Trong các kỳ họp Quốc hội, vấn đề giải cứu, “phá băng” thị trường bất động sản đã được đặt ra, tìm giải pháp. Cho đến cuối tháng 1-2013, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Xây dựng mới có giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội những giải pháp cấp bách giải cứu thị trường này.
Theo báo cáo tổng hợp chưa đầy đủ của 50 địa phương trên cả nước, đến nay số lượng nhà ở tồn kho là 42.230 căn; văn phòng cho thuê tồn kho 92.800m2 sàn, trung tâm thương mại tồn 98.400m2, đất nền nhà ở tồn hơn 792ha, đất thương mại tồn hơn 195ha. Tổng giá trị bất động sản tồn kho lên tới 111.963 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 11-2012, tổng dư nợ đầu tư kinh doanh bất động sản lên đến 215.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2011, trong đó Hà Nội và TP.HCM chiếm số lượng lớn nhất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng không thể tính được cụ thể các khoản vay nợ với mục đích khác nhưng lại đổ vào bất động sản; đồng thời thế chấp dính dáng đến bất động sản cũng chiếm một khối lượng rất lớn. Mặc dù hầu hết các ủy viên của Ủy ban Kinh tế cũng như giới chuyên gia đều nhất trí rằng, việc giải cứu bất động sản không thể không làm, song nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn và lo ngại. Hiện đang tồn tại quá nhiều “góc khuất” trong thị trường, nợ xấu do kinh doanh chộp giật, đẩy giá ảo, thậm chí có tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm thì làm sao giải cứu được? Không cẩn trọng thì giải cứu sẽ chỉ là đổ tiền để cứu nhà giàu và lại thổi “bong bóng” bất động sản mới, nền kinh tế không thu được lợi gì cả, người dân cũng vậy.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, muốn tháo gỡ khó khăn cho thị trường thì phải có số liệu chính xác, đánh giá đầy đủ tiêu chí. Số liệu hiện nay không phản ánh đúng tình hình. Bây giờ lo doanh nghiệp bất động sản “chết” sẽ kéo cả hệ thống ngân hàng, cả nền kinh tế lao đao, theo vị Phó Chủ nhiệm, chưa phải là đáng lo ngại nếu so với con số 8,6% nợ xấu của cả nền kinh tế cũng như so với nợ xấu của một số ngành. Nếu đúng là tồn kho bất động sản chỉ gần 112 nghìn tỷ đồng thì chưa cần phải cứu. Nếu Chính phủ thực sự muốn ra tay cứu, thì đối tượng cần cứu là người dân.
Ông Phó Chủ nhiệm nhấn mạnh, điều quan trọng là phải kéo giá về giá trị thực, nếu không khéo thì người dân không được hưởng lợi mà còn bị tước đi cơ hội có nhà để ở. Câu hỏi được một đại biểu Quốc hội đặt ra là: Giá bất động sản được xác định xuống tận đáy chưa để cứu? Theo khảo sát thực tế, mặc dù giá nhà đã được hạ xuống còn 13,5 triệu đồng/m2 thì chủ đầu tư vẫn còn lãi tới 20%. Mức giá đất, giá nhà vẫn còn cao so với thực tế chứ không phải do thị trường quyết định. Thị trường bất động sản đang bị “bóp méo”, lẽ ra giá phải được kéo xuống, đến khi cung cầu gặp nhau, nhưng quy luật này vẫn không diễn ra. Nếu cứ đổ tiền ra cứu doanh nghiệp, khi các tiêu chí định giá chưa có, trong khi giá nhà đất hiện nay đã “cõng” thêm giá đầu cơ, giá bôi trơn chưa thể xác định được, thì giải cứu không chừng lại tạo nên “bong bóng” mới và vòng luẩn quẩn này không thể thoát ra.
Một loạt câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Có giải cứu thị trường bất động sản không hay là để cho nó tự điều chỉnh? Nếu cứu thì cứu doanh nghiệp và ngân hàng hay cứu người dân? Nếu không giải quyết tận gốc một số vấn đề căn cơ thì thị trường bất động sản sẽ càng lún sâu và sẽ càng méo mó hơn. Cuối cùng chỉ có Nhà nước và người dân thiệt thòi.