “từng bước” như hiện nay, theo ông, cách nào có thể đẩy nhanh tiến độ nhà ở cho người nghèo?


- Phương thức giải quyết nhà ở cho người nghèo đã có nhiều, nhưng cần nghiên cứu kỹ để phù hợp với thực tế. Hiện, xu hướng xây nhà cho người có thu nhập thấp thuê với giá rẻ đang được nhiều nước áp dụng. Nhà nước có thể hỗ trợ tiền đặt cọc ban đầu, người sử dụng sẽ trả tiền thuê nhà hằng tháng.

Vì vậy, nếu ta cứ xây nhà rồi bắt người có thu nhập thấp vào ở, tất nhiên, họ sẽ đồng ý vì không có tiền mua nhà. Nhưng ta phải có chính sách cho từng loại đối tượng. Hãy để cho người sử dụng thuê nhà theo mức thu nhập, khi có thu nhập cao hơn, người ta có thể thuê ngôi nhà tốt hơn.

Cafeland.vn - Theo DNSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland